“Bệ đỡ” thoát nghèo cho nông dân

10:03, 13/03/2013

Muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, điều kiện đầu tiên và quyết định chính là sự nỗ lực của bản thân và gia đình chính các hộ nghèo.

Muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, điều kiện đầu tiên và quyết định chính là sự nỗ lực của bản thân và gia đình chính các hộ nghèo.

Tuy nhiên, vai trò của Hội Nông dân như “điều kiện đủ”, hỗ trợ người dân những phương hướng, kế hoạch, nguồn vốn quý giá… Và qua mỗi năm, nông thôn càng có thêm nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất, nhiều căn nhà khang trang mọc lên từ “bệ đỡ” thoát nghèo hiệu quả.

Xây nhà từ… 2 công ruộng

Xây một căn nhà khang trang, có khi là ước mơ cả đời đối với những nông dân nghèo, ít đất. Nhưng đối với 31 hội viên của Chi hội Nông dân ấp Bà Phận (xã Trung Chánh- Vũng Liêm), thì cứ sau mỗi vụ mùa sẽ có một hộ được đổi đời trong căn nhà mới. “Chuyện lạ” này xuất phát từ sáng kiến của anh Nguyễn Thanh Sơn- nguyên là Chi hội trưởng của ấp, đã đề xuất cách đây 4 năm.

Anh Nguyễn Văn Công- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bà Phận- cho biết: Đây là tổ hùn vốn bằng vàng, sau mỗi vụ mùa tất cả sẽ ngồi lại bắt thăm. Mỗi người đóng góp 0,5 chỉ vàng.

Như vậy, mỗi lần góp được 1,5 cây vàng, tương đương trên 60 triệu đồng, với số tiền này có thể xây dựng căn nhà tương đối khang trang ở vùng nông thôn sâu.

Mỗi năm có 3 vụ mùa, tức là sẽ có 3 thành viên có cơ hội xây nhà. Đến nay, đã hoàn thành được 11 căn nhà. Hộ có nhà tương đối thì dùng số tiền này để mở rộng, nâng cấp căn nhà lên khang trang hơn.

Nhiều người chỉ có vài công ruộng, nhưng cũng có thể tham gia và đã xây được nhà mới. Thấy hình thức góp vốn bằng vàng có hiệu quả, chi hội có hướng mở rộng ra các đối tượng làm vườn, những hộ buôn bán nhỏ cũng có thể tham gia.

Cho đến nay, chỉ mới có 1 trường hợp là có khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn xoay vòng, nhưng chi hội đã giải quyết bằng cách thay thế một hộ khác.

Ông Lê Văn Nhứt- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh- đánh giá đây là một sáng kiến hay, rất phù hợp để chúng ta thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới, đó là đảm bảo không có nhà dột nát và có 70% đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, sẽ rất khó đạt tiêu chí này. Từ việc có được chỗ ở khang trang, bà con mới an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm được hộ nghèo trên địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Vai trò của cán bộ hội

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũng Liêm- Nguyễn Văn Quen, ngay từ đầu năm, Huyện hội đã chỉ đạo cơ sở hội nắm chắc số lượng hội viên nghèo và có kế hoạch phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ gia đình hội viên nghèo.

Bằng nhiều hình thức vận động, đóng góp vật chất, kinh nghiệm sản xuất cho bà con nghèo có điều kiện làm ăn, trong năm 2012, đã có 350 hội viên có chiều hướng vươn lên thoát nghèo tốt.

Đến thăm một trong những hội cơ sở hoạt động mạnh là xã Trung Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã- Nguyễn Thanh Triều nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm nhiều gia đình khó khăn, đang được sự hỗ trợ của hội.

Vợ anh Lửa lột hột điều thu nhập 3 ngày được khoảng 50.000đ.

Căn nhà của vợ chồng anh Đặng Văn Lửa (40 tuổi, ở ấp Rạch Ngay, xã Trung Hiệp) tuy đã nhận được hỗ trợ của Chương trình 167, nhưng xem ra vẫn còn khá đơn sơ, dang dở...

Ngoài miếng đất vốn là nền chuồng trâu được cha mẹ cho từ hồi ra riêng, tới giờ anh cũng chưa tạo dựng được đất đai, tài sản gì đáng giá. Nhờ chương trình Chuyến xe nhân ái, gom góp thêm có được cặp bò, để dành cho đứa con gái lớn vào đại học.

“Tiếc cái năm rồi cháu nó thi vào ngành sư phạm mầm non trên TP Hồ Chí Minh, vì không biết nhạc nên bị thiếu 0,5 điểm”- vợ anh Lửa ngồi kế bên than thở, rồi chị lật đật mang ra bảng điểm học tập của con gái mình, khoe rằng “nó học giỏi, ham học lắm, giấy khen nhóc mà cứ giấu trong tủ, tui đâu có hay”.

Để quyết tâm thi lại vào năm sau, em Đặng Thị Thùy Nhiên- con gái anh Lửa đã lên TP Hồ Chí Minh đi làm thêm. Còn anh chị giờ chỉ có cắt cỏ bò, rồi lột hột điều tại nhà, trong 3 ngày kiếm được chỉ khoảng 50.000đ.

Anh Triều đề nghị vợ chồng anh Lửa nên tận dụng đất quanh nhà để nuôi gà lấy trứng, rồi bỏ công đi thu gom trứng bỏ mối cho các lò. Vì chỉ cần khoảng 60- 70 con gà đẻ, túc tắc trong năm cũng có thể kiếm được vài chục triệu đồng.

Anh Triều phân tích, có rất nhiều chuyện làm ăn mà không cần vốn lớn, tuy nhiên tùy theo mỗi gia đình, người cán bộ cơ sở phải nắm rõ hoàn cảnh, ý hướng mới đưa ra lời khuyên. Như gia đình anh Lửa bây giờ nuôi gà thì rất phù hợp, vì đã đeo theo nghề nuôi vịt chạy đồng mười mấy năm rồi.


Đàn vịt phía sau căn nhà mới xây của anh Đoàn Văn Lặt.


Cũng là hộ nuôi vịt ở ấp Trung Hưng, anh Đoàn Văn Lặt đã xây được căn nhà khoảng trên 70 triệu đồng. Trong đó, Chương trình 167 hỗ trợ 30 triệu đồng.

Theo bà con ở xóm, sau khi xây nhà, vợ chồng anh Lặt cũng còn “nợ trong, nợ ngoài” một mớ nên cũng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, là người cần cù chăm chỉ, hồi nào tới giờ chỉ biết chí thú làm ăn, nên mọi người tin rằng sau khi đã “an cư”, anh Lặt sẽ từ từ vượt qua khó khăn trước mắt mà vươn lên khá giàu thôi.

Còn rất nhiều địa chỉ mà chúng tôi chưa thể đi hết. Nhưng có thể nhận thấy một điều, là khi cán bộ cơ sở năng động, nhiệt tình, theo sát tình hình địa bàn, hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình, thì ở đó phong trào của hội sẽ rất mạnh.
 
Khi người dân tin tưởng vào cán bộ hội, thì hội cơ sở sẽ phát huy vai trò của mình, giúp cho những chương trình, những nguồn vốn hỗ trợ trở nên hiệu quả hơn. Và Hội Nông dân sẽ trở thành “bệ đỡ” vững chắc, cho những hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh