Mang Thít từng bước giải quyết việc làm

09:05, 01/05/2013

Mang Thít nổi tiếng với vô số miệng lò sản xuất gạch, gốm. Ở những năm hoàng kim, có lúc thu hút đến hàng chục ngàn lao động (LĐ). Tuy nhiên, với số lượng hiện nay chỉ còn khoảng gần 8.500 LĐ, huyện Mang Thít đang từng bước đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhiều LĐ nông nhàn, thất nghiệp…


Số lượng LĐ thất nghiệp trong ngành gạch gốm tăng cao.

Mang Thít nổi tiếng với vô số miệng lò sản xuất gạch, gốm. Ở những năm hoàng kim, có lúc thu hút đến hàng chục ngàn lao động (LĐ). Tuy nhiên, với số lượng hiện nay chỉ còn khoảng gần 8.500 LĐ, huyện Mang Thít đang từng bước đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhiều LĐ nông nhàn, thất nghiệp…

Gạch, gốm… yếu: tăng LĐ nông nhàn

Năm 2012 được xem là năm khó khăn của ngành gạch gốm khi số lượng cơ sở còn hoạt động ngành gốm chỉ là 12/22 (trong đó có đến 5 cơ sở hoạt động cầm chừng). Trong khi cơ sở sản xuất gạch chỉ còn 620/1.027 cơ sở (có đến 248 cơ sở là hoạt động cầm chừng).

Số lượng LĐ tham gia nghề này cũng từ hàng chục ngàn nay chỉ còn khoảng 8.500 LĐ. Trong khi nếu tính đến hết quý I/2013, số lượng LĐ thực tế trong ngành chỉ còn khoảng 5.500 LĐ.
 
“Nhiều LĐ bị mất công ăn việc làm, trở về làm ruộng vườn hay đi nơi khác vào các khu công nghiệp”- Trưởng Phòng Công thương huyện Mang Thít Nguyễn Chí Quyết cho biết.

Là xã có số lượng cơ sở gạch, gốm hoạt động nhiều nhất huyện, Nhơn Phú hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 LĐ thay vì trên 10.000 LĐ làm trong nghề này.

Anh Nguyễn Văn Tới- cán bộ phụ trách chương trình nông thôn mới xã Nhơn Phú cho biết: Hiện xã đang thống kê lại số lượng cơ sở còn hoạt động, số lượng LĐ để có hướng giải quyết nghề, tạo công ăn việc làm cho người LĐ thất nghiệp trong nghề gạch gốm.

“Tuy tính chung LĐ là từ trong và ngoài huyện Mang Thít nhưng nhìn chung, LĐ là người địa phương vẫn chiếm phần đông. Do đó, khi không còn việc làm, nhiều người trở về với ruộng đồng, mức thu nhập cũng giảm nhưng còn nhiều thời gian. Do đó, giải quyết việc làm cho LĐ nông nhàn, đào tạo nghề để họ đi làm ở các khu công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua, cũng như thời gian tới”- anh nói.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Thái- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Số lượng LĐ thất nghiệp trong nghề gạch gốm đang tăng cao do sản xuất khó khăn.

Đây không còn là nghề thu hút được nhiều lao động do bấp bênh về thu nhập, sản xuất theo mùa nên theo định hướng của huyện, sẽ đào tạo nghề chủ yếu ở nghề tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp phục vụ phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.
 
Hiện việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề đang được chính quyền từ các xã đến huyện quan tâm sâu sắc, từng bước chuyển dịch cơ cấu LĐ, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Giải quyết việc làm từ gốc

Đứng ở góc độ quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, Phòng Công thương huyện có nhiều biện pháp khuyến khích thành lập mới các cơ sở sản xuất nhằm thu hút LĐ.

Bên cạnh đó là từng bước hình thành các ngành nghề mới để LĐ địa phương có được việc làm ổn định- Trưởng Phòng Công thương- Nguyễn Chí Quyết cho biết. Ngoài ra, còn phối hợp với các phòng, ban để từng bước đào tạo nghề cho LĐ, phát phiếu khảo sát để nắm rõ nhu cầu việc làm của người LĐ.


Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là mối quan tâm hàng đầu của huyện Mang Thít.

Trong khi đó, ông Thái nhấn mạnh các chương trình cho vay vốn, giải quyết việc làm của các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện đang hoạt động tốt. Phòng cũng tham mưu cho huyện về đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Trong năm 2012, huyện đã đào tạo 37 lớp tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 1.000 học viên; kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật 52 cuộc với 2.397 học viên. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 23 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho trên 350 LĐ. Cũng trong năm 2012, việc giải quyết việc làm cần thiết cho người LĐ vượt kế hoạch, đạt 3.772/3.000 LĐ, đạt gần 126%.

Tổng kết quý I/2013, huyện cũng thực hiện 15 lớp đào tạo với các nghề xây dựng, đan lác, sửa chữa,… với 375 học viên; mở 8 lớp đào tạo nông nghiệp, chuyển giao công nghệ với 240 học viên. “Trong năm 2013, sẽ thực hiện mạnh việc đào tạo các lớp nông nghiệp, phục vụ mô hình cánh đồng mẫu lớn có lợi nhuận kinh tế cao. Không chỉ vừa giải quyết việc làm mà còn góp phần tăng sản lượng nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

Có nhiều LĐ thất nghiệp trong ngành gạch, gốm, xã Nhơn Phú đang tích cực đào tạo nghề để LĐ có việc làm, ổn định kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Văn Tới cho hay, xã đã đào tạo nghề cho LĐ tại xã, thành lập các CLB sản xuất để phát triển nghề mới. Mặt khác, xã cũng đào tạo một số nghề phục vụ cho các công ty, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
“Vừa đào tạo, vừa chủ động liên hệ với các cơ sở sản xuất có nhu cầu. Qua đó, số lượng LĐ được giải quyết việc làm của xã đang tăng dần qua từng năm. Nhất là các ngành nghề như may, đan lác đang có nhu cầu tăng cao, giải quyết việc làm từ gốc như thế mới mong ổn định cuộc sống lâu dài…”

Để giải quyết việc làm không ổn định trong nghề gạch gốm, huyện Mang Thít từng bước tạo ra ngành nghề mới, cố gắng khuyến khích thành lập các cơ sở, doanh nghiệp mới trên địa bàn. Song song đó là hoạt động kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để có hướng đào tạo nghề phù hợp, ổn định lâu dài… Huyện đang tích cực làm nhiều việc để một số lượng lớn người LĐ không còn làm trong nghề gạch gốm có được việc làm- ông Nguyễn Chí Quyết cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- NGỌC TRÂM


Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh