10 năm trao “cần câu” cho người nghèo

01:03, 26/03/2013

10 năm qua, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ ra đời đã tạo nên một bước ngoặt lớn về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ chủ trương của Nhà nước và những chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, hàng ngàn hộ nghèo ở Vĩnh Long có điều kiện phát triển sản


Chú Trương Văn Ân cho rằng: “Muốn thoát nghèo bền vững phải siêng lao động, tiết kiệm và lo cho con cái học hành đàng hoàng”.

10 năm qua, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ ra đời đã tạo nên một bước ngoặt lớn về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Từ chủ trương của Nhà nước và những chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, hàng ngàn hộ nghèo ở Vĩnh Long có điều kiện phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.

Cứu cánh cho hộ nghèo

10 năm hoạt động, NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, triển khai thành công 11 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, với trên 452.000 lượt khách hàng, tổng doanh số cho vay trên 3.228 tỷ đồng, đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng thể hiện qua các con số: góp phần giúp gần 35.000 hộ thoát nghèo; thu hút được hơn 210.000 lao động có việc làm mới; 27.000 học sinh, sinh viên được vay vốn; hàng ngàn gia đình nghèo có nhà ở ổn định cuộc sống; có 723 lao động thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ, qua 4 năm thực hiện NHCSXH tỉnh đã cho 6.200 lượt hộ nghèo vay, với tổng doanh số cho vay là 49,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp họ có được nhà ở, ổn định cuộc sống, thiết thực góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Các chính sách ưu đãi của Chính phủ về tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc. Dư nợ cho vay đồng bào dân tộc đạt gần 26 tỷ đồng với hơn 3.000 hộ còn dư nợ. Mặt khác, qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình làng nghĩa xóm tương trợ nhau tại địa phương, các thành viên trong tổ cùng nhau sản xuất kinh doanh để thoát nghèo bền vững.

Chị Thạch Thị Tuyền (xã Trà Côn- Trà Ôn) đến giờ vẫn không hết lời cám ơn Nhà nước. Chị kể bằng giọng dân tộc nằng nặng nhưng... vui ra mặt: “Hai vợ chồng ra riêng phải cất nhà tạm ở trên đất bà nội. Chồng chạy xe ôm, tui ở nhà nuôi con. Cuộc sống khó khăn lắm! Nhà đến hạn dột tùm lum, ăn cũng thiếu... Nhờ Nhà nước, vợ chồng tui vay ngân hàng tui có tiền cất nhà. Còn dư chút đỉnh vốn, tui mở tiệm tạp hóa. Bây giờ cuộc sống tạm ổn rồi.”

Có được nhà mới, bà Thạch Thị Hồng (xã Trà Côn- Trà Ôn) phấn khởi: “Nhà nghèo, mần mướn suốt nhưng tui dành dụm mãi mà không đủ tiền cất nhà. Nhờ Nhà nước, rồi vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi tui được cái nhà mừng lắm, đi mần yên tâm hơn.
 
Không chỉ có thế, tui còn được vay vốn chăn nuôi bò, heo. Giờ tui có 2 con bò và vài con heo nên cuộc sống đỡ hơn trước rồi”. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- Nguyễn Thành Ân cho rằng, khi triển khai Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, không riêng gì người được hỗ trợ, mà cả những người dân trong xóm cũng cảm thấy vui lây, càng thêm lạc quan, tin tưởng vào những chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.
 
Và người dân cũng nhận thức sâu sắc rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Đảng và Nhà nước luôn có những quyết sách hướng về dân, vì dân.

Hơn 5 năm triển khai chương trình vay vốn tín dụng dành cho học sinh- sinh viên (HSSV), Vĩnh Long có trên 26.700 lượt HSSV là con em hộ nghèo, cận nghèo; hộ có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học đã được tiếp tục đến trường. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vợ chồng cô Trịnh Thị Na (xã Chánh Hội- Mang Thít) vẫn ráng gánh gồng lo cho 2 con gái ăn học đàng hoàng.
 
Cùng một lúc để lo cho 2 con gái học đại học, cao đẳng quả là khó khăn đối với gia đình có sổ hộ nghèo và với công việc làm thuê như cô chú. Song, nhờ vốn vay tín dụng HSSV, 2 con gái cô được nối tiếp ước mơ học tập. Ngoài ra, gia đình cô còn được Nhà nước hỗ trợ và NHCSXH cho vay tiền cất nhà 167.

Còn chị Lê Thị Lài (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tui vay tiền cho con đang học đại học. Đứa lớn cũng nhờ tiền vay này mà học xong kế toán. Giờ mỗi tháng tui tích cóp tiền làm phụ hồ của ổng để trả tiền vay hàng tháng trên triệu đồng. Phải trả tiền đúng hạn để Nhà nước có tiền giúp những đứa sau nữa chứ”.

Từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của NHCSXH, có trên 36.000 lượt hộ dân ở khu vực nông thôn tỉnh đã có nước sạch sử dụng và đầu tư công trình vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT). Ông Nguyễn Văn Lành (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) cho biết, năm 2011 thông qua Đoàn Thanh niên, gia đình ông được phía ngân hàng cho vay 8 triệu (4 triệu cho công trình nước sạch và 4 triệu thuộc công trình VSMTNT) để giải tỏa khó khăn trước mắt.
 
Ông nói: “Trước đây mỗi ngày đi làm về vợ chồng tôi đều ngán cảnh xách nước từng xô, lóng phèn dùng cho sinh hoạt. Nghe người dân than phiền nguồn nước dưới sông ngày một ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và nước thải cầu tỏm từ ao, mương ngấm ra sông nhưng do không có nước sạch nên đành bấm bụng sử dụng đại. Nay được sử dụng nước hợp vệ sinh, cảm giác rất an toàn không phải lo như trước.

Cho vay “cần câu”

Sống chủ yếu bằng nghề mua bán phế liệu nhưng do không có vốn nên thu nhập hàng ngày của vợ chồng chị Trần Thị Thúy Hằng (xã Phú Quới- Long Hồ) “lo cái ăn cái mặc trong nhà đã khó huống gì có dư để cất lại căn nhà xiêu vẹo theo gió mưa”.
 
“Vợ chồng tui không dám mơ có ngày được Nhà nước hỗ trợ tiền cất nhà. Được an cư rồi, vợ chồng tui còn được vay tiền từ NHCSXH. Có thêm vốn, tui vựa ve chai, nuôi thêm vịt, để lo cho con ăn học”- chị Thúy Hằng xúc động.

Có được 1 công đất vườn ba mẹ cho, chú Trương Văn Ân (Phường 9- TP Vĩnh Long) được vay vốn 10 triệu đồng từ NHCSXH với mục đích chăn nuôi và trồng hoa phong lan. Chú miệt mài tham gia các lớp tập huấn cách trồng, chăm sóc hoa nên vườn lan nhà chú phát triển tươi tốt và cho thu nhập khá cao.

Cứ 1 tháng chú cắt cành 8 lần, mỗi đợt bán được gần 500 ngàn đồng, thu nhập 1 tháng từ tiền cắt cành và bán lan chậu cũng được từ 5- 8 triệu đồng; trừ chi phí chú lời từ 4- 6 triệu đồng.
 
Chú cho biết: “Nhờ sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn. Mô hình trồng hoa phong lan có hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng, nếu biết áp dụng đúng cách, đạt tiêu chuẩn thì đây sẽ là một trong những phương hướng làm ăn có hiệu quả cao phù hợp với tình hình đô thị của TP Vĩnh Long”.

Ra riêng với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Võ Hữu Phúc (xã Loan Mỹ- Tam Bình) phải lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ để thu mua ve chai. Số vốn vay 5 triệu đồng do Hội Nông dân xã Loan Mỹ giới thiệu đã làm nhẹ “gánh” của công việc mưu sinh thu mua ve chai của vợ chồng anh. Con lớn của anh đang học đại học cũng nhờ vào vốn vay tín dụng SV. Giờ đây, thu nhập hàng tháng của anh khoảng 4 triệu đồng, vợ chồng anh có thể tích cóp để lo cho 2 con ăn học.

Gia đình ông Ngô Văn Tác (xã Đông Thạnh- Bình Minh) cũng quanh quẩn trong cuộc sống nghèo khó. Năm 2011, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng nhà theo Chương trình 167 và được NHCSXH xét cho vay thêm 10 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo.

Ông Tác mạnh dạn đầu tư nuôi bò, bởi theo ông nuôi bò ít vốn lại ít gặp rủi ro, thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ nên không phải tốn kém tiền mua thức ăn. Hiện 2 con bò giống của ông đến đợt sinh sản. Với giá bán một bò con từ 5- 6 triệu đồng, ông Tác ước tính sẽ thu về vài chục triệu nhờ bán bò con.

Với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã cùng với các đoàn thể chính trị- xã hội nhận ủy thác và có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ đây đến năm 2020, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nhằm góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Song song đó, NHCSXH chi nhánh Vĩnh Long huy động được nguồn vốn từ ngân sách địa phương tham gia vào các chương trình như cho vay hộ nghèo lắp đặt đồng hồ nước trong cụm tuyến dân cư vùng lũ (1 tỷ đồng); cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (trên 650 triệu đồng); cho vay giải quyết việc làm (1,8 tỷ đồng); cho vay chuyển đổi nghề đối với chủ phương tiện xe lôi máy, xe ba gác (4 tỷ đồng);…

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh