Việt Nam đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người

07:07, 04/07/2013

Báo cáo Phát triển con người năm 2013 được giới thiệu tại Việt Nam ngày 3-7 đã xếp Việt Nam vào trong 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây.

Báo cáo Phát triển con người năm 2013 được giới thiệu tại Việt Nam ngày 3-7 đã xếp Việt Nam vào trong 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây.

Theo báo cáo toàn cầu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập kỷ qua. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia-nằm trong nhóm xếp loại “trung bình” về phát triển con người.

Hội thảo Giới thiệu Báo cáo Phát triển con người năm 2013.

Với tựa đề “Sự trỗi dậy của các nước Nam bán cầu: Tiến bộ về con người trong một thế giới đa dạng”, báo cáo phát triển con người năm nay tiến hành phân tích đánh giá hơn 40 quốc gia đang phát triển với các thành tựu nổi bật về phát triển con người trong những năm gần đây.

Báo cáo nhận định, những kết quả này có được là nhờ các cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm cải cách hệ thống giáo dục và y tế công cộng, các chương trình xóa đói giảm nghèo mang tính đột phá và sự tham gia mang tính chiến lược vào nền kinh tế thế giới.

Báo cáo nêu rõ: “Sự trỗi dậy của các nước Nam bán cầu chưa từng có tiền lệ cả về tốc độ và quy mô. Trong lịch sử chưa bao giờ mà điều kiện sống và triển vọng tương lại của nhiều người lại thay đổi nhanh chóng và đáng kinh ngạc như vậy”.

Theo báo cáo dự đoán, đến năm 2030, hơn 80% người dân thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới sẽ tập trung ở Nam bán cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 2/3 số dân thuộc tầng lớp trung lưu mới của thế giới.
 
Theo đó, trình độ dân trí của hàng tỷ người sẽ ngày càng được nâng cao, họ sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống xã hội và quốc tế, mặc dù mức thu nhập của họ vẫn còn thấp hơn đáng kể so với những người cùng tầng lớp ở các nước công nghiệp Bắc bán cầu.

Tuy nhiên, Báo cáo Phát triển con người năm 2013 cũng cảnh báo rằng, các chính sách thắt lưng, buộc bụng với tầm nhìn ngắn hạn, tình trạng bất bình đẳng kéo dài và những hệ thống chính trị kém hiệu quả có thể đe dọa đến sự phát triển của quốc gia và thế giới nếu không được giải quyết kịp thời.

Theo báo cáo, “Tăng trưởng kinh tế không tự chuyển thành tiến bộ về phát triển con người. Các chính sách hỗ trợ người nghèo và sự đầu tư thích đáng vào năng lực con người-chú trọng vào giáo dục, dinh dưỡng, y tế và các kỹ năng lao động-có thể tăng khả năng tiếp cận công ăn việc làm và tạo cơ sở cho phát triển bền vững”.

Báo cáo nhận định: “ Nam bán cầu nói chung đang dẫn đường cho sự phát triển kinh tế thế giới cũng như những thay đổi về mặt xã hội chưa từng có trong thế kỷ qua”.

Theo đó, những đặc điểm nổi bật của sự thay đổi này, gồm: Các nước đạt nhiều thành tựu nổi bật nhất ở khu vực Đông Á không chỉ có Trung Quốc mà còn có cả Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Brunei; đến năm 2020, chỉ riêng tổng sản lượng của 3 nền kinh tế đang phát triển hàng đầu là Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt qua tổng sản lượng của cả Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Mỹ cộng lại; năm 2011, Trung Quốc chiếm 61 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới theo danh sách Fortune 500 (trong khi 5 năm trước đây con số này chỉ là 16 công ty).

Báo cáo phân tích, mặc dù các quốc gia này có sự khác biệt lớn về lịch sử, hệ thống chính trị và đặc thù nền kinh tế nhưng vẫn có nhiều điểm chung.

Hầu hết chính phủ của các nước này đều quyết đoán, tận dụng hiệu quả các cơ hội trong thương mại quốc tế đồng thời thực hiện giảm thiểu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng thông qua các sáng kiến xã hội mang đặc trưng riêng. Điều này có thể nhận thấy rõ nét nhất ở Trung Quốc.
 
Kể từ khi chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã có được những thay đổi vượt bậc và đang nổi lên như một nền kinh tế thị trường thống lĩnh có khả năng chi phối nhịp độ hệ thống toàn cầu.

Để có được những thay đổi ở quy mô lớn như vậy đòi hỏi chính phủ phải có tầm nhìn dài hạn để xây dựng các thể chế và năng lực cần thiết. Cải tổ bộ máy nhà nước và từng bước mở cửa thị trường. Tất cả được thực hiện dựa trên một nền tảng vững chắt nhờ đầu tư đón đầu trong lĩnh vực giáo dục từ những thập kỷ trước.

Indonesia-một điển hình thành công khác trong khu vực, cũng đã cố gắng cân bằng giữa nhà nước và thị trường, chuyển từ chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu tập trung vào nông nghiệp và phá triển nông thôn sang chiến lược kinh tế cởi mở hơn và tập trung vào hoạt động thương mại.

Từ nhiều góc độ khác nhau, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều tìm cách dung hòa giữa sự quản lý của nhà nước với hoạt động thương mại và đầu tư. Hàn Quốc, một trong những nước đầu tiên trong khu vực chuyển đổi thành công thành một nền kinh tế phát triển, đã kết hợp khu vực kinh tế nhà nước với khu vực tư nhân trong quá trình công nghiệp hóa của mình, đồng thời hỗ trợ các chính sách phát triển giáo dục, hạ tầng y tế.

Tuy nhiên, Báo cáo cảnh báo các quốc gia Đông Á cũng phải đối mặt với những thách thức như các nước đang phát triển tại khu vực khác trên thế giới. Đó là, dân số ngày càng già đi, các hiểm họa về môi trường, áp lực về chính trị và tình trạng bất bình đẳng. Vì vậy, các quốc gia phải luôn tỉnh táo để duy trì được động lực tăng trưởng của mình.

Trong bài phát biểu tại hội thảo giới thiệu ý nghĩa của báo cáo tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào con người. Bà cho biết:

“Nếu không đầu tư vào con người thì những lợi ích thu được từ thị trường quốc tế hoặc từ đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ rất hạn chế. Đầu tư vào tiềm năng con người có ý nghĩa sống còn giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh và nhờ đó được hưởng lợi đầy đủ khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế”.

Bà Mehta đề cập đến những khác biệt vùng miền và địa lý đang cản trở Việt Nam đạt được những thành tựu cao hơn trong phát triển con người.

Bà lưu ý, bốn lĩnh vực chủ chốt mà báo cáo đề xuất nhằm đảm bảo tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực phát triển con người, bao gồm: Thúc đẩy bình đẳng; tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân; đối mặt với các thách thức về mội trường và kiểm soát những thay đổi về nhân khẩu.

Theo  QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh