Nâng bước cho em hòa nhập cộng đồng

09:04, 23/04/2013

Sau 7 năm thực hiện, dự án “Phát triển hệ thống hỗ trợ toàn diện trẻ khuyết tật (TKT) tỉnh Vĩnh Long” đã thực sự mang lại hiệu quả. 1.277 TKT được đi học và hòa nhập cộng đồng, chiếm gần 83% TKT trên địa bàn tỉnh.


Ngọc Giàu đang học may tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT.

Sau 7 năm thực hiện, dự án “Phát triển hệ thống hỗ trợ toàn diện trẻ khuyết tật (TKT) tỉnh Vĩnh Long” đã thực sự mang lại hiệu quả. 1.277 TKT được đi học và hòa nhập cộng đồng, chiếm gần 83% TKT trên địa bàn tỉnh.

Dự án do Tổ chức liên minh Na Uy hợp tác với Sở GD-ĐT tỉnh, được thực hiện từ năm 2005 nhằm đảm bảo cho thanh niên và TKT ở địa phương được hòa nhập cộng đồng.

Khập khễnh trên đôi chân không lành lặn, hậu quả của chất độc da cam để lại, em Nguyễn Thị Huyền Trân, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn ngày ngày vẫn đến trường.

Những ngày đầu hòa nhập với các trẻ em bình thường khác, cả gia đình và thầy cô đều không yên tâm, không ngờ Trân lại nhanh chóng hòa nhập để học hành như các bạn. Dù mưa, dù nắng em vẫn không nghỉ học.

Chị Võ Thị Tuyền, mẹ em Trân nói: “Nó ham học lắm, 4 năm liền đều là học sinh giỏi”. Nhìn con gái bằng ánh mắt trìu mến, chị Tuyền không khỏi xót xa “bác sĩ dặn không cho em nó vận động nhiều sẽ càng nhức thêm”. Chân trái của Trân không bình thường như bè bạn- xương chân lại nằm ngang. Trân càng lớn, xương chân dài nên càng đau nhiều hơn.

Cái đau da thịt của con hằn lên nỗi đau tinh thần cho người làm mẹ, vậy mà “tui mừng lắm vì nó ham học và học giỏi”. Bé Trân cũng đã thôi không còn mặc cảm khi đến trường, bạn bè càng thương và quý Trân hơn.

Vậy là, mỗi ngày vợ chồng chị Tuyền vẫn đều đặn cõng con đến trường, tiếp sức cho con trên con đường tìm tri thức. Huyền Trân hồn nhiên nói: “Dù đau nhưng con sẽ cố gắng học giỏi hoài, sau này con sẽ đi học đại học như chị của con, chị con cũng bị tật như con nữa đó”.

Trước năm 2005, khi Vĩnh Long chưa có chương trình giáo dục hòa nhập TKT, các em sẽ được đưa vào trường dành cho TKT. Môi trường chuyên biệt cũng mang lại nhiều cơ hội nhưng đối với một vài em, đó lại là nơi lớn dần của những mặc cảm, tự ti và khả năng vươn đến cộng đồng vì vậy mà hạn chế.


Hòa nhập giúp TKT có môi trường học tập bình đẳng như các bạn cùng trang lứa.

Dự án “Phát triển hệ thống hỗ trợ toàn diện giáo dục hòa nhập TKT tỉnh Vĩnh Long” đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và của chính những TKT. Nhờ đó, các em thật sự hòa nhập với cộng đồng.

Đưa con gái là Huỳnh Ngọc Giàu đi nhận học bổng cho TKT, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (TP Vĩnh Long) nói: “Con gái tôi bây giờ biết làm bông vải, làm móc khóa và công việc lặt vặt trong nhà cũng là nhờ có trung tâm hòa nhập”.
 
Ngọc Giàu có ngoại hình lành lặn nhưng gương mặt ngơ ngác vì chứng bại não và không nói được. Trước đây, chị Trinh từng nghĩ con gái sẽ không thể làm gì được nhưng bây giờ Ngọc Giàu đã khá hơn.

Ngoài việc có môi trường học tập bình đẳng như các bạn, các em còn nhận được chế độ chăm sóc y tế tốt hơn và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT được thành lập. Giáo viên, cán bộ phục hồi chức năng và gia đình TKT cũng được bồi dưỡng để giúp các em hòa nhập toàn diện.

Ông Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: “Dự án hòa nhập TKT ở tỉnh Vĩnh Long đã mang lại những hiệu quả thiết thực giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng. Từ đó, các em có thể tự nuôi sống bản thân giúp ích cho gia đình và xã hội”

 

Dự án “Phát triển hệ thống hỗ trợ toàn diện giáo dục hòa nhập TKT tỉnh Vĩnh Long” áp dụng cho tất cả TKT trong độ tuổi từ 0- 16 ở tỉnh Vĩnh Long, không phân biệt loại khuyết tật hay mức độ khuyết tật. Sau 7 năm thực hiện, dự án đã giúp hòa nhập 83% TKT với cộng đồng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng.

Bài, ảnh: NGHI HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh