Sau khi phục viên, cựu chiến binh (CCB) Cao Long Hải- Ấp 2, xã Hòa Lộc, Tam Bình- không chỉ vượt khó thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho CCB và con em CCB nhờ vào tổ hợp tác (THT) gia công dệt chiếu tre.
Sau khi phục viên, cựu chiến binh (CCB) Cao Long Hải- Ấp 2, xã Hòa Lộc, Tam Bình- không chỉ vượt khó thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho CCB và con em CCB nhờ vào tổ hợp tác (THT) gia công dệt chiếu tre.
Đến cơ sở gia công hàng thủ công mỹ nghệ dệt chiếu tre đặt ngay nhà anh Hải, ấn tượng đầu tiên là các nhân công đang nhanh tay đưa cọng tre vào dàn chỉ, chân thoăn thoắt đạp bàn đạp...
Hơn chục máy dệt tạo nên âm thanh lách cách rất vui tai theo từng nhịp chân. Theo đó, các lá chiếu tre vừa dệt xong dần được cuộn tròn.
THT gia công hàng thủ công mỹ nghệ dệt chiếu tre của anh Hải (thứ 2 từ trái qua) được duy trì ổn định lâu dài và làm ăn có hiệu quả.
|
Vừa dệt chiếu vừa tiếp chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Thúy Kiều cho biết: “Mỗi ngày tui dệt khoảng 6- 7 chiếc chiếu tre (dài 6,35 m/chiếc), thu nhập khoảng 80.000đ. Làm ở đây không bó buộc nên rảnh lúc nào thì làm lúc đó, công việc lại khá nhẹ nhàng nên chúng tôi có thể “sống được” với nghề”.
Tại cơ sở, có lẽ chiếc máy dệt duy nhất được phát huy hết công suất đó chính là chiếc máy được vợ chồng CCB Cao Văn Mười thay phiên nhau ngồi dệt chiếu.
Mỗi sáng anh ra đồng thì chị dệt. Đến trưa anh “thay ca” cho chị về nhà nghỉ và nấu ăn. Nhờ vậy, “mỗi ngày vợ chồng tui dệt được gần chục chiếc chiếu, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập từ chục công ruộng, vợ chồng tui mới đủ lo cho 5 đứa con lần lượt vào đại học”- anh Mười khoe.
Hỏi về việc cho ra đời THT, anh Hải kể: Sau hơn 3 năm nhập ngũ ở đơn vị Đại đội 2, trực thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, năm 1989, anh phục viên trở về quê nhà làm ruộng, nhưng thu nhập không có là bao.
Thấy kinh tế gia đình khó khăn, năm 2002, một người bạn đã giới thiệu anh hợp đồng gia công sản phẩm “thắt bánh ú” bằng lá buôn cho một công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Hòa Phú (Long Hồ). Tuy công việc này thu nhập khá bấp bênh, nhưng anh vẫn quyết tâm duy trì để có thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Mãi đến năm 2005, anh được công ty ký hợp đồng làm mặt hàng mới đó là dệt chiếu tre và cọng dừa. Trong đó, nguyên liệu tre thì công ty cung cấp, còn cọng dừa thì gia đình anh tự tìm mua với giá 5,5 triệu đồng/tấn. Theo đó, tùy theo hợp đồng của công ty mà THT sẽ sản xuất chiếu tre hoặc chiếu cọng dừa.
Để có máy gia công, anh Hải mua trả góp công ty 5.000 đồng/ngày/máy với trị giá 5 triệu đồng/máy.
Từ 5 máy lúc đầu, đến nay đã nhân lên được 26 máy dệt, đặt tại 2 điểm (ở Ấp 2 và ấp Hòa Phong) tạo điều kiện cho lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm ổn định và gần nhà, với mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Trong đó, có một nửa lao động là CCB và con em CCB.
Hỏi về hiệu quả, anh Hải thật thà đem quyển sổ ghi thu chi rõ ràng và cho biết: “Trong tháng 6 vừa qua, THT đã làm ra gần 2.000 sản phẩm với tổng thu 110 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, vận chuyển, gia đình tui thu lợi hơn 8 triệu đồng”.
Anh tâm sự: “Đầu ra khá bền vững, công việc lại không nặng nhọc, thu nhập cũng tương đối tốt so với mức sống ở nông thôn. Hiện, anh đang ấp ủ dự định tăng lên 50 máy để tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhưng do nguồn vốn hơi nhiều nên vẫn chưa thực hiện được.
Mặt khác, anh cũng muốn tìm những mặt hàng mà nhân công có thể đem về nhà làm lúc nông nhàn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân nâng cao thu nhập. Vì theo anh, “lực lượng lao động này rất tha thiết có việc làm tại quê nhà”.
Ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Bình cho biết: Anh Hải là một trong những điển hình “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” cấp tỉnh. Ngoài ra, anh còn là người tích cực tham gia các phong trào tại địa phương với vai trò là Chi hội phó Chi hội CCB Ấp 2 (xã Hòa Lộc). THT Gia công hàng thủ công mỹ nghệ dệt chiếu tre là một trong những THT của CCB được duy trì ổn định lâu dài và làm ăn có hiệu quả, đã hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất và cải thiện thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin