Tết dần trôi qua và mọi người bắt đầu công việc của một năm mới với hy vọng gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Những công nhân lao động đã chia tay với người thân, gia đình xách hành trang trở về nơi làm việc từ mùng 4- 6 tết. Ở nông thôn, bà con nông dân tiếp tục với công việc đồng áng.
Tết dần trôi qua và mọi người bắt đầu công việc của một năm mới với hy vọng gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Những công nhân lao động đã chia tay với người thân, gia đình xách hành trang trở về nơi làm việc từ mùng 4- 6 tết. Ở nông thôn, bà con nông dân tiếp tục với công việc đồng áng.
Vui xuân nhưng không quên công việc
Mới mùng 4, mọi người vẫn còn sum họp bên gia đình, vui chơi thì chị Nguyễn Thị Nhạn (Long Phú- Tam Bình) chuẩn bị đồ đạc và chia tay người thân trong sự quyến luyến để trở lên TP Hồ Chí Minh đi làm. Chị Nhạn là công nhân may giày tại Khu công nghiệp Tân Tạo.
Chị Nhạn tâm sự: Làm công nhân sống xa nhà, tết là dịp gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm cúng ông bà hay cùng với bạn bè ngao du đây đó.
Nhiều công nhân phải chia tay người thân xách hành trang trở lại nơi làm từ mùng 4 tết. |
Nhưng vì công việc mình phải sắp xếp lại thời gian vui ít hơn một tí. Năm nay, công ty khai trương vào mùng 6 tết, nên phải đi sớm cho kịp. Đến công ty gặp bạn bè làm chung, sẽ cùng nhau… đón tết thêm và vào công ty được nhận bao lì xì đầu năm, cũng thấy vui.
Chị Thủy ở cùng xã với chị Nhạn chia sẻ thêm: Tụi em là công nhân sống xa gia đình, mỗi năm chỉ về quê vài lần trong các dịp lễ, tết hay nhà có đám tiệc.
Năm nay, cũng như mọi năm, công ty khai trương mùng 6. Tuy có buồn vì chia tay với người thân, bạn bè sớm, nhưng bù lại công ty rất quan tâm nên thấy đỡ tủi thân... Và còn nhiều người cũng vì công việc, nên họ sớm “chia tay mùa Xuân” để trở lại với công việc thường ngày.
Ở nông thôn, người dân cũng bắt đầu công việc ngay từ đầu năm mới. Thường thì mỗi gia đình chọn ngày tốt (đại lợi) để chăm sóc vườn cây, đồng ruộng mong sao trúng mùa được giá. Anh Võ Văn Hường (Tam Bình) chọn mùng 3 tết ra thăm đồng và bón phân “lấy ngày”.
Anh Hường nói: Tết vui chơi nhưng không quên công việc. Ra thăm đồng một chút vậy mà thấy yên tâm vui cùng bạn bè. Chứ lo ăn tết, bỏ bê ruộng lúa để khi ra đồng thấy lúa bị sâu, rầy cắn phá thì xui cả năm luôn à nghe. Còn ra đồng thấy cây lá xanh tươi là báo hiệu năm mới được mùa sung túc.
Hy vọng nhiều may mắn
Năm mới mọi người đều mong sẽ gặp được nhiều may mắn trong công việc và trong cuộc sống. Trước tết, chị Võ Thị Trúc Lan (Hòa Ninh- Long Hồ) làm sẵn 2 bộ hồ sơ xin việc. Chị Lan bộc bạch: Tôi có bằng cao đẳng nhưng năm rồi thất nghiệp làm “nhà báo” gia đình. Học xong rồi cứ quanh quẩn ở nhà cảm giác buồn lắm.
Thấy bạn bè đi làm phụ giúp được gia đình, cuối năm xách về quà tặng người thân, mình rất thích. Năm mới này, mình quyết định lên TP Hồ Chí Minh xin việc làm và hy vọng sẽ được công việc phù hợp với chuyên môn…
Chị Huỳnh Thị Nga (An Bình- Long Hồ) cũng nôn nóng đi xin việc làm. Chị Nga tâm sự: Gia đình làm nông, vài năm gần đây cây trái thất mùa, cuộc sống khó khăn. Năm nay, mình dự định đi làm thêm phụ giúp gia đình. Mùng 9 tết tốt ngày sẽ qua Khu công nghiệp Hòa Phú xin làm công nhân và mong sẽ xin được việc làm…
Trở lại với công việc ngày thường |
Còn chị Nhạn hy vọng, năm mới công ty làm ăn thuận lợi hơn, có hàng làm thường xuyên để công nhân thu nhập ổn định và thưởng tết năm sau kha khá về còn phụ giúp gia đình. Chứ năm ngoái, công ty làm ăn gặp khó, thưởng tết chỉ mang ý nghĩa tinh thần…
Anh Võ Thành Luân làm nghề hớt tóc, không bó buộc thời gian, nhưng cũng quyết định khai trương tiệm vào mùng 9 vì “ngày tốt khai trương tiệm sẽ gặp may mắn, thuận lợi làm ăn cho cả năm”.
Bà con nông dân cũng mong năm mới mưa thuận gió hòa, cây trái trúng mùa, được giá. Anh Huỳnh Văn Tám (Hòa Ninh- Long Hồ) mới mùng 1 Tết “xông vườn” hái nhãn bán lấy tiền đầu năm.
Anh bộc bạch: Ở nông thôn người dân có quan niệm đầu năm vào tiền, cả năm đem lại may mắn cho gia đình. Hàng năm mùng 1 tết là thế nào cũng phải ra vườn kiếm “cái gì đó” bán lấy tiền đầu năm.
Mùng 1 tết năm nay cũng vậy, tôi hái hơn 100kg nhãn, vô tiền cũng gần 1 triệu đồng. Mong năm mới, cây trái ít sâu bệnh, trúng mùa được giá nhà vườn bớt khó khăn, năm sau ăn tết “hoành tráng” hơn- anh Tám cười tươi.
Tết cổ truyền của dân tộc cũng dần trôi qua, mọi người bắt đầu với công việc của năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp.
Bài ảnh: HOÀI PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin