Làm cha mẹ nuôi con ăn học, ai cũng mong con mình học giỏi, tốt nghiệp ra trường có bằng cấp, xin được việc làm hoặc có vốn kiến thức căn bản để khuếch trương công việc làm ăn. Thực tế, bằng cấp rất cần cho việc tiến thân trong xã hội.
Làm cha mẹ nuôi con ăn học, ai cũng mong con mình học giỏi, tốt nghiệp ra trường có bằng cấp, xin được việc làm hoặc có vốn kiến thức căn bản để khuếch trương công việc làm ăn. Thực tế, bằng cấp rất cần cho việc tiến thân trong xã hội.
Tấm bằng chứng minh cho trình độ học vấn, là thước đo tầm kiến thức lĩnh hội được của một người. Người có học vị càng cao, cơ hội để có một việc làm cho thu nhập cao chiếm xác suất càng lớn. Tuy vậy, bằng cấp không phải là phương tiện duy nhất đưa con người đến thành đạt.
Ý thức được rằng đất nước ta hiện nay đang rất cần chất xám để kiến thiết, hầu hết phụ huynh thắt lưng buộc bụng, thậm chí vay mượn để con em mình được đến trường với mong muốn ít nhất qua hết bậc đại học.
Suy nghĩ và lo toan như thế là hợp với tri thức thời đại. Nhưng cũng từ suy nghĩ tích cực mà thiếu suy xét đã tạo nên những kết cục không tốt. Với những học sinh khá giỏi, đó là điều thuận lợi từ phía gia đình trong việc giáo dục và đào tạo.
Còn với những học sinh yếu kém, đã thấy được kết quả không như ý, thế nhưng các bậc cha mẹ vẫn cho con đến trường. Tại sao không hướng cho con học một nghề hợp với khả năng để mai sau vào đời dễ dàng và đứng vững?
Cách đây 4 năm, anh T. ở xóm tôi có con trai vừa thi tốt nghiệp cấp II xong. Anh T. bàn với vợ khuyên con nghỉ học phổ thông để học nghề hàn. Mọi người bảo anh gàn, anh chỉ cười. Giờ đây con anh... là tổ trưởng tổ hàn của nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin, lương tháng các khoản trên 3 triệu đồng, vừa được đi bồi dưỡng tay nghề ở Hàn Quốc về.
Anh tâm sự: “Vì trước đây quá khổ, cháu còn nhỏ mà phải giúp cha mẹ công việc làm ăn nên thời gian cho việc học không nhiều khiến cháu bị hẫng kiến thức, không tiếp thu được bài học ở những lớp sau này. Học lực của cháu như vậy nếu để cháu học tiếp chỉ phí thời gian, công sức của cháu và gia đình, chi bằng để cháu học một nghề để sau này nuôi thân. Chương trình ở nhà trường là chương trình tổng hợp kiến thức của nhiều môn, còn học nghề hàn là kiến thức mang tính chuyên sâu một nghề nên cháu có điều kiện nắm bắt và trau dồi nghề nghiệp”.
Khác với anh T., anh P. có con gái cùng học một lớp với con anh T. thi chuyển cấp không đủ điểm đậu. Anh P. cho con học hệ B. năm nào học lực cũng chỉ yếu với kém, đến khi thi tốt nghiệp THPT thì...
Anh P. an ủi con gái trước bạn bè: “Con đừng buồn, thi đậu càng tốt, rớt cũng chẳng sao. Dù rớt cũng học hết lớp 12, chẳng ai dám nói dốt. Để ba chạy bằng rồi gửi con vào TP Hồ Chí Minh ở với cô, làm thư ký cũng được”.
Còn hai đứa con của chị C. là ước mơ của bất cứ bậc cha mẹ nào. Chồng mất, một mình chị C. làm ruộng, làm thuê, nuôi con ăn học.
Đứa lớn học Đại học Kinh tế, đứa nhỏ học THPT. Mấy năm trước, con lớn của chị nghĩ gia đình nghèo, một mình mẹ làm lụng nuôi hai chị em ăn học quá khổ nên xin chị cho nghỉ học ở nhà cùng với mẹ dồn sức làm việc nuôi em ăn học đến đích.
Nhưng chị thương con học giỏi (hai con chị đều được nhận học bổng) lại biết lo cho gia đình nên cương quyết không cho con nghỉ học. Năm nay đứa nhỏ của chị thi đậu vào Đại học Sư phạm, đứa lớn tốt nghiệp ra trường. Tin rằng với tấm bằng cử nhân kinh tế loại giỏi, cháu sẽ sớm xin được việc làm, có điều kiện đáp đền ơn sâu và chia sớt gánh nặng nuôi em ăn học với mẹ.
Không ai hiểu con hơn cha mẹ. Xét thấy con cái chúng ta có học lực khá giỏi thì cố gắng dồn mọi nguồn lực cho con tiếp tục ở những bậc học cao hơn, bằng không thì hướng cho con em một nghề nào đấy hợp với khả năng để đào tạo nên người có tay nghề vững, chung sức cùng cộng đồng kiến thiết đất nước, bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình sau này được tốt.
TRẦN XUÂN THỤY (Khánh Hòa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin