“Cây nhân đạo”, nghe có vẻ mới lạ và khó hiểu. Thực tế khi đến huyện Cầu Kè (Trà Vinh), hiểu được mục đích, ý nghĩa và cách làm của những người tâm huyết với công tác chữ thập đỏ ở nơi đây, tôi càng thêm trân trọng những tấm lòng.
“Cây nhân đạo”, nghe có vẻ mới lạ và khó hiểu. Thực tế khi đến huyện Cầu Kè (Trà Vinh), hiểu được mục đích, ý nghĩa và cách làm của những người tâm huyết với công tác chữ thập đỏ ở nơi đây, tôi càng thêm trân trọng những tấm lòng.
Đây là một cách làm mới, một bước sáng tạo trong công tác vận động, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái từ cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ huyện Cầu Kè từ năm 2011 đến nay. Thông qua phong trào này, đã giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong việc điều trị bệnh, cứu trợ gia đình thiếu hụt lúc khó khăn…
Anh Trương Văn Thức (phải) bên cây dừa “nhân đạo” cùng anh Nguyễn Văn Guôl- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Phú Tân.
|
Hiện toàn huyện Cầu Kè hiện có 462 “cây nhân đạo”, nhiều nhất là ở xã Phong Phú với 158 cây. Thực ra cây nhân đạo là cách vận động từ cộng đồng đóng góp hàng năm. Rất đơn giản. Người dân tự nguyện lựa chọn trong vườn nhà mình bất kỳ loại cây nào có khả năng cho thu hoạch, bán được trái để đăng ký.
Sau đó, tổ chức chữ thập đỏ địa phương gắn bảng “Cây nhân đạo” lên để mọi người biết đây là cây đã được gia đình hiến tặng làm từ thiện. “Cây nhân đạo” có thể là dừa, mít, nhãn, xoài… Từ mỗi gốc cây đăng ký, gia đình sẽ đóng góp vào quỹ từ thiện 100.000 đ/năm, dù số tiền bán trái thu được trong năm có thể cao hoặc thấp hơn.
Từ nguồn quỹ “Cây nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ huyện đã kịp thời giúp đỡ được hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn như: bà Thạch Thị Khiêm, Thạch Thị Thanh; Thạch Thị Khem, Nguyễn Thị Dung; ông Thạch Xơ,… ở xã Phong Phú kịp thời chữa bệnh, có gạo ăn trong những ngày mưa bão không đi làm nên không có tiền…
Cách làm này xuất phát từ ý nghĩ ấp ủ bấy lâu của anh Nguyễn Văn Quý (Ba Quý)- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cầu Kè. Làm công tác Hội Chữ thập đỏ nhiều năm, anh Quý nghĩ: “Hội Chữ thập đỏ phải đổi mới cách vận động, chứ cứ đến đợt thiên tai, lũ lụt, hay có những hoàn cảnh cần trợ giúp thì mới đi xin, đi vận động thì vừa trễ, vừa khó. Từ đó mà nghĩ ra được cách vận động nguồn lực từ địa phương: mô hình cây nhân đạo”.
Bước đầu anh Ba Quý đến gặp Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ từng xã để bày tỏ ý nghĩ của mình. Đến kỳ hội nghị BCH Hội Chữ thập đỏ huyện năm 2011, anh Ba Quý công bố ý tưởng và cách vận động. Bước đầu, nhiều cán bộ hội từ huyện đến xã còn e dè. Chỉ có anh Nguyễn Văn Guôl- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Phú Tân là đồng tình hưởng ứng thực hiện trước.
Anh Guôl tự tin nói: “Khi nghe anh Quý phát động, tôi thấy mô hình này hay nên hưởng ứng ngay và tôi cũng đi tiên phong vận động trong BCH Hội Chữ thập đỏ xã. Năm 2011 vận động trong BCH được 10 cây. Khi đóng bảng “Cây nhân đạo” có nhiều người tò mò hỏi, rồi mình giải thích.
Từ đó đến cuối năm 2012, có thêm 65 hội viên tự nguyện đến đăng ký đóng bảng và góp tiền 100.000 đ/cây/năm. Có người bán nhãn một cây gần cả triệu đồng cũng tự nguyện góp hết, nhưng tôi không nhận, chỉ nhận 100.000 đ/năm. Có người góp đến 2 cây, như vậy chỉ thu 200.000 đ/năm. Hiện nay còn nhiều người kêu tôi đến đóng bảng, nhưng sau tết công việc còn nhiều, chưa làm kịp”.
Với cách làm thiết thực đó, lần lượt các xã khác đến học cách vận động từ anh Guôl rồi về áp dụng ở xã mình. Như xã Phong Phú, tuy đi sau nhưng trong năm 2012 đã nhận được 158 cây. Lần lượt tất cả các xã đều làm theo cách vận động này và đều thành công.
Đặc biệt, tại thị trấn Cầu Kè, tuy chưa triển khai mô hình nhưng cũng có 3 hộ biết được và tự nguyện góp “cây nhân đạo”. Có hộ tự nguyện góp 2 cây, có hộ thuộc diện cận nghèo cũng xin tham gia. Đơn cử như bà Đặng Thị Thẩm (ấp Hòa An, xã An Phú Tân) chuyên chèo đò ngang kiếm sống hàng ngày, nhà không ruộng, chỉ có căn nhà nhỏ và xung quanh có vài cây dừa cũng xin góp một cây.
“Tôi nghĩ, cứ mỗi lần có thiên tai hay có gia đình gặp khó khăn mới đi vận động thì khó lắm. Người đi vận động xin tiền thì e ngại, người cho thì cũng… không vui lắm. Với cách làm này, mình vừa chủ động nguồn quỹ nhân đạo, vừa được sự đồng tình cao, vì đây là tự nguyện”- anh Guôl nói tiếp.
Chú Đinh Văn Hoàn- Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp An Trại, xã An Phú Tân là một trong 10 người đầu tiên của xã và cũng là của huyện góp cây dừa đang cho trái, nói: “Lúc đầu đóng bảng “Cây nhân đạo” có nhiều người hỏi, rồi từ đó tôi vừa giải thích vừa vận động luôn. Hiện có thêm 2 hội viên kêu đóng bảng nhưng tôi chưa báo với chú Guôl. Mô hình này dễ vận động hơn là đi xin tiền mỗi khi có thiên tai. Với lại, đây là quỹ tương tế nên ai cũng được giúp khi khó khăn”.
Chú Trương Văn Thức (ấp An Trại) tham gia năm 2012, vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy ý tưởng của anh Quý rất hay. Mỗi hộ có vườn cây, có thu nhập khá tham gia góp một cây thì quỹ này sẽ rất mạnh, không chỉ để lúc khó khăn thắt ngặt, mà còn có thể giúp những hộ nghèo làm kinh tế gia đình”.
Anh Ba Quý phấn khởi chia sẻ: “Bước đầu đưa ra ý tưởng cũng ngại lắm, nhưng thấy anh Guôl vận động bước đầu thành công thì mới phấn khởi kêu gọi những xã khác đến học hỏi kinh nghiệm làm theo và từ đó đến nay phong trào ngày càng phát triển. Tôi nghĩ, mô hình này áp dụng được tất cả các nơi chứ không chỉ riêng ở huyện Cầu Kè”.
Chính nhờ hiệu quả từ mô hình, cuối năm 2012, anh Nguyễn Văn Quý (quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh cử báo cáo điển hình mô hình “Cây nhân đạo” tại hội nghị MTTQ tỉnh.
Và từ đó, Huyện ủy Cầu Kè có Công văn số 201 ngày 19/2/2013 gửi các chi- đảng bộ trực thuộc và các ban ngành huyện chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng cây nhân đạo trong toàn huyện: “… Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong vận động trồng “cây nhân đạo” để xây dựng quỹ nhân đạo ở cơ sở hội ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu nhằm chăm lo cho người nghèo, người bị thiên tai, nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật, người già cô đơn và những người khó khăn khác trong xã hội…”.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin