Phố bỗng là dòng sông uốn quanh

06:06, 26/06/2013

Dường như đó là hình ảnh thường xuyên gặp của phố ngày mưa, triều cường cao. Nhưng nó không lãng mạn và gợi nhớ như trong “Em còn nhớ hay em đã quên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đường nội ô TP Vĩnh Long bỗng thành sông sau những cơn mưa nặng hạt, gây ra nhiều phiền toái cho sinh hoạt của người dân đô thị.

Dường như đó là hình ảnh thường xuyên gặp của phố ngày mưa, triều cường cao. Nhưng nó không lãng mạn và gợi nhớ như trong “Em còn nhớ hay em đã quên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đường nội ô TP Vĩnh Long bỗng thành sông sau những cơn mưa nặng hạt, gây ra nhiều phiền toái cho sinh hoạt của người dân đô thị.

Những con đường… thành sông


Đã vào mùa mưa, một số con đường biến thành sông trở thành… chuyện thường ngày ở phố. Nhiều năm nay, người dân TP Vĩnh Long đã quen dần với việc sống chung với nước ngập.

Sau những cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường Hoàng Thái Hiếu, Trưng Nữ Vương, 3 Tháng 2, Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng… bỗng chốc thành “sông”, có đoạn ngập gần nửa mét nước. Nhất là mưa vào giờ tan sở làm buổi chiều, việc lưu thông trở nên khó khăn, bất tiện.

Nhớ lại trận mưa cách nay hơn tuần, chị Hải (Phường 5) kêu trời: “Tui rước con học hè về, mưa ngập gần nửa thân xe. Tắt máy. 2 mẹ con phải lội đẩy xe, thiệt khổ”. Tình trạng xe tắt máy, té ngã, “náo loạn” giao thông do xe khác chạy nước bắn tung tóe khiến nhiều người ướt như chuột lột… không hiếm xảy ra trên đường phố.

Người đi đường kêu khổ, người dân ở vùng ngập lại còn khổ hơn. “Hôm trước mưa lớn, nước tràn vào nhà, đồ đạc nổi lềnh bềnh. Lường trước là sẽ ngập nhưng nước tràn nhanh quá, trở tay không kịp, mấy đồ đạc bị ướt tôi phải đem phơi mấy ngày sau mới khô”- cô Phạm Mỹ An (Phường 2) nói.

Là “nạn nhân” không ít lần phải dẫn bộ vì xe chết máy lúc nước ngập, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (Phường 2) than: “Cứ mỗi lần mưa xuống, triều cường lên là đường lại ngập. Nhiều người chen lấn nhau trên đường gây ra tình trạng kẹt cứng. Những khi nước ngập, tôi lại phải chuẩn bị tinh thần dẫn xe đi bộ, thiệt cực hết sức”.

Nhiều người đi đường lắc đầu ngao ngán mỗi khi nhìn thấy trời mưa. Tình trạng ngập do mưa ngày càng diễn ra thường xuyên hơn ở các tuyến đường. Không chỉ ở nội ô Phường 1, mà ở các tuyến đường vùng “ven” như Phường 2, Phường 8, Phường 9… nước mưa tràn lênh láng vỉa hè, tràn vào nhà dân, cửa hàng.

Hệ thống cống thoát nước gần như quá sức chịu đựng trước những trận mưa như trút. Nước mưa không ngại, nhưng “sợ” nhất là nước cống tràn ngược lên đường, đen ngòm và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Người đi đường chỉ muốn thoát qua cho nhanh.

Vì sao đường thành sông?


Một thùng rác to đùng “nằm gọn” trước miệng cống (ảnh chụp trên đường Phạm Thái Bường).

 “Trước đây, nước sinh hoạt, nước mưa của thành phố tự thoát thẳng xuống kinh rạch. Nhưng tốc độ đô thị hóa quá nhanh, người dân làm nhà, xây dựng công trình lấn chiếm, san lấp… thì nước thoát đi đâu?”- ông Lưu Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long hỏi ngược lại chúng tôi.

Theo phân tích của ông, đường Đinh Tiên Hoàng (Phường 8) trước đây có con rãnh thoát nước, nhưng đã bị san bằng. Đường Nguyễn Huệ (Phường 2), Phạm Hùng (Phường 9) chỉ có đường cống dọc nước khó thoát nhanh.

Hệ thống cống Phường 1 được cho là tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, mưa lớn lại ngập nặng và thoát nước lâu hơn. Ông Lưu Quang Trường cho rằng, qua quá trình đầu tư mở rộng, xây dựng nhiều thời kỳ và không đồng bộ; công trình sau đè lên công trình trước, nên hệ thống cống thoát nước… tùm lum.
 
Đoạn lớn chồng đoạn nhỏ, có đoạn nằm quá cao lại có đoạn chôn tuốt dưới đường 2- 3m. Ông dẫn chứng, đường 3 Tháng 2 là trục đường chính của đô thị cũ. Qua nhiều lần sửa chữa, mở rộng, mặt đường đã “nhốt” cống dưới đường từ 2,5- 5m. “Giờ cống nằm giữa lộ và vô hiệu, không thu nước được”.

Trong khi đó, đường Hoàng Thái Hiếu “hễ mưa là ngập” được ông Trường giải thích do quá trình nâng cấp các tuyến đường khu vực xung quanh, vô tình tạo lòng chảo khu vực đường Hoàng Thái Hiếu.


Bịch rác thải này sẽ “chặn” nước thoát xuống cống nếu trời mưa.

Mặt khác, chúng tôi quan sát nhiều tuyến đường trong những ngày… nắng và ghi nhận: nhiều miệng cống bị chặn, bịt kín bởi đủ thứ rác thải. Không khó để bắt gặp những bịch rác to đùng “chặn” ngay miệng cống. Nhiều hộ buôn bán trên vỉa hè coi miệng cống như… hố rác.

Cứ tạp chất, đồ ăn, thức uống thừa, rác quét trên “sân vỉa hè” có cả lá cây bịch ny-lông hay gì gì cũng đều tống xuống miệng cống. Lại có nhiều miệng cống bị người dân cho bít lại để tránh mùi hôi. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống cống đã yếu kém và thiếu, càng trở nên “vô hiệu” mỗi khi mưa trút xuống thành phố.

Ông Lưu Quang Trường:


Nhiều tuyến đường ở thành phố chẳng có cống, chứ không phải yếu kém. Trong quá trình đô thị hóa, chúng ta thiếu đầu tư hệ thống cống. Mỗi đường có cống nối thông nhau nhưng không đồng bộ.

Theo tôi, có 2 nguyên nhân khiến đô thị ngập vì mưa là: hệ thống cơ sở hạ tầng xây dựng không đồng bộ và việc quản lý vận hành chưa tốt, thói quen của người dân đưa mọi thứ xuống cống. Cống muốn thoát nước tốt phải có nơi thu và thoát nước ra.

Nhưng hiện nay, nhiều điểm thu nước bị đóng lại (do rác, bị chặn…), còn cửa xả bị lấn chiếm do làm nhà cửa, công trình. Hiện hệ thống thoát nước của Phường 1 có 15 cửa xả nhưng hiệu quả kém.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC – THẢO LY



Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh