“Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến nhanh hơn kịch bản, trong đó ĐBSCL đang bị ảnh hưởng khá sớm và rõ nét”- ông Nguyễn Minh Quang- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định như trên nhân chuyến công tác tại Vĩnh Long.
Nhiều tuyến đường thuộc nội ô TP Vĩnh Long dễ dàng ngập khi có triều cường, mưa lớn.
“Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến nhanh hơn kịch bản, trong đó ĐBSCL đang bị ảnh hưởng khá sớm và rõ nét”- ông Nguyễn Minh Quang- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định như trên nhân chuyến công tác tại Vĩnh Long. Từ nhận định này cho thấy vấn đề thích ứng với BĐKH và nước biển dâng đang trở nên hết sức cấp bách, trong đó phải kể đến việc chống ngập cho các đô thị.
Chống ngập cho TP Vĩnh Long
Do ở ven sông cái, TP Vĩnh Long lại nằm bên bờ lõm (vịnh), có chế độ dòng chảy phức tạp nên luôn đối mặt với xói lở, sạt lở.
Tốc độ đô thị hóa nhanh và áp lực gia tăng dân số khiến việc xây dựng nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không an toàn, không theo quy hoạch đã làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng sạt lở,... Từ những vấn đề cấp bách đặt ra, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư dự án kè sông Cổ Chiên TP Vĩnh Long vào tháng 5/2009.
Theo ông Trần Thành Thúc- Trưởng Phòng Quản lý đầu tư (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long), mục tiêu của dự án là nhằm hạn chế và chống sạt lở bờ sông, kết hợp ngăn lũ, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị cho TP Vĩnh Long.
Tuyến kè có tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng, dài hơn 9.000m, bắt đầu từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Cái Cá, đi qua các xã Tân Hòa, Tân Ngãi, Trường An, Phường 9 và Phường 2. Hơn 500 hộ dân ven sông đã được di dời.
Ngày 25/4/2010, công trình được khởi công. Đầu tiên là đoạn từ rạch Bình Lữ đến cầu Cái Cá (Phường 2), một trong 3 phân đoạn với kinh phí 218 tỷ đồng. Cùng năm, đoạn cồn Chim (cầu Mỹ Thuận đến cầu Cái Cam) dài 5.691m, kinh phí 638 tỷ đồng, được khởi công.
Phân đoạn còn lại (cầu Cái
Trước đó, công trình kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 1 (dài 643m, đoạn từ cầu Cái Cá đến cà phê Hoa Nắng) đã được xây dựng vào cuối năm 1994. Tiếp đó là đoạn kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 5 (700m) cũng được khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2008.
Cùng với kè sông Cổ Chiên, TP Vĩnh Long còn được xây dựng hệ thống kè trong nội ô giúp bảo vệ TP Vĩnh Long trước nguy cơ ngập nước. Dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư với tổng kinh phí được duyệt trên 700 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Theo thiết kế, tuyến kè bảo vệ 2 bờ sông Cái Cá, rạch Kinh Cụt, sông Cầu Lầu thuộc các phường: 1, 2, 3, 4 (TP Vĩnh Long) sẽ được xây mới, chiều dài toàn tuyến trên 4.400m.
Thị tứ cũng lo ứng phó biến đổi khí hậu
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, không riêng nội ô TP Vĩnh Long mà nội ô các thị trấn: Mang Thít, Long Hồ và TX Bình Minh,… cũng có nhiều nguy cơ ngập nước, với độ ngập từ 15- 30cm, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ quan, trường học, nhà dân,…
Nguyên nhân là hầu hết các thị tứ trong tỉnh đều nằm kề các tuyến sông lớn. Trong khi nền đất thấp, bờ sông sạt lở, cộng thêm nước lũ dâng cao đã khiến nhiều nội ô bị ngập. Do đó, theo ngành chuyên môn, bên cạnh việc kiên cố hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, việc đầu tư hệ thống kè chống sạt lở bờ sông được xem là một trong những giải pháp tối ưu để các thị tứ ứng phó với BĐKH.
Bởi đây là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, giúp Vĩnh Long ứng phó hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dưới tác động của BĐKH ngày càng rõ nét.
Dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình cũng là dự án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH có tổng chiều dài toàn tuyến là 3.244m.
Tình trạng xói lở các khu vực bờ ven sông Mang Thít ngày càng trầm trọng đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, uy hiếp đến sự an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật…Trong khi rạch Tam Bình đổ ra sông Mang Thít tại khu vực chợ càng làm cho chế độ dòng chảy phức tạp hơn. Hiện vị trí hợp lưu của 2 sông đã tạo ra hố xói ăn sâu vào bờ rất nguy hiểm.
Ngoài ra, sông Mang Thít là tuyến nối liền 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, là trục giao thông thủy chính và quan trọng của ĐBSCL nên mật độ lưu thông tàu thuyền rất lớn. Việc này tác động mạnh đến việc xói lở 2 bên bờ sông.
Đây là lý do để dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình được UBND tỉnh đã ra quyết định về việc phê duyệt dự án này vào năm 2002. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Giao Chi- Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Bình, do khó khăn từ nguồn vốn nên đến nay dự án chỉ triển khai được gần 300m.
Kè sông Cổ Chiên hoàn thành góp phần chống sạt lở, ngăn nước và chỉnh trang đô thị.
Trước những khó khăn về nguồn vốn cộng với việc cấp bách thích ứng với BĐKH, tỉnh Vĩnh Long nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai dự án thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương xem xét phân bổ kinh phí triển khai dự án đê bao sông Mang Thít. Vấn đề này trước đó cũng đã được lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Qua đó cho thấy tầm quan trọng, cấp bách của dự án này.
Đây là dự án nằm trong danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH. Mục tiêu dự án nhằm chủ động tưới tiêu, góp phần giảm tổn thất do lũ lụt, triều cường, xâm nhập mặn,…
Dự án có tổng chiều dài là 70km, qua địa bàn các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn. Tổng mức đầu tư 297 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thuộc chương trình trên được tỉnh kiến nghị hỗ trợ là 267 tỷ đồng, số còn lại do địa phương đối ứng.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin