Giảm hộ nghèo thành thị- bài toán khó!

09:07, 10/07/2013

Do tính chất ở đô thị, nên người nghèo TP Vĩnh Long có những khó khăn riêng so với nông thôn. Ngoài ra, thành phố còn phải “gánh” thêm nhiều hộ nghèo “không chính thức”, do họ không phải là người địa phương.

Do tính chất ở đô thị, nên người nghèo TP Vĩnh Long có những khó khăn riêng so với nông thôn. Ngoài ra, thành phố còn phải “gánh” thêm nhiều hộ nghèo “không chính thức”, do họ không phải là người địa phương.

Xóa nghèo ở đô thị là chuẩn mực để tiến tới quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa bền vững.

Áp lực đô thị hóa

Trong 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo TP Vĩnh Long chỉ còn 2,43%, đó là một nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, đoàn thể và cả cộng đồng cư dân. Cho đến nay, việc thực hiện các chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.


Anh Hải hiện ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long (quê Quảng Ngãi), với “cửa hàng di động” trên xe đạp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thực hiện rất tốt các chính sách người cao tuổi, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, giải quyết việc làm góp phần ổn định kinh tế chính trị xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, TP Vĩnh Long cũng là nơi tập trung đông dân cư (trên 10% dân số của tỉnh). Với nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cao; nhưng thành phố cũng phải chịu áp lực lớn về vấn đề đô thị hóa.

Do đó, khác với nông thôn, thành phố luôn “gánh” cùng lúc hai cái nghèo, đó là: “nghèo tại chỗ” và “nghèo” từ tăng dân số cơ học. Vấn đề nghèo khổ trong quá trình đô thị hóa, ngay từ nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ở nông thôn được xem là trọng tâm hàng đầu, bởi xu hướng người nghèo nông thôn đổ về các đô thị tìm việc, mưu sinh.

Đảo quanh thành phố, ngay từ sáng sớm, cho đến tận đêm muộn, chúng ta dễ dàng nhận thấy cuộc mưu sinh vất vả, với đủ mọi lứa tuổi, bằng đủ các nghề dễ làm và ít vốn. Chỉ riêng lực lượng bán vé số, đã là con số rất lớn.

Có nghề chỉ cần “tấm ván” máng trên vai giống như một cửa hàng di động. Có nghề là chiếc xe đẩy để nuôi cả gia đình… Họ đương nhiên là những người nghèo, nhưng không phải tất cả họ đều là công dân của thành phố.

Thành phố cũng là nơi dễ kiếm việc làm. Ảnh minh họa: Bạn sinh viên với nghề phục vụ quán cà phê.


Có người đến từ nông thôn, vùng sâu của các huyện, có người đến từ tận các tỉnh ngoài miền Trung. Do đó, giải quyết vấn đề người nghèo đô thị là một “chuỗi phức hợp”. Bởi đi cùng với nghèo khổ, là phát sinh hệ lụy ở nhiều lĩnh vực như: nhà ở, học vấn, tội phạm, đạo đức, gia đình…

Khó càng thêm khó

Chủ tịch UBMTTQ Phường 3, Đỗ Thị Mỹ Trinh, cho rằng: Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp cho hộ nghèo nông thôn cũng như thành thị.

Có thể là đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, có thể là giúp vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi, hoặc những chương trình hỗ trợ cất nhà. Ngoài ra, còn rất nhiều chương trình an sinh xã hội khác, đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.

Tuy nhiên, chị Đỗ Thị Mỹ Trinh cho rằng, có những khác biệt đã làm cho hộ nghèo thành thị có nhiều khó khăn hơn. Nếu so sánh, thì người nghèo nông thôn, với diện tích nho nhỏ quanh nhà cũng có thể chăn nuôi, trồng trọt rau cải.

Việc học nghề, làm thêm họ cũng gặp thuận lợi khi có thể tận dụng thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập. Ngay như chương trình hỗ trợ cất nhà, người nông thôn cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Trong khi đó, người nghèo đô thị “đụng đâu” cũng phải tiền, tiền nhà trọ, tiền chợ…

Mà đất đô thị thì rất khó khăn, nên những chương trình xây nhà cũng khó triển khai hơn. Dó đó, công tác giảm nghèo ở khu vực thành phố luôn có nhiều khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, là một bộ phận nhỏ vẫn tỏ quá thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Thủy- Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ Phường 2 cho biết: “Thường đến tháng 9, tháng 10 hàng năm là xét hộ nghèo, thì có trường hợp cả nhà cùng nghỉ đi làm trước đó mấy tháng, cứ ở không, để được hưởng ưu đãi hộ nghèo”.

Nhưng nhìn chung, đa số người nghèo ở TP Vĩnh Long có cố gắng vượt qua những khó khăn riêng của khu vực đô thị, đã nỗ lực vươn lên, làm cho những đồng vốn, những chương trình hỗ trợ được phát huy tác dụng, mang lại nhiều kết quả phấn khởi.

“Để giúp cho các hộ nghèo thành thị giảm nghèo bền vững, mong sao sẽ có thêm nhiều chương trình hơn, biện pháp hữu hiệu hơn, giúp cho người nghèo có thể tiếp cận được mọi nguồn vốn một cách phù hợp hơn, góp phần công tác giảm nghèo đô thị trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn”- chị Đỗ Thị Mỹ Trinh đề nghị.

Dân số TP Vĩnh Long là 137.289 người, chiếm trên 10% dân số của tỉnh. Đầu năm 2011, thành phố có 1.367 hộ nghèo, đến cuối năm 2011 còn 1.247 hộ nghèo, hộ cận nghèo là 980. Trong 6 tháng đầu năm 2013, TP Vĩnh Long chỉ còn 952 hộ nghèo, với 3.005 nhân khẩu, chiếm 2,43%.


Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh