Chúng ta nên hiểu sân chơi ở hàm nghĩa rộng, để thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của nó đối với trẻ em. Việc vui chơi, vận động, tham gia những hoạt động thể chất và trí tuệ là quá trình góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách cho trẻ ở giai đoạn vô cùng “nhạy cảm” này.
Hồn nhiên.
Chúng ta nên hiểu sân chơi ở hàm nghĩa rộng, để thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của nó đối với trẻ em. Việc vui chơi, vận động, tham gia những hoạt động thể chất và trí tuệ là quá trình góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách cho trẻ ở giai đoạn vô cùng “nhạy cảm” này.
Trong điều kiện hiện nay, TP Vĩnh Long cũng đã có được một số sân chơi đáng ghi nhận.
Thăm những sân chơi của trẻ
Cuối tuần, khu vui chơi “Bé và bạn” tại tầng 2 Siêu thị Co.op Mart Vĩnh Long có đông khách đến vui chơi vì đáp ứng được yêu cầu về sân chơi vừa an toàn vừa văn minh, lịch sử, sạch sẽ có thể kích thích khả năng cho trẻ là điều các bậc phụ huynh quan tâm.
Tại đây, trẻ có thể tham gia rất nhiều trò chơi, từ vận động đến tư duy, như trò chơi nhà nhún tung hứng; trò chơi Tarzan, cầu trượt, chui ống, chơi cát hiện đại, nhà banh, nhà vờn bóng, xếp hình, gắn chữ, xem phim, vẽ tranh, tô tượng, xếp hình Lego... Tất cả trò chơi đều có màu sắc dễ thương, thân thiện, các bé thỏa sức vận động, phản ứng nhanh.
Giá vé là 40.000 đ/bé có kèm theo người lớn. Vào đây chơi thỏa thích đến khi nào “chơi hổng nổi thì ra”. Chị Đặng Thị Bình (Phường 4- TP Vĩnh Long) dõi mắt nhìn con gái Tuyết Lan (27 tháng) nhỏ xíu, lọt thỏm trong “rừng banh” đầy màu sắc.
Bé lấy banh thảy lên cao, cười nứt nẻ khi có nhiều bạn đến chơi cùng. “Bé Lan vào đây chơi cũng 2 tháng rồi, mê lắm nên tuần nào chị cũng dẫn đi. Có chỗ chơi cho con vận động, con còn nhỏ mình đi theo trông chứ khoảng 2 năm nữa tự chơi một mình được rồi” chị Bình vui vẻ nói.
Miệng cười tươi rói, mồ hôi lem nhem trên mặt, thở hổn hển Minh Trí (8 tuổi) cho biết: “Mẹ Hạnh cho anh em con vô đây chơi rồi về nhà làm công chuyện, 2 tiếng sau mẹ rước. Vô đây tụi con chơi hết trò chơi luôn. Vui lắm!” Chị Bảo Anh (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: Hôm nào có thời gian, chị vào chơi cùng con, còn không thì chị tranh thủ đi mua sắm, nhờ nhân viên tại đây trông trẻ giúp.
Những trang sách vui tươi giúp tâm hồn trẻ thơ rộng mở hơn.
Không khí nhà sách Fahasha thật nhộn nhịp không kém bởi có khá đông phụ huynh và các em nhỏ đến xem và tìm mua sách. Các em đứng ngồi ken cứng gian hàng đặt những kệ truyện tranh. Có em ngồi bệt xuống sàn nhà, đọc truyện say sưa, thi thoảng cười phá lên thích thú.
Đọc “Thần đồng Đất Việt”, em Nguyễn Ngọc Lan (9 tuổi, Trường Tiểu học Nguyễn Du) tủm tỉm: “Con ghiền hết Trạng Tí, Sửu ẹo, Cả Mẹo, Dần béo nhưng mắc cười Trạng Tí nhất, thông minh lắm. Nhiều khi con ngủ mơ thấy mấy nhân vật này nữa đó”. Bên những trang sách vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi, tâm hồn các em rộng mở hơn và giúp các em yêu thương cuộc sống này hơn.
Sáng cuối tuần, lớp học vẽ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long có khá đông các bạn nhỏ theo học. Đưa bé Huy Bình (6 tuổi) vào lớp vẽ, chị Huy Thùy cho biết: “Cháu ở nhà mê vẽ lắm, vẽ đầy tường, đầy tập ra đó. Đi học thì thôi, về nhà lại hí hoáy đem bút chì màu, giấy ra vẽ rồi hỏi vẽ khủng long sao, vẽ nhà, vẽ công viên… Chị thấy vậy nên đưa bé đi học cho có căn bản và để thỏa niềm đam mê vẽ của bé”.
Những hộp bút chì màu, giấy vẽ, màu nước, cọ, bút chì,… được các em để đầy bàn. Có bé vẽ con vật, bé vẽ hoa lá, bé vẽ cảnh vui chơi, bé vẽ thiên nhiên,… Các em thỏa sức vẽ theo những sáng tạo còn ngây thơ, trong sáng của mình. Vẽ xong, các em loi nhoi: “Cô ơi, chấm điểm cho con”, “Cô ơi, con tô màu con thiên nga này được chưa”,…
Họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng cười tươi: “Tiếp xúc với trẻ con mình thấy tâm hồn vui trẻ. Các bé hồn nhiêu, tíu tít bên tai. Mấy em mới bắt đầu học, mình dạy các nét vẽ cơ bản, tô màu sao cho đẹp. Qua lớp học vẽ này, nhiều em bộc lộ được năng khiếu, đi thi rinh được nhiều giải thưởng lớn ở tỉnh, khu vực và cả quốc tế luôn đó”.
Em Hồ Ngọc Lan Như (12 tuổi) đã rinh về giải đặc biệt cuộc thi vẽ tranh “Cùng cô gái Hà Lan xây dựng sân chơi kỳ diệu” do Vụ GD- ĐT phối hợp với Công ty Friesland Campina Việt Nam tổ chức trao tặng giải thưởng trị giá 400 triệu đồng. Lan Anh bắt đầu học vẽ từ năm 4 tuổi và đây là giải thưởng vẽ tranh lớn nhất mà Lan Như đã nhận được.
Lan Như “phóng cọ” vẽ “sân chơi diệu kỳ”. Ảnh: TL |
Bé học vẽ.
Từ những sân chơi bổ ích, các “thiên thần nhỏ” thỏa sức vận động, vui chơi và trải nghiệm những bộ môn năng khiếu cũng như được hưởng trọn vẹn niềm vui tuổi thơ.
Tạo nhiều sân chơi cho trẻ
Khi chúng ta tạo cho trẻ nhiều sân chơi đa dạng phong phú, hấp dẫn thì có thể an tâm phần nào trước những tệ nạn xã hội. Do đó, sân chơi không chỉ là những khu trò chơi đơn thuần như: máng trượt, đu quay… ở những công viên.
Nó cần phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa ở những nơi công cộng, khu nhà tập thể hay ngay trong chính nhà mình. Nhưng quan trọng hơn cả, là ở các trường học tiểu học, vì đó là nơi mà các em “gắn bó” trong hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Trẻ em vui chơi tại khu “Bé và bạn”.
Đối với địa bàn thành phố, sân chơi càng trở nên bức thiết, khi không gian bị bó hẹp vì những công trình kiến trúc, lại có nhiều “thú vui” dễ lôi cuốn trẻ sa đà vào những đam mê không lành mạnh. Chúng ta không thể “ngồi yên”, rồi than thở sao trẻ em cứ “cắm mặt” vào những trò chơi điện tử suốt ngày không chán, hay trẻ em tụ tập la cà vào những cuộc vui vô bổ và có hại.
Về phía gia đình, thường mỗi ngày cha mẹ đưa trẻ đến trường, rồi đi làm đến chiều, loay hoay bữa cơm tối, đến giờ trẻ học bài, người lớn xem tivi và… ngủ. Những người lo làm ăn, buôn bán thì… bận quanh năm, nhiều người nghĩ chỉ cần chu cấp đầy đủ tiền bạc là xong. Đến dịp cuối tuần, nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đúng mức khoảng thời gian quý giá này để cùng “chơi” với trẻ. Do đó, trẻ em nhiều lúc cảm thấy lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình.
Trường học thì có rất ít sân chơi đủ tiêu chuẩn. Sau những giờ học kéo dài, sân chơi chính là khoảng thời gian xả đi những căng thẳng, để trẻ nạp lại năng lượng, giúp tinh thần phấn chấn, để dễ dàng tiếp thu những bài học mới. Những lúc này, sân chơi chỉ cần là một bãi cỏ, hàng ghế, khoảng sân đủ rộng, dưới những bóng cây râm mát… là đủ.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ rộng hơn, đòi hỏi sự đầu tư có chiều sâu, chính là những nhà quản lý. Rất cần thiết một nhà hát, một rạp phim dành riêng cho trẻ. Những lớp “học mà chơi”, để phát huy năng khiếu, trí tuệ, vừa phát hiện tài năng vừa làm phong phú tâm hồn trẻ em. Mà nhiều việc chỉ cần quan tâm tổ chức, hơn là đòi hỏi về vấn đề kinh phí.
Trong hoàn cảnh chung còn nhiều khó khăn, cần có sự hợp sức của toàn xã hội, thì chúng ta cũng nên ghi nhận sự nỗ lực của những cá nhân, tổ chức đã mạnh dạn đứng ra tạo một số sân chơi cho trẻ em hiện nay. Rất cần có sự ưu tiên, khuyến khích để TP Vĩnh Long chúng ta có thêm nhiều sân chơi bổ ích như thế.
Riêng đối với các cấp chính quyền, trong quy hoạch thành phố, thị xã, thị trấn xin đừng quên “sân chơi cho trẻ em” ở những nơi thuận tiện và tốt nhất.
Bài, ảnh: THÂN NGHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin