Mở lòng vui với mọi người

08:05, 01/05/2013

TP Vĩnh Long đang trong những ngày rộn ràng, vui tươi nhất. Ai đi qua Vĩnh Long cũng thấy một màu cờ rực rỡ nối tiếp những con đường, từ nội ô ra vùng ven đô thị… Đối với nhiều người dân, treo cờ nước trong những ngày trọng đại của đất nước đã trở thành thói quen, không chỉ nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử của ngày đó, mà còn muốn mở lòng vui với mọi người. Đến đây để vui, để hòa

TP Vĩnh Long đang trong những ngày rộn ràng, vui tươi nhất. Ai đi qua Vĩnh Long cũng thấy một màu cờ rực rỡ nối tiếp những con đường, từ nội ô ra vùng ven đô thị… Đối với nhiều người dân, treo cờ nước trong những ngày trọng đại của đất nước đã trở thành thói quen, không chỉ nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử của ngày đó, mà còn muốn mở lòng vui với mọi người. Đến đây để vui, để hòa cùng nhịp sống đô thị yên bình và năng động.


Đường phố TP Vĩnh Long rợp cờ Tổ quốc. Ảnh chụp trên đường Phạm Thái Bường sáng 30/4/2013. Ảnh: DƯƠNG THU

Đi giữa rợp cờ tung bay

Vừa qua cầu Mỹ Thuận, TP Vĩnh Long đón khách bằng dãy cờ đỏ chạy dọc hai bên đường. Sắc cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay như vẫy chào “bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi”. Càng đi sâu vào nội ô như càng bị choáng ngợp trong sắc đỏ, như cảm nhận được không khí vui tươi và phấn khích của thành phố trẻ bên sông đầy sức sống.

Năm nào cũng vậy, gần tới ngày lễ, chiếc loa phóng thanh của khóm, ấp đều đặn phát thông báo: các tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản (gọi tắt chung TTQ) hướng dẫn người dân treo cờ Tổ quốc đúng theo quy định. Các TTQ theo đó vận động người dân. Điều này có vẻ như nếu TTQ nào vận động tốt thì người dân mới đem cờ ra treo?

Ngay khi chúng tôi vừa đặt vấn đề như vậy, anh Đinh Văn Thới- Tổ trưởng TTQ số 2 (Khóm 5- Phường 4) đã “chỉnh” ngay: “Đó là chuyện mấy năm về trước. Bây giờ tinh thần tự giác của người dân rất cao. Tới ngày lễ không cần vận động gì người dân cũng tự giác treo cờ. Nhiều người bận buôn bán lu bu, mình chỉ gọi điện thoại nhắc thì họ vui vẻ làm ngay”.


Lá cờ đỏ sao vàng trong đời sống văn hóa của người dân thành phố. Ảnh chụp trên đường Võ Thị Sáu. Ảnh: DƯƠNG THU

Chiều ngày 29/4, con đường Trần Phú đã đầy sắc đỏ, người dân đã đồng loạt treo cờ nước trước nhà, hàng quán của mình. Anh Thới cho biết vừa vận động thêm các hộ ở tuyến đường mới (từ đường Hưng Đạo Vương nối dài qua đường Trần Phú) làm thêm 16 cây cột cờ, người dân nhiệt tình hưởng ứng ngay.

Chị Minh Phương- người dân ở TTQ số 2 vui vẻ bảo: “Trước, chỉ dùng cây tròn cột cờ treo lên, bây giờ bà con đồng ý làm cột cờ đồng nhất cho đẹp và trang trọng hơn”.

Không khí ngày lễ rất rộn ràng ở khóm Nguyễn Thái Học (Phường 1) dưới rợp bóng cờ bay. Chị Trần Thị Yến- Tổ trưởng TTQ nói hễ gần tới ngày lễ lớn là nhiều người dân đã hỏi ngày nào treo cờ để cùng treo cho đồng loạt. Ở đây có nhiều con hẻm nhỏ, nên có đặc trưng “đường lớn người dân treo cờ đồng nhất hơn. Còn hẻm nhỏ không bắt buộc nhưng nhiều người dân chọn góc trước nhà sáng, đẹp nhất treo cờ rất trang nghiêm.

Anh Thành thợ hớt tóc ở Phường 1 bảo: “Nếu người dân không treo cờ đường phố sẽ thiếu hẳn sinh khí”. Thật vậy, sắc cờ đỏ sao vàng nhắc nhớ người dân nhiều hơn về ý nghĩa của ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động 1/5… Đó là niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao nhất.

Lòng vui với những điều bình dị

Nếu ở nội ô vỉa hè và đường phố rộng, những dãy cờ đồng đều trên các tuyến phố rất ấn tượng, gây thích thú cho du khách. Thì ở các xã vùng ven, thật thú vị khi len lỏi qua những con đường đan bắt gặp lá cờ đỏ tung bay giữa vườn cây xanh tươi. Chú Sáu Xả (ấp Tân Quới Tây, xã Trường An) chiều 29/4 cùng cháu nội dựng cột cờ trước nhà.

Ở đây không có ống tuýp sắt theo quy cách như nội ô, mà người dân dùng tre, tầm vông để làm cột cờ. “Hễ cột cờ cũ là tui làm cột khác. Sơn phết đàng hoàng. Năm nào cũng coi lá cờ kỹ lắm, cũ chút là mua lá cờ khác chứ không đợi rách mới mua đâu”- chú Sáu cho chúng tôi xem cây cột cờ tre sơn trắng công phu và cho biết thêm: “Ở đây, nhà ai cũng tự làm cột cờ”.


Chú Văn Duy Phước và cậu con rể chăm chút cho lá cờ Tổ quốc và cột cờ làm từ “cây nhà lá vườn”.

Theo Trưởng ấp Nguyễn Văn Sơn: “Ấp tui có 19 TTQ. Hầu hết các tổ trưởng đều đi làm thợ hồ, chạy xe ôm nhưng tới ngày lễ cũng tranh thủ chiều tối đi vận động bà con treo cờ. Làm vậy để thôi bà con quên, chứ người dân giờ tự giác lắm”.
 
Nhiều người dân nói vui với chúng tôi, tới ngày lễ dựng cột treo cờ lên để nhắc con cháu ngày chiến thắng lịch sử của cha ông, giờ thành thói quen rồi, mà hễ “quên quên” là ông trưởng ấp nhắc khéo liền.

Trong khi cùng cậu con rể cột lá cờ vào cột tre đem treo trước cổng nhà, chú Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Trường An, vừa vui vẻ nói về sự đổi thay của xã vùng ven này. Là vùng ven thành phố, nông nghiệp vẫn là nguồn kinh tế chủ yếu của 900 hội viên nông dân.

Bên cạnh vườn, lúa, cây màu, đã có thêm những mô hình nông nghiệp mới như trồng kiểng, nuôi ba ba… khá hiệu quả. Với sự đồng lòng chung tay của bà con góp đất làm đường, học hỏi kỹ thuật khoa học canh tác mới mà nay đời sống người dân đã ổn định hơn, không còn nhà lụp xụp, đường sá liên thông thuận lợi…
 
Đó là một ý nghĩa hết sức lớn lao mà mỗi người dân hôm nay trân trọng, qua việc nâng niu lá cờ mà họ treo trước nhà.

Những buổi chiều thành phố nhuộm nắng vàng, nhiều gia đình đưa con trẻ chạy quanh các con đường “coi cờ”. Điều đó càng có ý nghĩa hơn, khi người lớn chúng ta gieo vào tâm hồn trẻ thơ một hạt mầm yêu nước, từ lòng tự hào khi nhìn ngắm lá cờ Tổ quốc thân yêu.

Anh Đinh Văn Thới- Tổ trưởng TTQ số 2, Khóm 5, Phường 4:

Tôi nói với bà con, có con đường mới, nhà mình ra mặt tiền sao không treo cờ cho sáng sủa, trong lòng hưng phấn, vui hơn.

Hộ nào quên, mình điện thoại “a lô, chị Năm (chị Bảy, anh Tư) treo cờ ngày lễ nghen”. Nhiều khi công việc nhiều quá họ quên thôi, nên mình nhắc phải khéo, để người dân không có cảm giác bị bắt buộc mà vẫn vui.

Cô Lâm Ngọc Lý- Khóm 5, Phường 4:

Ngày lễ lớn hân hoan của đất nước sao không treo cờ được? Tới ngày lễ, sáng tập thể dục tui đem cờ ra treo.

Lá cờ của tui phải mới và không quá nhăn. Sau lễ, kéo cờ xuống, đem cột cờ vào bên trong để không rỉ sét. Lá cờ xếp cẩn thận, vì nhà tôi có cháu nhỏ nghịch lắm nên phải cất kỹ càng. Người ta cũng đánh giá văn minh của người đô thị mình qua cách treo cờ nữa.

Chú Văn Duy Phước- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An:

Về việc treo cờ nước các ngày lễ lớn trong năm, người dân đã có ý thức, chứ không lơ là. Rõ ràng sự vận động của mình có hiệu quả.

Từ việc vận động treo cờ, theo tôi chính quyền làm được nhiều việc có ích cho người dân thì vận động gì cũng dễ thuyết phục hơn. Ví dụ, khi thi công đường Trường An- Tân Ngãi, người dân hiến đất làm đường, không ai đòi bồi hoàn.

 

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh