Có chiều rộng chưa đầy 1m, Hẻm 4 (Khóm 2, đường Trần Phú, Phường 4- TP Vĩnh Long) là một trong những con đường có chiều ngang khiêm tốn nhất trên địa bàn tỉnh. Hẻm chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp chạy qua, có người gọi vui là “Hẻm 4 mini”.
“Thủ phạm” làm đường nước bị nghẹt: khó khăn khi khai thông đường nước bởi chuồng heo cũ chắn ngang.
Có chiều rộng chưa đầy 1m, Hẻm 4 (Khóm 2, đường Trần Phú, Phường 4- TP Vĩnh Long) là một trong những con đường có chiều ngang khiêm tốn nhất trên địa bàn tỉnh. Hẻm chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp chạy qua, có người gọi vui là “Hẻm 4 mini”.
Nhiều năm nay người dân ở Hẻm 2 và Hẻm 4 (Khóm 2, đường Trần Phú, Phường 4- TP Vĩnh Long) bức xúc vì không những đường vào khó khăn mà tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng, kéo dài.
Một số người dân trong hẻm cho biết, trước đây đường vào hẻm vừa đủ xe máy qua nhưng rồi những nhà phía trước cứ cất lấn ra “một tí” nên con hẻm bị teo tóp, hiện rất khó khăn khi có 2 xe đối đầu nhau.
Khó khăn lách chiếc xe máy vào nhà, chú Q. lắc đầu: “Đường hẻm thì nhỏ, người đi lại thì đông, qua lại rất bất tiện. Xe máy muốn vào hẻm thì phải vòng qua đi nhờ Hẻm 6, rồi vòng qua khúc cua rộng chưa đầy 2m mới vào được nhà”.
“Trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố, cũng có nghe đến việc mở rộng hẻm để phòng khi cứu hỏa, cứu thương còn vào được nhưng lâu quá sao chưa thấy thực hiện. Không may, có sự cố gì xảy ra, cả mấy trăm người không biết chạy đường nào thoát”- cô T. nói trong lo lắng.
Cô M. cho biết thêm: Hơn 1 năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. “Nhất là khi mùa mưa đến, nước trào lên, hôi thối không chịu nổi. Ăn cơm là tránh giờ cao điểm như trưa nắng nóng hoặc buổi chiều, nước thải ra nhiều. Chỉ giặt giũ, nấu ăn phía sau còn mọi sinh hoạt là ở nhà trước để tránh mùi nước thải”.
Theo cô Đống Thị Đẹp- tổ trưởng Tổ 32, Hẻm 2: Phía trong, cạnh đường ống thoát nước, nước cống đã trào lên chảy thành dòng trước cửa nhà của nhiều hộ dân. “Một số chỗ đã đóng rong, người lớn hay trẻ em đi không cẩn thận là trợt té liền. Vài tuần trước, người của Công ty Cấp nước Vĩnh Long có đến khảo sát, đào lên nhưng không tìm thấy nguyên nhân trào nước. Đến nay, nước trào lên càng nhiều mà chưa thấy công ty quay lại hay trả lời”- cô Đẹp nói.
Chung cảnh ngộ, đối diện sau lưng Hẻm 4, người dân Hẻm 2 cũng chật vật với “đời sống hẻm nhỏ” vì 2 hẻm này chung 1 đường thoát nước. Nước sinh hoạt từ 2 con hẻm thải ra bị bí đường thoát nên người dân đành chịu cảnh sống chung với… nước thải.
Dẫn chúng tôi xem dòng nước thải đen ngòm, đang nổi bọt, cô T. nói: “Đó, nước thì dơ nhưng không thoát ra được. Có chủ hộ trước xây chuồng heo nằm đè lên con hẻm thoát nước này. Rác thải có kẹt lại cũng không móc được. Chủ cũ dời đi rồi nhưng chuồng heo vẫn còn nằm ì ở đó, gây khó khăn cho người dân”.
Chỉ vào đường nước đang chảy nước đen thui đang trào lên cạnh nhà, cô Tám ở Hẻm 2 nói: “Đường dẫn nước sinh hoạt thì xuống cấp, mùa mưa là ngập suốt, bốc mùi hôi thối khó chịu”. Vừa nói cô Tám vừa hướng mắt sang nhà kế bên: “Tội nghiệp, nhà đó có con nít mà bị ngập hoài hà. Mùa mưa còn khổ hơn, nước ngập lội lủm bủm tới mắt cá chân. Nhà tôi mới nâng thêm hơn 1 tấc mà cũng mấp mé ngập”.
Không chỉ bị ô nhiễm, đường vào Hẻm 2 cũng lắm “gian nan”. Song, đỡ hơn Hẻm 4, Hẻm 2 có đường vừa một chiếc xe máy, nếu có chiếc chạy ngược chiều thì phải tìm chỗ tránh một đoạn khá xa hoặc lách qua rất khó khăn. Bên cạnh đó, đường Hẻm 2 còn thường xuyên bị xuống cấp. Người dân trong hẻm đã phải nhiều lần góp tiền vá hẻm.
Nhà ngay khúc quanh, cô Tám cho biết: “Lúc trước chỗ này đụng xe hoài, ai không quen là bị ngã liền. Bây giờ quen rồi, 2 chiếc ráng luồn lách qua. Đường đan thì hụp lên hụp xuống nên muốn ra lộ lớn những người ở đây thường chạy đường vòng khoảng 500m mới ra tới lộ lớn”.
Hẻm 4 quá hẹp, gây khó khăn cho bà con sống trong hẻm.
Là người đứng ra góp tiền sửa đường Hẻm 2, chú Trần Văn Sáu cho biết, hơn 15 năm nay đường hẻm này xuống cấp rất nhiều lần, người dân trong hẻm tự góp tiền lại sửa nhưng cũng không được bao lâu lại hư tiếp, cứ chắp vá hoài.
Cạnh đó, chú Ly tâm sự: “Dân ở đây nâng niu đường lắm, hư là góp công, góp của sửa liền. Tôi chỉ mong là được sửa đường đi cho dễ, thông ống nước cho thoáng để bà con thuận tiện đi lại. Cho mấy đứa con nít đi học an toàn không bị ảnh hưởng sức khỏe”.
Song, theo ghi nhận, nguyên nhân nước thải thoát không được còn có sự “góp mặt” của bọc ny-lông, vỏ trái cây, vỏ bánh kẹo… Chính những hành vi xả rác thiếu ý thức của một số người dân đã vô tình làm tăng sự ô nhiễm, ảnh hưởng đến 2 con hẻm.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có biện pháp giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường và có kế hoạch nâng cấp đường hẻm để người dân thuận tiện đi lại, sinh hoạt. Và trong khi chờ chính quyền địa phương đến giải quyết, người dân cần tự giác giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi, đảm bảo cho môi trường xanh- sạch- đẹp hơn.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin