Hiện nay, tự kỷ hay chính xác hơn là chứng rối loạn phổ tự kỷ đã trở thành một vấn đề mang tính xã hội và được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây.
Hiện nay, tự kỷ hay chính xác hơn là chứng rối loạn phổ tự kỷ đã trở thành một vấn đề mang tính xã hội và được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây.
Ở những nước này, khuyết tật tự kỷ được xã hội hóa và hầu như mọi công dân đều có những hiểu biết nhất định về rối loạn này. Còn ở Việt Nam, tự kỷ vẫn còn là một khái niệm mới được biết đến trong một vài thập kỷ gần đây.
Giờ học tại Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ Sao Mai (Hà Nội). |
Tự kỷ là một trong những nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ em. Trẻ bị mắc tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.
PGS, TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Phát hiện sớm tự kỷ đang là vấn đề cấp bách và quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Tuy chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ, song số lượng trẻ đến khám bệnh tự kỷ tại các cơ sở y tế ngày càng gia tăng.
Theo nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi T.Ư giai đoạn 2000-2007 cho thấy: số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông, năm 2007 số trẻ đến khám tăng gấp 50 lần so với năm 2000.
Trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh có con tự kỷ cần được xác định và can thiệp ngày càng gia tăng, nhiều cơ sở thuộc các ngành y tế, giáo dục được thành lập dưới nhiều hình thức công lập và ngoài công lập. Ðáng chú ý xuất hiện một số cơ sở do các phụ huynh chủ động liên kết lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của con mình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Việc này giúp cho nhiều trẻ tự kỷ có điều kiện phát triển tốt hơn và làm giảm khó khăn của các phụ huynh có con tự kỷ. Không ít trẻ tự kỷ đã có những phát triển tốt và có nhiều tiến bộ trong giao tiếp, trong tiếp nhận tri thức và dần hòa nhập trong cộng đồng.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc dạy trẻ tự kỷ, thầy giáo Phan Xuân Trường, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch (Quảng Bình), chia sẻ: Việc dạy trẻ tự kỷ không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà cần phải có sự kiên nhẫn và lòng yêu thương. Ngoài thời gian trên lớp, các thầy giáo, cô giáo cần thường xuyên tìm kiếm thêm tài liệu để đưa ra những phương pháp tốt nhất cho các em.
Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường chuyên biệt Ánh Sao (Hà Nội): Giáo viên cần sáng tạo bởi lý thuyết không thể áp dụng cho tất cả các trẻ như nhau. Nếu giáo viên không sáng tạo trong từng bài tập, trò chơi, tự tìm hiểu cái mới để áp dụng cho trẻ thì sẽ không đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, các hoạt động nghiên cứu và triển khai các dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ tại Việt Nam chưa nhiều, chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Ở cơ sở khám và chẩn đoán trẻ tự kỷ chưa có công cụ đánh giá chuẩn.
Các công cụ đánh giá được sử dụng khác nhau, phần lớn là nhập từ nước ngoài chưa được Việt hóa nên kết quả đánh giá có khác biệt, gây khó khăn cho phụ huynh trẻ tự kỷ, thậm chí gây mất lòng tin vào các chuyên gia.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam chưa có đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ tâm lý, giáo viên được đào tạo chuyên sâu về tự kỷ. Ðội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục trẻ tự kỷ chưa có, họ mới chỉ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhỏ lẻ, theo các chuyên đề rời rạc.
Do vậy trẻ tự kỷ chưa được tác động đúng lúc, đúng phương pháp và hệ quả là sự tiến bộ của trẻ chưa thể hiện rõ và đáp ứng được nhu cầu của trẻ và phụ huynh trẻ tự kỷ.
PGS, TS Lê Văn Tạc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
Giáo dục trẻ tự kỷ đòi hỏi quy trình chặt chẽ và bảo đảm quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Dù quy trình thực hiện theo các bước khác nhau nhưng cần thống nhất sử dụng và quản lý theo tiêu chuẩn nhất định.
Vai trò của cộng đồng cũng không thể thiếu trong chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ như về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, chế độ chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin