Đó là hoàn cảnh của ông Lê Văn Diệp 75 tuổi và bà Đặng Thị Tư 65 tuổi ở ấp Long Hòa 1 (Long Mỹ- Mang Thít).
Quay lại nơi chôn nhau cắt rốn sau hơn 30 tha phương cầu thực, một gia đình với 5 thành viên bấu víu nhau sống qua ngày trên 2 chiếc ghe tồi tàn neo cặp bờ sông bằng nghề… ăn xin.
Đó là hoàn cảnh của ông Lê Văn Diệp 75 tuổi và bà Đặng Thị Tư 65 tuổi ở ấp Long Hòa 1 (Long Mỹ- Mang Thít).
Cả nhà ông Diệp sống trên chiếc ghe ọp ẹp, cũ kỹ.
Trước khi tìm đến nhà bà Tư, chúng tôi tiếp xúc với lãnh đạo xã Long Mỹ thì được biết gia đình bà đã về “định cư” tại đây hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, do không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên việc bố trí cho cả gia đình bà Tư một nơi định cư gặp rất nhiều khó khăn.
“Cơ ngơi” của gia đình bà chỉ là một chiếc ghe cũ nát, được che chắn tạm bợ bằng vài tấm gỗ mục, vài miếng nilon rách rưới, cũ mèm. Thấy chiếc ghe chồng chềnh vì những đợt sóng liên tiếp, chúng tôi đành mời ông bà lên tạm trên bờ nói chuyện.
Lê từng bước nặng nhọc trên chiếc cầu được chấp nối bằng mấy cây tràm mục nát, hai người già dường như đã muốn kiệt sức. “Chân tôi bị tật, mắt lại không thấy đường, khổ quá cháu ơi”- bà Tư than.
“Hồi nãy có chiếc ghe chạy ngang qua, thấy ghe tui mục nát vậy mà không chậm lại làm sóng đánh lớn quá, nhém bị chìm. Mấy lần trước cũng bị chìm rồi, nhờ bà con vớt dùm, nếu không cả nhà tui chết hết rồi”- bà Tư lớn tiếng.
Bà Tư có tất cả 5 người con nhưng do nghèo khó, khi lớn lên các con của bà đều đi tứ tán nhiều nơi. Chỉ còn lại vợ chồng bà sống cùng đứa con gái bị bệnh suy nhược thần kinh trong một chiếc ghe cũ nát. Vợ chồng người con trai của bà cũng sống trong chiếc ghe gần đó, hoàn cảnh cũng không khá hơn.
Hỏi bà có bao nhiêu người con, ngẫm nghĩ hồi lâu, bà mới trả lời: “Tui có tất cả là… 17 đứa, nhưng bệnh tật chết hết rồi, giờ chỉ còn lại 5 đứa”. Bấm tay một lúc, bà nói tiếp: “3 trai, 2 gái”.
Con trai bà làm nghề phụ hồ, thu nhập chẳng bao nhiêu lại còn vợ con nên không lo gì cho ông bà được. Mấy đứa cháu lang thang bán vé số kiếm tiền. Bà nói, lúc đầu bà con hàng xóm có khuyên bỏ “nghề” ăn xin tìm công việc ổn định hơn để kiếm sống.
“Tui cũng có đến chỗ chằm lá gần đó để chằm lá mướn. Lúc còn trẻ tui chằm lẹ lắm, nhưng giờ cả ngày cũng chỉ có hơn 50 tấm lá, được mấy chục ngàn đồng, không đủ cho tui mua thuốc, mua gạo cho chồng con nên tui đi ăn xin tiếp”- bà Tư nói.
Bà Tư kể, hàng ngày bà phải lội bộ hàng chục cây số khắp các chợ xin từng bó rau, con cá và những đồng bạc lẻ để lo cho đứa con bị tâm thần và người chồng bị mờ mắt. Chân bị tật từ nhỏ, mỗi khi đứng lên ngồi xuống rất khó khăn nhưng bà vẫn phải lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho chồng, con.
Chiếc ghe của bà đã xuống cấp trầm trọng, đã chìm 2- 3 lần, may nhờ có chính quyền địa phương, bà con hàng xóm vớt ghe lên dùm.
“May mà không có ai thiệt mạng, nhưng cả nhà tui luôn nơm nớp lo sợ”- ông nói. Hỏi bà về mong muốn lớn nhất, bà nghẹn ngào nói: “Tui chỉ mong muốn có căn nhà che mưa, che nắng, an toàn cho cả nhà sinh sống, ổn định hơn. Tui sẽ không đi ăn xin nữa mà kiếm việc làm, tui sẽ ráng chằm lá, đan rổ bán...”
Bà Trần Thu Hà- Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ông bà Diệp rất đáng thương. Do tật nguyền, không nghề nghiệp chỉ biết có đi ăn xin sống qua ngày. Không có nhà cửa nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông, gây phiền hà cho bà con xung quanh.
Chính quyền địa phương cũng nhiều lần cử người đến vớt ghe, sửa sang, trét ghe lại cho gia đình bà Tư mỗi khi ghe bị hư hại. Hiện địa phương cũng đang tìm cách gỡ khó cho gia đình ông bà có được nơi sinh sống an toàn, vận động ông bà tìm công việc phù hợp để mưu sinh”.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin