Dự án xây kè cho nội ô TP Vĩnh Long với các tuyến kè bảo vệ 2 bờ sông Cái Cá, rạch Kinh Cụt, sông cầu Lầu thuộc các phường: 1, 2, 3, 4 đã được phê duyệt. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2015. Phần lớn người dân ở các khu vực này đang mong chờ công trình sớm được khởi công.
Trên một số sông rạch, nhiều nhà sàn xập xệ, lấn chiếm rác ứ đọng trông rất kém mỹ quan.
Dự án xây kè cho nội ô TP Vĩnh Long với các tuyến kè bảo vệ 2 bờ sông Cái Cá, rạch Kinh Cụt, sông cầu Lầu thuộc các phường: 1, 2, 3, 4 đã được phê duyệt. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2015. Phần lớn người dân ở các khu vực này đang mong chờ công trình sớm được khởi công.
Ô nhiễm nặng, mất mỹ quan…
Dọc các tuyến sông rạch này, hiện còn nhiều nhà sàn đã xuống cấp, trông xập xệ, rách rưới. Trên mặt sông, rác thải trôi lều bều, thỉnh thoảng lại ứ đọng dưới chân một ngôi nhà sàn nào đó. Trong khi nước sông ngày càng chuyển màu vì ô nhiễm nặng.
Cô Nguyễn Thị Bạch Huệ- đường Lò Rèn (Phường 4- TP Vĩnh Long)- sống ven sông cầu Lầu cho biết: “Từ khi có nước sạch xài, một số người càng “vô tư” quăng rác xuống sông nên nước bây giờ đen thui chớ đâu có trong như trước nữa”.
Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, một số người vẫn tận dụng nước sông để giặt giũ, tắm gội. Trên sông cầu Lầu (Phường 1), dưới chân cầu Hưng Đạo Vương có nhà chăn nuôi heo, bồ câu, đặt ống thải ra sông. Cách đó vài căn, một hộ dân đang giặt giũ, xa hơn một chút thì có đám trẻ tụ tập tắm sông.
Ô nhiễm nặng nhất phải kể đến rạch Kinh Cụt- dù con rạch này thông với sông Tiền. Chú Huỳnh Minh Nhật (Khóm 1- Phường 3) sống ven rạch này nói: “Dường như nước ở đây ngày càng dơ hơn. Cũng phải thôi, rác ngày càng nhiều mà cứ lởn vởn chớ đâu có trôi xa được, do bị vướng nhà sàn”.
Chỉ tay xuống dòng nước đen ngòm, bốc mùi, chú ngao ngán: “Tình trạng nuôi heo, gà vịt không còn nhưng những người thiếu ý thức cứ vô tư xả rác, nước sinh hoạt trực tiếp xuống sông”. Cô Trần Kim Loan- vợ chú Nhật cũng nói: “Xóm này nhiều con nít lắm nhưng không bao giờ cho xuống tắm sông. Nghe nói làm kè hơn một năm nay rồi, mong làm nhanh nhanh”.
Một số nhà sàn ven sông cầu Cái Cá đã trở nên sụp xệ, không an toàn nhưng nhiều người vẫn ráng bám trụ ở thêm, “không sửa sang lại vì chưa biết khi nào sẽ dọn đi, ở được tới đâu hay tới đó”- một người dân cho biết.
Chờ làm kè
“Nghe nói là làm bờ kè lâu rồi mà chưa thấy. Tụi tui trông làm nhanh nhanh để có đường sá rộng lớn, thông thoáng hơn. Vả lại, nếu giải tỏa hết nhà sàn và xây bờ kè nữa thì chắc nhìn sông này rất đẹp”- cô Tôn Thanh Vân- đường Lò Rèn (Phường 4) nói.
Ở ven rạch Kinh Cụt, cô Nguyễn Thị Thơm- bán dừa tươi bộc bạch: “Sống ở đây lâu nên sinh hoạt quen rồi, buôn bán cũng có mối mang nên dọn đi thấy tiếc”.
Tuy nhiên cô cũng thừa nhận: “Nước sông dơ quá chừng, trông nhanh được bố trí chỗ ở mới hoặc bồi hoàn để chỗ này làm kè”. Cũng ở ven rạch Kinh Cụt, bác Nguyễn Thành Đông (Phường 3) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm đã xảy ra hàng chục năm nay nên Nhà nước có chủ trương cho xây kè, nạo vét kinh là dân mừng lắm!”
Mừng nhất là các hộ sắp ra mặt tiền. Tuy nhiên, một số hộ nhà sàn chưa nhận bố trí chỗ ở mới khá lo lắng. Cô Lê Thị Cúc chia sẻ: “Tôi đã sẵn sàng tinh thần để dọn đi rồi, có thông báo là dọn liền. Chủ trương của Nhà nước thì mình phải nhanh chóng thực hiện chứ nhưng cũng lo chỗ ở mới có thuận tiện mua bán, có ổn định cuộc sống được hay không?”
Nhìn chung, dù vẫn còn nhiều lo lắng khác nhau nhưng phần lớn người dân đồng tình việc xây kè và trông chờ cho dự án sớm triển khai. Chú Võ Thành Liêm – bán cà phê (Phường 1) khẳng định: “Chủ trương của Nhà nước vậy là hợp tình, hợp lý rồi, để thành phố mình ngày càng đẹp hơn”.
Thiết nghĩ, việc xây cất nhà sàn lấn chiếm lòng sông tồn tại nhiều năm nay gây ảnh hưởng mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Mặt khác, tình trạng ngập úng vào mùa mưa lũ gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân. Việc xây kè vừa giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng vẻ mỹ quan thành phố, chống ngập, ứng phó biến đổi khí hậu nên cần được nhanh chóng khởi công để dự án hoàn thành theo dự kiến.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin