Những thang thuốc nghĩa tình, những cây cầu, căn nhà mới, hay món quà tết cho người già, người neo đơn… do nhà chùa, thiền viện làm cầu nối những lòng nhân thực hiện, đã góp phần cho xã hội ngày càng thêm ấm áp.
Những thang thuốc nghĩa tình, những cây cầu, căn nhà mới, hay món quà tết cho người già, người neo đơn… do nhà chùa, thiền viện làm cầu nối những lòng nhân thực hiện, đã góp phần cho xã hội ngày càng thêm ấm áp.
Thang thuốc nghĩa tình
Đến với nghề thầy thuốc từ tâm niệm “cứu khổ ban vui cho nhân loại, giúp đỡ cho đồng bào dân tộc nghèo”, 36 năm nay, lương y Tống Thị Anh ở Hưng An tự (Phường 1- TP Vĩnh Long) đã dành trọn thời gian và tâm huyết để cống hiến hết mình, làm tròn y đức của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào phòng mạch là bảng gỗ có in dòng chữ:
“Tín thiện giúp đời, từ bi cứu thế
Nguyện thành Phật đạo, phước huệ song tu”
Theo lương y Tống Thị Anh, đó chính là phương châm tu hành và làm từ thiện của chùa. Phước là phòng thuốc độ bệnh; Huệ là học kinh, luật, luận của nhà Phật. Mỗi chùa tịnh độ cư sĩ đều có phòng khám chữa bệnh từ thiện kèm theo để các tu sĩ thực hiện song song 2 nhiệm vụ: tu hành và cứu nhân độ thế.
Mỗi ngày, cô đều thức sớm để luyện tập công phu, lễ Phật và dành trọn buổi sáng để bắt mạch, định bệnh và hốt thuốc. Buổi chiều, cô lại cùng các y sinh, y sĩ và phật tử tất bật với công việc chặt, bào, phơi và sao chế thuốc.
Dẫn chúng tôi tham quan nơi bào chế thuốc ở sân thượng, cô cho biết: nơi đây cao ráo, sạch sẽ, ít bụi đường và có đủ ánh nắng. Ngoài đảm bảo về yếu tố sạch, nguồn dược liệu phải được xắt, bào, tỉa… đều tay, còn lưu hương thơm và màu sắc cần thiết của vị thuốc.
Hưng An tự luôn chú trọng đến nguồn dược liệu sạch và tốt nhất cho bệnh nhân.
|
Nhìn cách cô phơi thuốc thẳng hàng, đẹp lối, không để lẫn bất cứ vật gì vào nguồn dược liệu đang có vì “sợ không đảm bảo vị thuốc”. Khi khám bệnh cô còn tỉ mỉ hướng dẫn các y sinh, y sĩ cách bốc thuốc và gói lại sao cho ngay ngắn và đẹp mắt trước khi trao cho bệnh nhân.
Những việc làm tuy nhỏ đó nhưng lại mang ý nghĩa lớn vì đã giúp người bệnh tiếp cận với nơi chăm sóc sức khỏe miễn phí nhưng lại có nguồn dược liệu sạch và tốt nhất.
Phục vụ khám, chữa bệnh cho người nghèo trong và ngoài tỉnh từ những năm đầu 1970, đến nay, Tuệ Tĩnh đường của thiền viện Ngọc Hạnh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) là một trong những phòng thuốc Nam tiêu biểu trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là những bệnh nhân nghèo.
Bà Đoàn Thị Giàu (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi bị khớp nhiều năm nay rồi, cứ nhức mỏi suốt, từ ngày lên đây trị bệnh tôi thấy đỡ hơn, ăn được và ngủ được hơn nữa”. Nhờ uống thuốc Nam từ thiện mà những người khó khăn như bà Giàu không phải lo lắng chi phí điều trị.
Theo sư Thích Giác Châu: Mỗi ngày thiền viện có khoảng 60 người trong và ngoài tỉnh đến khám chữa bệnh từ thiện. Để có thuốc phục vụ cho bệnh nhân, các tín đồ, phật tử xung quanh đã tích cực trồng thuốc và chở đến làm công quả. Hàng năm, thiền viện Ngọc Hạnh còn tổ chức đi hái thuốc tận rừng Hòa Lâm (huyện Đa Hoai- Lâm Đồng).
“Mỗi lần có khoảng 30 phật tử đi theo làm công quả, thu được khoảng 30- 40 tấn thuốc các loại góp phần bổ sung khá đầy đủ vào danh mục các vị thuốc Nam, thuốc núi tại thiền viện để chữa bệnh cho người nghèo”- sư Thích Phước Châu cho biết.
Những tấm lòng thơm thảo
Với ước mong “tốt đời, đẹp đạo”, khi chùa Long Thành (xã Thanh Đức- Long Hồ) được xây xong thì sau đó không lâu, Thượng tọa Thích Phước Hạnh- Trưởng Ban Mái ấm Long Thành đã vận động các Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và quý phật tử đóng góp để xây dựng và duy trì hoạt động chăm sóc các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa trên khắp mọi miền đất nước.
Không chỉ là chỗ nương thân của hơn 50 cụ già, tại đây, các cụ còn được lo cơm ăn ngày 3 bữa, chăm sóc y tế, tập luyện dưỡng sinh, học hỏi Phật pháp và giải trí truyền hình…
Buổi cơm trưa tại “Mái ấm Long Thành” thật ấm áp.
|
Chúng tôi vào Mái ấm Long Thành ngay lúc các cụ đang dùng cơm trưa. Những nếp nhăn trên những gương mặt khắc khổ đã từng chịu đựng nhiều gian khó của các cụ như giống nhau nhưng trong ánh mắt, nét mặt cho thấy mỗi người là mỗi cảnh đời bi thương khác nhau…
Bữa cơm đạm bạc với các món chay do các sư cô trong chùa chuẩn bị. Giờ đây, niềm an ủi lớn nhất của các cụ là những ngày còn lại của cuộc đời đã tìm được một “mái ấm” bình yên, trọn vẹn…
Cụ Nguyễn Thị Được (71 tuổi- quê ở xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) kể: “Tôi ăn ở gia đình cũng chưa được như vầy. Cha mẹ mất, chồng mất, con bỏ rơi, tôi phải chạy lo miếng ăn từng ngày bằng nghề buôn gánh bán bưng, trừ chi phí, mỗi ngày chỉ kiếm được 5.000đ, tôi lại phải chống chọi với bệnh hở van tim, rối loạn thần kinh, tai biến. Từ ngày đến đây, tôi được lo bảo hiểm, khám chữa bệnh nên sức khỏe dần ổn định, tinh thần cũng thoải mái, vui tươi hơn”.
Chính nhờ những tấm lòng nhân ái mà những bệnh nhân nghèo, những người già neo đơn… tìm được nguồn an ủi trong suốt cuộc hành trình rong ruổi, vất vả của mình.
Thể hiện đạo lý “sống tốt đời, đẹp đạo”, thiền viện Ngọc Hạnh còn dùng số tiền từ thiện của phật tử cúng dường, vận động các nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động hướng về trẻ em, hộ nghèo, người khó khăn, cơ nhỡ… vào mỗi dịp rằm lớn thông qua những món quà nghĩa tình, những hoạt động cứu trợ, vận động xây cầu giao thông nông thôn, xây nhà tình thương... để giúp cho những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ có được cuộc sống an lành hạnh phúc hơn.
Là người nhiều năm đi hái thuốc làm công quả ở Hưng Thạnh tự (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình), chú Nguyễn Văn Hai cho biết: “Bản thân tôi là phật tử nghe lời Phật dạy phải biết làm đều thiện nên năm nào tôi cũng cùng anh em trong bổn đạo đi kiếm thuốc tận miệt Tháp Mười.
Cực khổ đến đâu chúng tôi cũng không ngại, chỉ mong sao tìm được thuốc để chữa trị cho người bệnh. Mỗi khi nghĩ đến chuyện có thể giúp ích cho mọi người là tui thấy vui và trong người khỏe hẳn ra”.
Bài, ảnh: LINH- XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin