Những bữa cơm ấm lòng "sĩ tử "

12:05, 03/05/2013

Đầu mùa ôn thi tốt nghiệp, chúng tôi đến các trường THPT và lại thấy ấm lòng bởi những bữa cơm dành cho học sinh (HS) nghèo ôn tập. Những bữa cơm bắt đầu từ năm 2006 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình) và nay lan rộng ra các trường THPT trong toàn tỉnh Vĩnh Long.

Đầu mùa ôn thi tốt nghiệp, chúng tôi đến các trường THPT và lại thấy ấm lòng bởi những bữa cơm dành cho học sinh (HS) nghèo ôn tập. Những bữa cơm bắt đầu từ năm 2006 tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình) và nay lan rộng ra các trường THPT trong toàn tỉnh Vĩnh Long.

Bữa cơm đượm tình thầy trò

Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nơi ra đời phong trào nấu cơm cho HS nghèo- Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình)- và gặp người khơi nguồn- cô Huỳnh Thị Hồng Lạc.

Đôi mắt của cô hiệu trưởng đã về hưu sáng lên, cô cười tươi rói: “Hồi trước, mỗi 5 giờ sáng là các cô cùng thức dậy đi mua thức ăn chuẩn bị... Thấy thương lắm, thời gian cô thấy thoải mái nhất mỗi ngày là lúc HS ăn trưa. HS ăn ngon, mọi mệt nhọc của mình bỗng dưng biến mất”.

Bữa cơm ấm lòng HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa.


Bữa cơm ngon một phần cũng nhờ tình thầy trò, thầy Trần Công Danh- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Trường vẫn giữ cách làm: giáo viên tự đi chợ, nấu cơm cho HS ăn. Không chia lịch trực, cứ ai rảnh tiết thì xuống phụ mỗi người một tay mà đều đặn 7 năm nay không gián đoạn buổi cơm nào khi vào đợt ôn tập”.

Không hẹn trước, chúng tôi đến trường ngay giờ trưa, khi 103 HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo của trường đang ăn cơm. Mỗi bàn ăn có 6 HS, thức ăn mới được dọn lên nóng sốt và bốc khói nghi ngút. Khi thì gà, khi thì thịt cá, đảm bảo dinh dưỡng mà HS không bị ngán. Thực đơn hôm nay là canh khoai thịt bằm và thịt trộn dưa mắm, thấy HS ăn mà bụng chúng tôi cũng… đói cồn cào.

Dưới góc bếp căng tin, 6 giáo viên đang loay hoay: người múc đồ ăn vào dĩa, người xới cơm cho vào thau, người múc canh,… nhịp nhàng vui vẻ. Các HS xuống sớm đã ăn xong cơm thì nhanh chóng dọn dẹp bàn ăn cho sạch sẽ. Nam thì dọn bàn ghế, nữ dọn chén dĩa. Công việc rửa chén đã có chị tạp vụ phụ giúp một tay.

HS Võ Thị Huỳnh Ngọc nói: “Em tranh thủ ăn xong lên lớp nghỉ ngơi một chút còn học bài”. Nói về bữa cơm thì Ngọc cho rằng: “Ít khi nào ở nhà em được ăn cơm có đồ ăn như ở trường”. Gia đình Ngọc vốn khó khăn, nhà lại ở xa (xã Trà Côn- Trà Ôn) nên: “Được ăn cơm miễn phí, em tiết kiệm nhiều cho mẹ”.

Vừa chất xong mấy cái ghế về chỗ cũ, Trần Vũ Kiệt hớn hở: “Nhà em cách trường 12 cây số, nhà cũng khó khăn nếu không được trường cho ăn cơm trưa chắc em ăn bánh mì hay mì gói”.

Cứ như thế, những bữa cơm của Trường THPT Trần Đại Nghĩa 7 năm nay vẫn được duy trì, làm ấm lòng biết bao HS nghèo hay có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi trường mỗi cách

Trường THPT Hòa Bình (Trà Ôn) lại có cách chăm lo cho HS khác. Thay vì nấu cơm, nhà trường kết hợp với các quán ăn quanh trường phát phiếu cơm miễn phí cho các em HS nghèo trong suốt thời gian ôn thi và 3 ngày thi tốt nghiệp.

Thầy Trịnh Văn Ngoãn- Hiệu trưởng cho biết: Giáo viên trong trường đa số còn công việc đồng áng, thời gian ôn tập cũng vào mùa vụ nên khó có thể nấu cho HS ăn.

Hơn nữa, khi phát phiếu cơm thì các em có thể chọn quán mà các em thích để ăn, hoặc nếu không muốn ăn cơm các em cũng có thể ăn các món khác đồng giá khoảng 17.000 đ/suất. Giờ ăn của mỗi HS nhờ đó cũng được linh hoạt, HS không cần phải đi ăn cùng lúc.

Năm nay, Trường Trung học Cấp II- III Hòa Bình có 236 HS, trong đó có 57 em HS thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn được nhà trường phát phiếu cơm miễn phí trong suốt 6 tuần ôn tập tại trường và 3 ngày thi tốt nghiệp.

Trong khi đó, dù công tác vận động cho HS gặp không ít khó khăn, Trường Trung học Cấp II- III Phú Quới vẫn duy trì phần cơm trưa cho 6 ngày ôn thi tốt nghiệp hàng tuần cho HS. Thầy Lê Thành Hiếu- Hiệu trưởng cho biết: “Năm rồi, số tiền vận động không đủ, trường phải tự rút kinh phí ra để đảm bảo phần cơm cho các em”.

Cũng vậy, Trường THPT Tam Bình tuy gặp ít nhiều khó khăn trong việc vận động “xã hội hóa” nhưng vẫn cố gắng duy trì tốt bữa cơm cho hơn 20 HS nghèo. Vì vậy, các thầy cô trong trường phải “thân chinh” đến từng doanh nghiệp trên địa bàn để nhờ hỗ trợ, vì nói như thầy Hồ Trọng Nhân- Hiệu trưởng thì: “Làm sao có thể để HS nhịn cơm trưa ôn tập được!”

Theo kinh nghiệm các trường THPT thành công trong công tác xã hội hóa, để có bữa ăn cho HS nghèo, công tác vận động phải bắt đầu từ sớm và kéo dài suốt năm học.

Ngoài ra, các trường THPT Trần Đại Nghĩa, Trung học Cấp II- III Hòa Bình còn tổ chức những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” để gây quỹ ủng hộ HS nghèo. Năm 2012, Trường Trung học Cấp II- III Hòa Bình vận động gây quỹ từ chương trình văn nghệ được khoảng 40 triệu đồng.

Thầy Trần Công Danh cũng chia sẻ chút kinh nghiệm: “Nấu cơm cho HS cũng là một việc nhạy cảm nên cần công khai minh bạch để tạo lòng tin cho các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh