Đã triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở tất cả tỉnh- thành

06:05, 10/05/2013

Theo TTXVN, hôm qua (9/5/2013), Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).


Nông dân tham gia BHNN sẽ giảm nhẹ phần nào tổn thất trong sản xuất khi có thiên tai. Ảnh: DƯƠNG THU

Theo TTXVN, hôm qua (9/5/2013), Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, BHNN hiện đã được triển khai ở tất cả tỉnh- thành trên cả nước, thực sự đi vào cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, giúp bà con ổn định sản xuất.

Tính đến 30/4/2013, việc thí điểm BHNN đã có 234.235 hộ dân trong cả nước tham gia (trong đó 80,8% là hộ nghèo), với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là trên 5.437 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc gần 303,3 tỷ đồng.
 
Tổng diện tích trồng lúa tham gia bảo hiểm là 45.412ha với số hộ tham gia bảo hiểm là 189.797 hộ, tổng giá trị được bảo hiểm gần 1.477,7 tỷ đồng.

Về bảo hiểm vật nuôi, có 623.131 con (trâu, bò, heo, gia cầm) tham gia bảo hiểm, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 29.163 hộ, với tổng giá trị được bảo hiểm trên 1.104,9 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực thủy sản, có 5.523ha với 15.275 hộ dân tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 2.855 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, BHNN là loại hình bảo hiểm mới, phức tạp, lần đầu làm thí điểm nên chưa có kinh nghiệm.
 
Phạm vi, đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên việc triển khai cũng khó khăn. Mặt khác, do tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún, thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong BHNN nhiều khi mang tính chất thảm họa do phạm vi, mức độ thiệt hại về tài chính rất lớn, vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

Do vậy các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết phải có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm. Nhưng với tình hình tổn thất, mức độ yêu cầu bồi thường lớn như hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục các hợp đồng tái bảo hiểm trong năm tới.

Bộ Tài chính cho rằng để triển khai công tác BHNN tốt trong thời gian tới cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi nghiên cứu cơ chế chính sách xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính, tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp bảo hiểm và Nhà nước.
 
Cùng với đó, rà soát ban hành các quy trình, trồng lúa, chăn nuôi và nuôi thủy sản phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với BCĐ tại địa phương rà soát, giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định lại quy tắc, điều khoản BHNN và quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng chế độ quy định...

PV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh