Giải bài toán tăng lương tối thiểu

03:06, 06/06/2013

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu là một trong những công cụ quan trọng quản lý vĩ mô về tiền lương giúp giảm bất bình đẳng về thu nhập, chống đói nghèo và là sàn thấp nhất mà chủ sử dụng lao động không có quyền trả thấp hơn mức đó, là “lưới an toàn” cho người lao động làm công ăn lương trong xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu là một trong những công cụ quan trọng quản lý vĩ mô về tiền lương giúp giảm bất bình đẳng về thu nhập, chống đói nghèo và là sàn thấp nhất mà chủ sử dụng lao động không có quyền trả thấp hơn mức đó, là “lưới an toàn” cho người lao động làm công ăn lương trong xã hội.

Tuy nhiên, một thực tế lâu nay đang tồn tại ở nước ta đó là, người lao động vẫn đang nằm ngoài “lưới an toàn” này.

Bài toán hơn 20 năm chưa có lời giải

"Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất, được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và có một phần tích lũy, tái sản xuất sức lao động mở rộng".

Mức lương tối thiểu gồm có lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu ngành do Chính phủ quyết định. Mức lương tối thiểu được xác định dựa trên nhu cầu sống tối thiểu, tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng theo từng thời kỳ.


Lương tối thiểu ở khu vực sản xuất kinh doanh mới chỉ đáp ứng được gần 70% mức sống tối thiểu của người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức (hiện nay là 1.050.000 đồng /tháng) và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu ngành đang được áp dụng thí điểm đối với ngành dệt may, cao su thông qua ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành.

Theo ông Lê Xuân Thành, Vụ phó Vụ Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nếu tiếp cận từ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì cần tính đến chi phí cho hao mòn sức lao động, chi phí lương thực, phí nuôi con để hình thành nên mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, chi phí cho mức sống tối thiểu của người lao động là khác nhau. Nếu như năm 1993, chi phí dành cho lương thực thực phẩm của người lao động chiếm 55% và chi phí phi lương thực chiếm 45% thu nhập của người lao động thì năm 2010 đã đảo ngược.

Theo một điều tra nghiên cứu vào tháng 7-2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở các doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, cuộc sống của người lao động ở các doanh nghiệp đã khảo sát chủ yếu được cải thiện nhờ vào làm thêm giờ chứ không phải từ lương cơ bản.

Trung bình một người làm thêm 3 giờ /ngày và thu nhập thêm bằng 10-20% tiền lương cơ bản được nhận. “Lâu nay, lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng nhưng chưa bao giờ gặp được nhau” - ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay. ông Lê Xuân Thành cũng cho rằng, từ khi áp dụng mức lương tối thiểu năm 1992 đến nay, để lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động là một bài toán khó mà hơn 20 năm nay chưa tìm được lời giải.

Hiện nay, sau những lần điều chỉnh lương tối thiểu thì ở khu vực sản xuất kinh doanh, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được gần 70% mức sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức nhà nước chỉ bằng 70% lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp.

Con đường đi đến lương đủ sống

Cơ chế điều chỉnh chính sách lương tối thiểu chung ở khu vực hành chính sự nghiệp chủ yếu dựa vào ngân sách và chỉ số giá tiêu dùng, chứ không phải dựa trên thu nhập của người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp thì dựa vào nguyên tắc tăng năng suất lao động, tỷ số trượt giá để điều chỉnh.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu phải gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững, năng suất lao động cao cũng như khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Tăng lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động là điều cần thiết.

Thế nhưng, không ít người băn khoăn, lo ngại cải cách tiền lương trong khi năng suất lao động thấp, trình độ lao động không cao. Năm 2004 năng suất lao động của toàn xã hội là 4,4%, nhưng năm 2011 chỉ còn 3,8%.

Đó là chưa kể đến trong số 16 triệu lao động làm công ăn lương của cả nước thì chỉ có khoảng 70% đóng bảo hiểm xã hội, số còn lại tìm cách “lách” để giảm chi phí đóng góp và có thêm thu nhập.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần phải mạnh tay thanh lọc, tinh giảm biên chế trong bộ máy nhà nước nhằm làm giảm áp lực lên quỹ lương, từ đó mới có thể tăng lương tối thiểu.

“Để điều chỉnh lương tối thiểu theo hướng phù hợp, trước hết phải căn cứ vào mức sống tối thiểu, năng suất hiệu quả công việc, tăng trưởng GDP và khả năng trượt giá. Tính toán làm sao để mức tăng lương tối thiểu phù hợp với cả ba bên, vừa bảo đảm ngân sách, đời sống của người lao động và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Lợi cho hay.

Theo ông Lê Xuân Thành, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình như trong Kết luận số 23-KL/TW ngày 29-5-2012 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thì trong 2 năm 2014, 2015, phải điều chỉnh mức tăng rất lớn để đạt nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2015. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể chịu được.

Còn nếu điều chỉnh để bảo đảm ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản vì mức lương thực tế của người lao động hiện nay thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo tính toán.

Bộ LĐ -TB&XH đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh theo 2 phương án. Phương án 1: Đạt nhu cầu sống tối thiểu năm 2017 với mức tăng bình quân chung khoảng 16,5-20%/năm tùy theo từng vùng. Phương án 2, đạt nhu cầu sống tối thiểu năm 2016 với mức tăng bình quân chung khoảng 18-23%/năm tùy theo từng vùng.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh