Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thường trú ổn định, hợp pháp tại địa phương thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ sẽ được hỗ trợ về đất ở, vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thường trú ổn định, hợp pháp tại địa phương thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ sẽ được hỗ trợ về đất ở, vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Đây là nội dung tại Quyết định 29/2013/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ chưa có đất ở
Theo Quyết định, căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và phù hợp với pháp luật về đất đai.
Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để mua đất cấp trực tiếp tối đa cho mỗi hộ chưa có đất ở là 30 triệu đồng/hộ.
Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho mỗi hộ để mua đất làm nhà ở tuỳ thuộc vào giá cả đất đai mỗi nơi, khả năng cân đối ngân sách hằng năm của địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác, nhưng tối thiểu không dưới 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ để tổ chức san lấp, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.
Quyết định cũng nêu rõ, các hộ được cấp đất ở phải làm nhà ở, không được chuyển nhượng, thế chấp, mua bán cho người khác trong thời gian 10 năm, kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Trong thời hạn này, nếu hộ được cấp đất di chuyển đi nơi khác thì phải giao lại đất đã được cấp cho chính quyền địa phương.
Hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất
Bên cạnh được hỗ trợ về đất ở, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Cụ thể, chính quyền địa phương vận động những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, không có đất sản xuất, nhưng có lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định chuyển qua làm các ngành nghề khác trong nông thôn. Những đối tượng này được ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn để họ tạo việc làm mới, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Một số trường hợp cá biệt đối với các hộ trước đây đã chuyển nhượng, thế chấp đất sản xuất, nay không còn đất, nhưng thực sự có kinh nghiệm sản xuất, có nhu cầu đất để sản xuất và được người nhận chuyển nhượng, thế chấp đồng ý cho chuộc lại đất với giá thấp hoặc vận động được bà con thân tộc nhượng bán với giá rẻ thì giải quyết mức vốn vay theo nhu cầu thực tế, nhưng tối đa cũng không quá 30 triệu đồng/hộ.
Các trường hợp cá biệt này phải được chính quyền, đoàn thể cấp phường, xã xem xét chặt chẽ và trình UBND huyện, thị, thành phố (thuộc tỉnh) quyết định.
Quyết định 29/2013/TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-2013 và thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 9-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010.
Theo Chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin