Truyền hình Vĩnh Long- nhìn từ các chương trình từ thiện- xã hội

10:03, 19/03/2013

Hơn 5 năm qua, Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Vĩnh Long được phép sản xuất và phát sóng 24/24h mỗi ngày. Để đảm bảo thời lượng các chương trình tự sản xuất đạt 40% theo quy định, xu hướng của các đài truyền hình lớn là đầu tư mua kịch bản (format) của nước ngoài hoặc thực hiện xã hội hóa các chương trình truyền hình. Riêng Đài PT-TH Vĩnh Long đã chọn cho mình một hướng

Hơn 5 năm qua, Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Vĩnh Long được phép sản xuất và phát sóng 24/24h mỗi ngày.

Để đảm bảo thời lượng các chương trình tự sản xuất đạt 40% theo quy định, xu hướng của các đài truyền hình lớn là đầu tư mua kịch bản (format) của nước ngoài hoặc thực hiện xã hội hóa các chương trình truyền hình. Riêng Đài PT-TH Vĩnh Long đã chọn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với nguồn lực và điều kiện của địa phương.

Đó là mỗi tuần, đài sản xuất và phát sóng 7 tập phim truyện Việt Nam trong khung giờ từ 20- 22h, trong đó có 1 tập phim dành cho trẻ em vào cuối tuần và 6 tập phim dành cho người lớn từ thứ 2 đến thứ 7. Song song đó, đài đã xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình nhân đạo, mỗi ngày một chương trình 30 phút phát sóng vào giờ vàng.

Góp sức lo cho người nghèo

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cũng như vận động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo; nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện các hoạt động vì người nghèo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đâu đó trong cộng đồng vẫn còn những mảnh đời bệnh tật, bất hạnh, éo le. Họ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời của cộng đồng để có thể vượt qua nút thắt của cuộc đời mình mà vươn lên.

Chính vì thế, các chương trình truyền hình từ thiện- xã hội của Đài PT- TH Vĩnh Long được ra đời sau rất nhiều trăn trở từ thực tế cuộc sống, từ việc phát hiện và lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng, ước mơ của những cảnh đời nghèo khó, bất hạnh.

Mục “Địa chỉ nhân đạo” là cứu cánh cho những gia đình có người thân bệnh tật hiểm nghèo. Tổng số tiền vận động ủng hộ mục “Địa chỉ nhân đạo” từ lúc chương trình mới hình thành đến nay đạt trên 11 tỷ đồng. Chương trình “Trái tim nhân ái” đã đồng hành cùng bệnh nhân tim trong cuộc hành trình tìm lại sự sống, trả lại người mẹ cho những đứa con thơ, mang lại trái tim mạnh mẽ cho những em nhỏ.

Chương trình “Thắp sáng niềm tin” đã thắp lên ước mơ, niềm tin, nghị lực cho những học sinh vượt khó học giỏi, góp phần hun đúc ý chí, tinh thần hiếu học của học sinh sinh viên. Gắn với chương trình này là học bổng Trần Đại Nghĩa, mỗi năm, Đài PT- TH Vĩnh Long trao hơn 3.000 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Chương trình “Chắp cánh ước mơ” đem đến mái nhà che nắng che mưa cho bà con nghèo các tỉnh ĐBSCL. Mỗi chương trình là một câu chuyện đời đầy ý chí và nghị lực vươn lên, dẫu có trải qua bao thử thách khó khăn nhưng ước mơ vẫn cứ mãi tỏa sáng trên bước đường vươn lên nghịch cảnh.


Chương trình “Chuyến xe nhân ái” là hành trình về các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cùng với chính quyền địa phương xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ xây dựng gần 1.000 căn nhà cho hộ nghèo tại các địa phương trong tỉnh, trị giá gần 24 tỷ đồng, cấp 270 con bò cho các hộ chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Chương trình “Thần tài gõ cửa”- chương trình được khán giả yêu thích nhất hiện nay- nhằm giúp đỡ những người nghèo chẳng may bị khuyết tật, có tay nghề và ý chí lao động cần cù, biết vượt lên gian khó với số vốn từ 30- 40 triệu đồng để phát triển tay nghề. Chương trình “Vượt qua thử thách” tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo cho những hộ gia đình có khát vọng vươn lên bằng chính ý chí, nghị lực của bản thân mình.

Bắc nhịp cầu nhân ái

Có thể nói, trong những năm qua, dấu ấn đẹp nhất của Đài PT-TH Vĩnh Long để lại trong lòng khán giả chính là việc hình thành các chương trình từ thiện- xã hội.

Thông qua đó, Đài PT-TH Vĩnh Long đã chung tay bắc một nhịp cầu nhân ái để mọi người đến với nhau bằng tình yêu thương và chia sẻ những giá trị nhân văn cao đẹp nhất của con người, đồng thời mang đến niềm an ủi lớn lao đối với con người, giúp mọi người nhận ra mình còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người, để giữ vững niềm tin, niềm hy vọng trong cuộc sống.

Từ các chương trình từ thiện- xã hội, Đài PT-TH Vĩnh Long đã nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các nhà hảo tâm, của quý khán giả trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài (thông qua website của đài). Sự hỗ trợ, đóng góp ấy thật vô cùng quý báu, càng quý hơn, khi trong danh sách ấy có dì Năm bán xôi, chị Lệ bán vé số, cựu giáo viên về hưu, các học sinh để dành tiền quà sáng ủng hộ cho chương trình... Nhiều tên gọi của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã trở nên quen thuộc với khán giả xem đài.

Điều quan trọng hơn là thông qua các chương trình đã hình thành phong trào đóng góp giúp đỡ người nghèo, người bị bệnh tật góp phần xây dựng một xã hội hướng thiện.

Tại Vĩnh Long, đã hình thành được nhóm các nhà hảo tâm cộng tác thường xuyên với đài như nhóm nhà hảo tâm của thầy giáo về hưu Nguyễn Thành Hổ (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) với gần 50 thành viên ủng hộ thường xuyên; nhóm hảo tâm của thầy Bùi Chí Hiếu (Tam Bình) và nhiều tập thể cơ quan, các đoàn thể, cán bộ công chức nuôi heo đất, đóng góp ủng hộ thường xuyên.

Hàng tuần có từ 450- 600 khán giả, nhà hảo tâm đóng góp cho các chương trình từ thiện- xã hội với số tiền tiếp nhận từ 100- 150 triệu đồng. Trong đó, có nhiều gia đình ủng hộ toàn bộ số tiền phúng điếu của người thân để giúp đỡ các nhân vật trong chương trình.

Ngoài việc làm công tác xã hội mỗi năm mỗi tăng, các chương trình từ thiện- xã hội cũng tạo được nguồn thu nhất định. Đồng thời, các chương trình với mục đích từ thiện sâu sắc đã nhận được sự ủng hộ của các ban ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ trong khâu khảo sát, lựa chọn đối tượng và phối hợp thực hiện chương trình.

Thông qua việc thực hiện các chương trình từ thiện- xã hội, Đài PT-TH Vĩnh Long đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cũng có người hỏi rằng việc tổ chức quá nhiều các chương trình từ thiện có làm cho bức tranh xã hội trở nên buồn tẻ, u ám quá hay không? Thực ra, mục đích thực hiện các chương trình từ thiện- xã hội của đài không phải là than nghèo kể khổ mà là ca ngợi ý chí, nghị lực vươn lên của những con người bất hạnh, nghèo khó.

Mỗi chương trình là một bài học giáo dục sâu sắc về ý chí và nghị lực vươn lên, dẫu có trải qua bao thử thách khó khăn nhưng ước mơ vẫn cứ mãi tỏa sáng trên bước đường vươn lên nghịch cảnh. Có bài học nào tác động mạnh mẽ bằng câu chuyện của Thùy Linh- học sinh lớp 12 (nhân vật của chương trình “Thắp sáng niềm tin”)? Linh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ chẳng may bệnh qua đời, nhớ lời mẹ dặn phải quyết tâm học tập, em đã trở lại trường học ngay sau khi vừa an táng mẹ.

Hơn 10 năm trước, lúc mới bắt đầu thực hiện mục “Địa chỉ nhân đạo”, đài cũng gặp một vài ý kiến phản ứng của chính quyền địa phương vì họ cho rằng “đài nói quá sự thật”, “làm gì có những người bất hạnh, nghèo khổ đến thế”; hay “một xã văn hóa thì làm sao có hộ dân không có nhà ở, phải che tạm mái nhà dưới gầm cầu?”

Thực tế, thời gian đã chứng minh, đài thực hiện công tác từ thiện- xã hội với cái tâm trong sáng, với tất cả trách nhiệm và nghĩa cử đối với cộng đồng, tìm đúng địa chỉ cần giúp đỡ, công tâm, khách quan... Chính vì thế, các chương trình mới nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm và khán giả gần xa.

Tóm lại, nói đến công tác từ thiện- xã hội, có lẽ kết quả đạt được của Đài PT-TH Vĩnh Long còn khá khiêm tốn so với một số đơn vị bạn, nhưng điều đặc biệt của Đài PT-TH Vĩnh Long là đã biến các hoạt động từ thiện- xã hội thành các chương trình truyền hình. Mỗi chương trình có format riêng, giúp đỡ một đối tượng cụ thể.
 
Tuy chương trình chạm vào nỗi niềm riêng của mỗi người nhưng là để an ủi, động viên họ vươn lên. Do đó, các chương trình có một thế mạnh và sức hấp dẫn riêng, dù có gây nhàm chán cho một ít khán giả trẻ nhưng cái được vẫn là ưu điểm lớn trong hoạt động tuyên truyền và tạo được hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng công chúng.

Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, thông qua việc sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình nhân đạo, tổng các giá trị phúc lợi xã hội do Đài PT- TH Vĩnh Long thực hiện và vận động đạt trên 90 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2012, tổng giá trị phúc lợi các chương trình từ thiện- xã hội đạt trên 38 tỷ đồng với 28.000 lượt khán giả ủng hộ.

Các chương trình từ hiện- xã hội của Đài PT-TH Vĩnh Long được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long trong năm 2012.“

LÊ QUANG NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh