"Còn sức còn làm từ thiện"

09:03, 01/03/2013

Nói đến chú Nguyễn Văn Chính (Chín Liêm) và cô Nguyễn Thị Thanh Vân (Bảy Vân) ở nhà số 144A, Nguyễn Huệ, Phường 2- TP Vĩnh Long, nhiều cán bộ công đoàn và người dân ở Phường 2 đều biết vì thành tích làm công tác xã hội.

Nói đến chú Nguyễn Văn Chính (Chín Liêm) và cô Nguyễn Thị Thanh Vân (Bảy Vân) ở nhà số 144A, Nguyễn Huệ, Phường 2- TP Vĩnh Long, nhiều cán bộ công đoàn và người dân ở Phường 2 đều biết vì thành tích làm công tác xã hội.

Cô Vân đang chiên bánh xèo và đàn heo đất từ thiện (ảnh nhỏ).


Chú Chính nguyên là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cửu Long đã về hưu năm 1991, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 2.

Còn cô Vân, vợ chú vốn công tác Hội Phụ nữ TX Vĩnh Long cũng đã về hưu, hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Phường 2, Ủy viên Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh.

Tuy đã vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng khi có thông tin hoạt động xã hội từ thiện nào của phường, của tỉnh đến tai là cô chú luôn hết lòng hết sức đóng góp để hỗ trợ. Không chỉ đóng góp bản thân cô chú còn vận động người thân và bà con trong khu phố cùng tham gia. Đến nay danh sách nhà hảo tâm mà cô chú vận động đã trên 40 người.

Trong căn nhà nhỏ đối diện sân vận động tỉnh, vừa làm nơi buôn bán, vừa làm nơi sinh sống, vừa chiên bánh xèo, vừa lặt rau, tay luôn tay, miệng liền miệng, cô chú kể cho chúng tôi nghe những trăn trở bước đầu để đến với công tác xã hội- từ thiện: Sau khi về hưu, được cán bộ trong khóm, trong phường vận động tham gia các hoạt động của địa phương, cô chú tham gia liền.

Rồi năm 1997, trong một chuyến thăm người già, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh ở xã Hòa Phú, lúc ấy còn hoang sơ lắm, sình lầy, cỏ lau mọc cao hơn đầu người, đường ra vào rất vất vả, cô chú ủng hộ ngay 500.000đ (500.000đ lúc ấy giá trị lớn lắm) và vận động nhiều người cùng tham gia đóng góp để có con đường vào thăm người già, trẻ mồ côi trong ấy.

Sau chuyến thăm ấy, 5- 6 ngày trời cô cứ trăn trở không ngủ được. Câu hỏi làm sao để giúp người nghèo khó, người già cô đơn, trẻ mồ côi cứ lởn vởn trong đầu cô, trong khi lúc ấy cô chú chỉ sống bằng đồng lương hưu? Sau nhiều đêm trằn trọc, cô bàn với chú mở quán bán bánh xèo (món ăn mà cô vừa thi đạt giải cấp tỉnh) để lấy đồng lời làm công tác từ thiện.

Thế là quán bánh xèo Nam Bộ ở Phường 2 ra đời. Lâu ngày cô mở rộng thêm các món bún xào, bún bì, bánh cuốn. Rồi mùa tết, lễ lộc, đám tiệc nhà người quen đặt làm thêm các thứ bánh mứt, dưa kiệu, dưa chua, bì… cô đều sẵn sàng làm để có thêm đồng lời.

Được bao nhiêu tiền lời cô chú đem bỏ ống heo đất. Heo to mỗi năm khui một lần để góp vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tổ nấu cơm cháo từ thiện của thành phố, của tỉnh. Còn một bầy heo nhỏ thì khui để giúp vốn người nghèo hoặc giúp đột xuất.

Chú thì ngoài việc phụ giúp cô buôn bán, còn bơm hơi xe đạp, bao nhiêu tiền có được chú cũng bỏ chung vào các ống heo.

Đến nay cô chú đã có trên 15 năm làm công tác xã hội- từ thiện. Số tiền mà cô chú và các Mạnh thường quân đóng góp trực tiếp, qua Hội Người tù kháng chiến, Hội Người cao tuổi Phường 2 đã trên 200 triệu đồng. Chỉ riêng hỗ trợ học bổng giúp trẻ em vượt khó đã là 21 triệu đồng.

Hàng quý, cô chú còn nhận đỡ đầu hỗ trợ học bổng cho 2 học sinh vượt khó của phường 360.000 đ/quý, các tổ cơm cháo của bệnh viện thành phố, tỉnh 150.000 đ/chỗ/quý.

Đầu năm học vừa rồi, cô chú cũng vừa tặng cho 1 học sinh khó khăn của Phường 1 xe đạp trị giá 1 triệu đồng để làm phương tiện đến trường, hỗ trợ cho 1 chị bán vé số trong phường quá khó khăn 1 triệu đồng để làm vốn buôn bán, sinh nhai.

Khi người người đang tất bật trang hoàng mua sắm tết thì cô chú lại tất bật vận động các Mạnh thường quân đóng góp gạo đường, mắm, muối, bánh mứt... để hỗ trợ người nghèo ăn tết. Danh sách mạnh thường quân cứ một dày lên, danh sách người nghèo được hỗ trợ cứ ngày một nhiều thêm theo con số mà cô chú vận động được.

Tôi liếc nhìn vào sổ ghi chép của cô chú, cứ mỗi đợt tết, trung thu cô chú vận động từ 20- 30 triệu đồng hỗ trợ. Con số đóng góp cũng cứ tăng dần từ 2.000đ, 3.000đ những năm 1997, 1998 đến nay đã lên con số chục, số trăm.

Không chỉ vận động bên ngoài, cô chú còn vận động các con của mình tham gia công tác từ thiện. Bởi cô chú luôn tâm niệm mình xuất thân nhà nghèo. Đến nay tuy chỉ mới tạm đủ sống thôi nhưng người từng nghèo mới cảm nhận hết cái nghèo nên cô chú luôn dạy cho con cháu phải biết thương yêu, giúp đỡ mọi người:

“Chúng ta may mắn ấm no

Nhín ra một chút để cho người nghèo

Dạy con dạy cháu nghe theo

Giúp người gặp khó, không nghèo đâu con”

Ghi nhớ lời dạy của mẹ cha, 3 trong 4 đứa con của cô chú khi có việc làm ổn định đều ủng hộ việc làm của cô chú, tích cực tham gia đóng góp giúp đỡ người nghèo nơi các cháu sinh sống, một phần gửi về quê hương.

Trong niềm hãnh diện, cô chú khoe với chúng tôi, tết năm 2012 con trai của cô chú đã vận động 100 phần quà trị giá 23 triệu đồng, nuôi heo đất được trên 10 triệu đồng để giúp cho bà con nghèo xã Đồng Phú (Long Hồ). Đúng là:

“Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức ho con”

Với những thành tích đó, hàng năm cô chú đều được các hội, đoàn thể phường khen tặng thành tích xuất sắc. Không chỉ vậy, tường nhà cô chú đầy những huân chương kháng chiến, huân chương quyết thắng, huy chương này, bằng khen nọ, không sao đếm hết.

Chú nay đã trên 50 tuổi Đảng, cô gần 40 tuổi Đảng. Điều mong ước lớn nhất của cô chú chính là có sức khỏe để tiếp tục buôn bán, mong mua may bán đắt để có tiền bỏ ống làm công tác xã hội, giúp người nghèo vượt khó.

Trân trọng biết bao những tấm lòng như thế!

Bài, ảnh: THANH THỦY (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh