Đó là nội dung của buổi tọa đàm do Chi hội Nhà báo đơn vị Báo Vĩnh Long phối hợp với Chi đoàn Báo Vĩnh Long tổ chức nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2013). Cuộc tọa đàm khơi gợi nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với người làm báo.
Quang cảnh cuộc tọa đàm.
Đó là nội dung của buổi tọa đàm do Chi hội Nhà báo đơn vị Báo Vĩnh Long phối hợp với Chi đoàn Báo Vĩnh Long tổ chức nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt
Thư ký Chi hội Báo Vĩnh Long Lê Ngọc Thúy cho rằng: Đối với nhà báo, vấn đề đạo đức rất đa dạng, thậm chí là phức tạp. Trong khi đó, tác phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân, nên mỗi tác phẩm đều thể hiện đạo đức của nhà báo. Đạo đức nghề nghiệp nhà báo được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp.
Hiện nay, ở một số cơ quan báo chí đã xuất hiện hiện tượng nhà báo vi phạm đạo đức: thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hóa tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, thiếu văn hóa, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục…
Những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà báo thường thấy hiện nay như chạy theo những thông tin tiêu cực (đăng tải quá nhiều về các vụ án mạng và mặt trái của xã hội); xa rời nguyên tắc khách quan, chân thật của báo chí; viết sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng…
Tại buổi tọa đàm, các nhà báo, phóng viên đã chia sẻ cảm nhận của mình xung quanh những thông tin sai sự thật gây tác động xấu mà một số báo đăng tải trong thời gian qua.
Nhà báo Văn Minh dẫn chứng: Trên các trang web gần đây đăng tải bài “Nữ chủ tịch hội phụ nữ bị mất chức, chồng bỏ…. vì mê nhậu” và một số trang báo điện tử thấy “giật gân” nên đăng lại. Sự việc khiến các nhân vật trong bài báo (Trà Ôn) phải một phen lao đao (dù không ghi rõ tên nhưng hài chức danh và địa chỉ rõ ràng).
Khi phóng viên về cơ sở thì mới “té ngửa” vì 2 người đảm nhiệm các chức danh trên đang công tác tốt. Tìm hiểu mới hay “nhà báo máy lạnh” ở tận đẩu tận đâu đã nặn ra câu chuyện trên (hoặc là lắp ghép từ nhiều câu chuyện của nhiều nơi cũng không chừng).
Hiện nữ chủ tịch hội phụ nữ xã này chưa chồng, vẫn đương chức. Anh trưởng công an xã cũng bình yên vô sự, còn “bài báo” nọ cho rằng anh bị trời đánh không chết nhưng chết vì… nhậu (!?) Thông tin bịa đặt từ “bài báo” trên đã tạo dư luận xấu, xúc phạm nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến công việc đối với 2 nhân vật trong bài viết.
Nhà báo Văn Minh cho rằng, báo chí một kênh thông tin tuyên truyền quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và lan truyền với tốc độ chóng mặt nhà báo phải đặt đạo đức nghề báo lên hàng đầu.
Nhà báo Cẩm Phong cho rằng, người làm báo càng phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin và “hành động” đúng với đạo đức nghề nghiệp của mình. Giữa vô vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, nhà báo phải biết chọn sự kiện nào để đưa tin, đưa mức độ nào, dưới hình thức nào và vào thời điểm nào...
Mỗi thông tin, với cách đưa, cách bình luôn thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo. Mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng không phải là vô thưởng vô phạt, tùy hứng, tùy tiện, mà đó phải là một thông điệp có ý nghĩa.
Việc thông tin sai lệch sự thật, “tam sao thất bổn”, không chính xác hoặc chỉ đúng một nửa sự thật là tự bản thân người làm báo đã không tôn trọng độc giả.
Nhà báo Trần Phước chia sẻ, mỗi thông tin của nhà báo đăng tải đều có tác động trực tiếp đến tâm tư tình cảm, đến cuộc sống mỗi người dân, đến hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp. “Chúng tôi luôn thấy rằng, trách nhiệm với thông tin của mình là vô cùng lớn lao.
Nhà báo kinh tế đưa thông tin một, phải biết hai, ba. Luôn phải biết đặt câu hỏi vì sao đưa tin đó, vì sao phải đưa thế này mà không đưa thế kia? Và cuối cùng, nhà báo muốn viết giỏi, viết hay phải học, phải nghĩ và phải đi!”- anh nói.
Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Kiệt đánh giá, buổi tọa đàm là nơi để phóng viên, hội viên nhà báo có dịp chia sẻ, giãi bày những tâm tư của mình về nghề báo.
Qua đó, giúp các nhà báo, phóng viên tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu và ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm xã hội để tích cực đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng thời, gợi mở cho ban biên tập hướng nghiên cứu, chăm bồi để các nhà báo phát huy tốt hơn, phát triển nghề nghiệp của mình lâu dài và đạt yêu cầu của ban biên tập đề ra.
Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- Phạm Hoàng Khải:
Nhiều phóng viên trẻ viết báo chưa kịp qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản, còn nhiều vấn đề chưa thông hiểu. Cho nên, cần chú trọng việc tự nâng cao trình độ xoay quanh 3 trục: nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vững về luật và tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Đó cũng là cách bảo vệ chính mình khi tác nghiệp.
Nhà báo cần xác định rõ tư tưởng chính trị, luôn luôn học tập phong cách đạo đức làm báo của Bác Hồ; lấy đó làm phương châm hành động, làm cơ sở viết báo. Đồng thời, không ngừng chú ý cách viết, cách nói cũng như ngôn từ, phong cách của một phóng viên báo Đảng. Rèn luyện phong cách cũng là cách thể hiện đạo đức nhà báo.
Trưởng Phòng Thư ký Tòa soạn- Nguyễn Thanh Hường:
Thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, thông tin ngồn ngộn và đa chiều. Nhà báo phải có bản lĩnh “gạn đục khơi trong”, biết đâu là “tư liệu tươi”, đâu là “tư liệu khô” để dành và đâu là thông tin tham khảo bổ sung kiến thức nền của mình.
Nhà báo là phải đi thực tế, tôn trọng quy trình tác nghiệp “chân đi, tai nghe, mắt nhìn, miệng hỏi, tay ghi và óc suy nghĩ” (cũng không nên xem thường trực giác) để tác phẩm tươi mới và sát cuộc sống.
Nhà báo phải viết sự thật, không phải sự thật nào cũng có thể nói ra nhưng khi viết thì không được viết sai sự thật. Bởi, sự hàm oan của dư luận xã hội do báo chí gây ra lớn lắm, có khi hơn cả một bản án tòa tuyên. |
Bài, ảnh: CHI ĐOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin