Đắt đỏ giá ăn uống ở TP Vĩnh Long

06:04, 10/04/2013

Nhóm sinh viên “du lịch bụi” từ TP Hồ Chí Minh về đất mũi Cà Mau có vẻ giảm bớt “nhiệt tình” khi dừng chân ở TP Vĩnh Long, móc túi chi cho bữa ăn sáng 5 tô hủ tiếu 150.000đ và 5 ly cà phê đá giá 50.000đ. Một quán ăn nhỏ ở một đô thị nhỏ nhưng giá tiền lại không nhỏ chút nào…


Giá cả ngày càng leo thang, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Nhóm sinh viên “du lịch bụi” từ TP Hồ Chí Minh về đất mũi Cà Mau có vẻ giảm bớt “nhiệt tình” khi dừng chân ở TP Vĩnh Long, móc túi chi cho bữa ăn sáng 5 tô hủ tiếu 150.000đ và 5 ly cà phê đá giá 50.000đ. Một quán ăn nhỏ ở một đô thị nhỏ nhưng giá tiền lại không nhỏ chút nào…

Quán nhỏ món ngon

Tuy TP Vĩnh Long không có những món điểm tâm đặc sản địa phương như hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho, cơm cà ri Sóc Trăng, bún nước lèo Trà Vinh… nhưng những người từng “đi đây đi đó” quanh miền Tây Nam Bộ, cũng thừa nhận, thành phố nhỏ có nhiều quán ăn ngon.

Chỉ tính riêng quán phở đã có nhiều “thương hiệu” trở thành quen thuộc, niềm tự hào của người đô thị như phở Phú Hương, phở 91, phở Trân, phở Sài Gòn, phở Tài Có, phở Tàu Bay, phở Trưng Vương… có hương vị và cả khách ruột “đi đâu cũng về ăn phở”.

Ông chủ lò nem nổi tiếng “Ông Mập” ở phía bên kia cầu Mỹ Thuận nói dù bận gì, dù đi đâu, cứ vài ba tuần là cũng phải lái xe qua Vĩnh Long ăn phở. Ông quen cái quán nhỏ mà “chỉ có ở đây mới nấu đúng hương vị phở”, chủ quán quen khẩu vị khách, chỉ cần ông tới, tô phở ưng ý đặt ngay trước mặt, mà ăn một lèo 2 tô mới đã thèm.

Ngưỡng mộ đến vậy đó, trong một lần về Vĩnh Long du lịch, anh Việt Hưng ở TP Hồ Chí Minh đã phải lòng dĩa cơm tấm “quá ngon” ở đường 2 Tháng 9. Mỗi lần đi công tác ngang qua đều ghé lại “dằn bụng” dĩa cơm tấm sáng, nghe thơm vị thịt nướng bay lên từ bếp than hồng.

Món hủ tiếu cũng đa dạng trong cách chế biến, có hàng chục quán bán hủ tiếu là hàng chục hương vị khác nhau. Hủ tiếu mực, thịt bằm, hủ tiếu xương, hủ tiếu lòng, hải sản,… Có quán hủ tiếu ngày, có quán chỉ bán xế chiều về đêm. Đó là vẫn chưa kể hết các quán cháo lòng, bún bò buổi sáng; bánh xèo, lẩu mắm buổi chiều, mà mới nghe tên đã… thấy thèm.

Ăn uống đắt đỏ

Song, có thể nói, giá cả dịch vụ ăn uống tại TP Vĩnh Long thường khá đắt. Cũng là các món thông thường như ở các đô thị khác, nhưng mặt bằng giá lại khá cao. Có lẽ ăn uống là một trong những dịch vụ có chỉ số giá cả tăng rất cao so với các mặt hàng, dịch vụ khác. Thậm chí tăng hơn gấp đôi.

Cách đây vài năm, tô hủ tiếu, dĩa cơm tấm độ 10.000đ, cao lắm cũng chỉ 12.000- 13.000đ, nhưng hiện nay, mức giá này đã “xưa như trái đất”. Những món điểm tâm ở nội ô thành phố thường không dưới 20.000 đ/phần.

Một tô hủ tiếu mực thịt bằm giá 30.000đ, một tô bún bò Huế 30.000đ, một tô phở 28.000đ, một dĩa cơm tấm 25.000- 28.000đ là chuyện cũng… thường thôi ở các quán ăn cũng chỉ ở mức bình thường. Vì vậy, đối với người lao động, công nhân, sinh viên học sinh, đã trở thành những quán ăn xa xỉ ở phố mà họ khó dám bước chân vào.

Nhiều người khi được hỏi đều có chung nhận xét “dịch vụ ăn uống ở TP Vĩnh Long khá đắt đỏ”. Đối với nhiều người làm việc ở đô thị, nhà ở ngoại ô, thường buộc lòng phải “cơm bụi” buổi trưa các hàng quán.

Các quán cơm trưa có thực đơn khá phong phú, với món cá, thịt kho, xào, canh chua, khổ qua… Cơm bình dân thường có món kho, vài lát cà, dưa leo, có quán dĩa rau sống nhỏ, kèm chén canh rau, hoặc súp với “vài lá hành ngò bé tẻo teo” cũng từ 18.000- 20.000 đ/phần. “Sang” hơn có thể kêu thêm canh chua, khổ qua 5.000- 10.000đ.

Những người “cơm bụi” thường là công chức viên chức, lao động, tới quán chủ yếu “ăn cho no” rồi tìm một quán cà phê, hay góc nào đó chợp mắt để kịp giờ làm chiều. “Cơm bụi” chiều tối thường là cơm tấm sườn bì chả hay gà, giá bình dân cũng 18.000 đ/dĩa, ngon hơn thì 25.000 đ/đĩa.

Có lẽ khó mà so sánh mức giá ăn uống ở đô thị này đắt hay rẻ hơn ở đô thị khác. Nhưng nếu có dịp đi ăn nhiều, nhiều người vẫn cho rằng ở TP Vĩnh Long có mặt bằng giá khá cao.
 
Thực tế, tại TP Cần Thơ, rất nhiều quán cơm tấm giá chỉ 15.000- 20.000 đ/dĩa; phở, hủ tiếu “bình dân” cũng chỉ 20.000- 25.000 đ/tô; một bữa cơm trưa lao động bình dân 13.000- 15.000 đ/người. Nhiều quán cơm văn phòng thiết kế đẹp, cây xanh bóng mát, cơm phần đủ 3 món canh- xào- kho nóng sốt tặng kèm ly trà đá giá cũng không quá 30.000 đ/người.

Mức sống bình quân của người đô thị Vĩnh Long và của người dân trong tỉnh nói chung vẫn chưa cao, thì việc ăn với giá cao là chuyện “hơi bị khó hiểu”. Có lẽ giá dịch vụ ăn uống, nhất là sau những đợt tăng giá dịp lễ tết và “cầm giá” cũng cần được ngành chức năng quan tâm để tạo được mặt bằng giá phù hợp hơn.

Chú Bùi Tân Phúc (Phường 4- TP Vĩnh Long):


Tui chạy xe ôm. Ở các quán vỉa hè, cà phê bụi… thì tui thấy giá cả “mềm” hơn so với các đô thị khác như: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, TP Mỹ Tho (Tiền Giang)… Nếu so với TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), thì giá cả ăn uống ở thành phố mình cũng tương đương.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan- công nhân (Phường 2- TP Vĩnh Long):

Tui làm lương có 2 triệu đồng/tháng, ăn cơm hộp là không đủ chi tiêu nên thường tranh thủ đi chợ nấu ăn cho tiết kiệm. Nhưng nhiều lúc ra chợ đắn đo mãi mà không biết mua gì. Mặt hàng nào cũng “làm giá”, ngay cả giá rau cũng “nhảy múa” không ngừng. Không dám ăn hàng quán, còn đi chợ cũng dè sẻn hơn.

Nguyễn Quốc Huy- sinh viên Trường Đại học Cửu Long:

Tuy gia đình khá giả, nhưng tôi thường nấu ăn để tiết kiệm. Cơm bình dân cũng 15.000 đ/dĩa, ăn 2 bữa chính 1 ngày tốn 30.000đ là ít, mà chưa no, dinh dưỡng thì… hên xui. Ăn cơm bụi hoài “ngán” tiền quá, nên nấu ăn cho rẻ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

T.HIỀN- T.LY (ghi)

Bài, ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh