Tinh hoa hồn Việt

06:02, 09/02/2013

Trong những giây phút cuối cùng của năm cũ, lòng người nôn nao, rộng mở, đón chờ những gì thuần khiết nhất, tốt đẹp nhất, để đón chào một năm mới. Ngay thời khắc đó, đã trở thành truyền thống, người dân trông chờ nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo địa phương bắt đầu nhiều chuyến đi thăm hỏi, chúc tết các ngành, các giới trong tỉnh.

Trong những giây phút cuối cùng của năm cũ, lòng người nôn nao, rộng mở, đón chờ những gì thuần khiết nhất, tốt đẹp nhất, để đón chào một năm mới. Ngay thời khắc đó, đã trở thành truyền thống, người dân trông chờ nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo địa phương bắt đầu nhiều chuyến đi thăm hỏi, chúc tết các ngành, các giới trong tỉnh.

Nét đẹp đó hình thành từ những lời chúc tết bằng thơ của Bác có từ 70 năm trước. Nét đẹp đó khởi nguồn sâu xa từ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt đã có tự ngàn xưa.

Từ cội nguồn văn hóa

Trong ký ức xa xưa, vào ngày đầu năm, những đứa trẻ mặc bộ đồ mới nhất, đứng khoanh tay, chúc tết ông bà, cha mẹ bằng những lời chúc đã học thuộc lòng. Ngay từ khi tập những câu nói bập bẹ đầu tiên, chúng ta đã được dạy cách chúc tết người lớn.

Rồi lắng nghe lời chúc của ông bà và nhận bao lì xì lấy hên. Từ đó, việc chúc tết đi theo suốt cuộc đời mỗi con người Việt Nam. Nó như sự hằng nhớ, như một đường dây tình cảm xuyên suốt, nhắc nhở và kết nối tình cảm ruột thịt gia đình, thân tộc, láng giềng, rộng ra đến ngoài xã hội.


 Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng Thạch Thị Phe (85 tuổi, xã Loan Mỹ- Tam Bình) và tặng quà tết cho trẻ em nghèo huyện Bình Tân.

Không người Việt nào mà không biết chúc tết. Tùy mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, mỗi vùng miền, hoàn cảnh, cá nhân… mà lời chúc có khác nhau. Nhưng điểm chung là mong ước, cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất khởi đầu một năm mới.

Đương nhiên trên thế giới, tùy vào mỗi dân tộc, người ta đều có cách chào năm mới, cách chúc mừng năm mới riêng.

Ở đó, các vị lãnh đạo quốc gia cũng có những bài phát biểu mang thông điệp đầu năm. Nhưng việc chúc tết nhân dân mình bằng những bài thơ như Bác Hồ, thì có lẽ không đâu trên thế giới này có được.

Mỗi dịp tết đến, xuân về lãnh đạo tỉnh dành thời gian đi chúc tết, tặng quà cho gia đình chính sách.Trong ảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Lực thăm hỏi gia đình chính sách ở Phường 2 (TP Vĩnh Long).

Món quà tinh thần vô giá Người dành tặng đồng bào mình, vào mỗi dịp Tết cổ truyền, đó là những bài thơ chúc tết dung dị nhưng rất đỗi thân thương, tràn đầy cảm xúc và “truyền lửa” đến từng trái tim người chiến sĩ ngoài mặt trận, từng người dân ở hậu phương.

Mỗi bài thơ không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ, mà còn là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng. Bài thơ chúc tết năm 1969 cũng là bài thơ chúc tết Người đã tự đọc- món quà cuối cùng cũng lời tiên đoán thần kỳ về con đường giải phóng đất nước trước lúc Người đi xa.

Những món quà xuân làm ấm lòng người già, người huyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh TL

Từ đó, trong truyền thống chúc tết của người dân Việt, có thêm nét đẹp được giữ mãi đến ngày nay.

Đó là mỗi dịp sắp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương thường tổ chức đi chúc tết người dân. Thêm nét đẹp xuất phát từ gốc rễ cội nguồn dân tộc, được phát huy từ trái tim lớn, sự thông tuệ của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Theo chân lãnh đạo đi chúc tết

Hạnh phúc mà không phải những ai làm báo đều có được, đó là những lần theo chân các vị lãnh đạo đi chúc tết người dân tỉnh nhà, trong dịp đầu năm mới hoặc ngay trong những thời khắc giao thừa thiêng liêng nhất.

Khi đó, chúng tôi cũng được vui lây, khi chứng kiến niềm vui của mọi người; đồng thời cảm nhận sâu sắc nhất sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà.

Trong cái tất bật lo toan chung cho tình hình kinh tế- xã hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Long vẫn không quên từng cảnh ngộ, từng con người cụ thể.

Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng, là chiến sĩ công an, quân đội, là bậc lão thành cách mạng, các nhân sĩ trí thức hay là người dân có công nuôi chứa, đùm bọc chở che cán bộ cách mạng trong kháng chiến…

Điều này, thể hiện rõ ràng đạo lý, truyền thống đầy tính nhân văn của dân tộc. Ngày tết, ngày vui rộn rã khắp mọi nơi nên không thể để có những gia đình thiếu gạo, những em bé thiếu quà xuân. Đó chính là ước muốn lớn nhất của mỗi vị lãnh đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Diệp thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long vào chiều 30 tết. Ảnh: PHƯỢNG NGÂN

Còn nhớ, cái tết gần đây nhất cũng là một năm “chẵn” tính theo âm lịch, đó là năm “con rồng vàng” Nhâm Thìn 2012.

Chiều 30 tết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp đã đến thăm và chúc tết cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đến thăm và tặng quà cho 299 bệnh nhân còn đang điều trị tại bệnh viện và không thể về quê đón tết.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng bé gái sinh vào đúng thời khắc giao thừa năm Nhâm Thìn 2012. Ảnh TL

Ấn tượng khó quên đối với chúng tôi là mùng 1 Tết Nhâm Thìn, được theo đoàn của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm và chúc tết Ban Giám đốc, tập thể y- bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Chúc mừng những công dân đầu tiên trong năm, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho 4 cháu bé sinh vào thời khắc giao thừa đồng thời chúc mừng gia đình và các cháu năm mới sức khỏe, hạnh phúc.

Đây là lần thứ hai Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh dành thời khắc đặc biệt nhất trong năm vào bệnh viện chúc mừng những công dân mới của đất nước.

Giờ đây, một năm cũ sắp kết thúc. Trong không khí chuyển mùa chớm lạnh, gió xuân lao rao thổi trên mặt sông, len lỏi vào từng góc phố, nẻo quê, lòng người cũng nao nao chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới.

Chúng ta lại có dịp cùng nhau, nhìn lại thành quả của một năm nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, để cùng hướng đến một năm mới với những quyết năm mới, trước những vận hội và thách thức mới.

Và thêm một cái tết lại đến, chúng tôi lại vinh dự theo chân các đồng chí lãnh đạo đi chúc tết quân, dân tỉnh nhà- một việc làm thể hiện chiều sâu văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: THUẦN QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh