Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chúng tôi vi vu thăm những làng nghề để hòa nhịp cùng người lao động đang hối hả mang đến những sản vật đặc sắc đón xuân.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chúng tôi vi vu thăm những làng nghề để hòa nhịp cùng người lao động đang hối hả mang đến những sản vật đặc sắc đón xuân.
Bánh tráng cù lao Mây đón nắng
Đến thị trấn Trà Ôn, chúng tôi ghé thăm làng nghề bánh tráng nem đặc sản của cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn). Không khí tết ở đây dường như đến sớm hơn. Hàng trăm vỉ bánh tráng trắng muốt đón nắng xuân, nằm cặp hương lộ.
Bánh tráng cù lao Mây đem lại thu nhập cho phụ nữ nông thôn. |
Từ khi được công nhận làng nghề năm 2009, bánh tráng cù lao Mây càng mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”.
Chú Lê Văn Hoàng- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bánh tráng cù lao Mây cho biết, theo các vị cao niên, bánh tráng xuất hiện ở cù lao Mây hơn 100 năm.
Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh tết. Sau đó, bánh ngon, nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng nên các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bình thường làng nghề có khoảng 20 hộ, dịp tết lên tới 80 hộ sản xuất.
Trên bếp lò chuyên dụng bằng đất đỏ rực lửa trấu, chiếc nồi lớn nước sôi ục ục ở dưới khuôn vải tròn căng. Chị Nguyễn Thị Bích Thuận tay múc bột bằng gáo dừa trải đều trên khuôn. Sau ít giây, chị dùng một thanh tre cật dài cỡ 40 tấc, để luồn dưới bánh đưa lên tấm vỉ đan bằng lá dừa.
Độ 5 miếng bánh trên một vỉ, đều tăm tắp, không rách, mịn màng, được em gái- chị Nguyễn Thị Bích Tuyền đem phơi nắng. Nắng gắt chừng nửa giờ, nghe tiếng bánh kêu lốp bốp là biết bánh đủ nắng, bán được. Cứ 3 giờ khuya đến 4 giờ chiều là được hơn 600 bánh. Vào mùa tết thì “nhà nhà đều sáng đèn, tráng bánh từ lúc nửa đêm”.
Chị Tuyền tâm sự: "Tráng bánh hơn hai chục năm, riết quen, ngày nào không làm thấy buồn tay, buồn chân lắm. Kiếm lời khoảng 2- 3 triệu đồng/tháng". Dịp tết, nhiều người đi phơi bánh, tráng bánh mướn cũng được từ 70.000- 100.000 đ/ngày.
Ngoài những loại như bánh tráng nem, bánh ngọt, bánh nướng dừa béo, nhiều hộ còn sáng chế nhiều loại mới như bánh tráng gừng, củ dền, nướng tôm khô,… Theo các hộ làm bánh, năm nay đường sữa, mè, tăng 10%; giá trấu tăng 10.000 đ/bao nên giá bán tăng khoảng 20% so năm ngoái nhưng thị trường vẫn hút hàng.
“Nhờ được hỗ trợ máy cắt bánh tráng và máy hút chân không, bánh tráng cù lao Mây đã đi xa hơn”- chú Lương Văn Thông nói. |
Chú Lê Văn Hoàng cho biết, với nguồn vốn của chương trình khuyến công gần 70 triệu đồng trang bị cho HTX máy cắt bánh và máy đóng gói hút chân không; nguồn vốn của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ xã viên máy xay điện.
HTX còn xây dựng dự án đầu tư 100 triệu đồng hỗ trợ xã viên chuyển đổi từ quy mô hộ gia đình sang quy trình sản xuất sạch, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, tiếp thị đưa sản phẩm vào siêu thị, nhà hàng, các điểm du lịch trong vùng…
Ngọt ngào mứt tết
Chạy dọc vào con hẻm nhỏ thuộc Khóm 2 thị trấn Cái Vồn (Bình Minh) những ngày đầu tháng 11 âl, chúng tôi không khỏi xuýt xoa khi thấy những thau mứt me vừa sên xong được phủ một lớp vải the trắng lốp, trong đó từng trái me vàng hực, tươm mật vàng trong veo “tắm” nắng trước thềm xuân.
Mứt me ở thị trấn Cái Vồn. |
Khoảng sân rộng của cơ sở sản xuất mứt me Minh Đăng đã dành chỗ phơi nắng cho những thau mứt me vừa sên xong.
Ở góc nhỏ, sau khi me được ngâm muối khoảng vài tiếng, có nhóm chị em ngồi bóc vỏ. Nhìn chiếc dao lướt thoăn thoắt trên các trái me, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ tay nghề của các chị.
Đầu tiên trái me được rọc 1 đường sống lưng, rồi lách dao về 2 phía của trái me theo hình xoắn ốc. Chỉ thoáng cái trái me được thay lớp vỏ sần xám bên ngoài, giữ trái me xanh vàng, tròn trịa mà không gãy.
Chị Bé Hai (thị trấn Cái Vồn) vẫn điêu luyện trên những trái me, cười chất phác: “Mần riết quen hà, tui mần cả chục năm rồi. Bóc vỏ, xăm me cũng phải học vài ngày. Gần tết mần me ngày kiếm trăm ngoài, có tiền mua sắm tết cho con”.
Lấy cái vá “tắm đường” cho me, cô Bùi Thị Thu Ba (chủ cơ sở) cho biết: “Dù mỗi cơ sở có bí quyết riêng nhưng để làm mứt me ngon, giòn, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, đảm bảo vệ sinh phải mất gần nửa tháng cho các công đoạn lột vỏ, xăm me, ngâm muối, ngâm đường, sên me.
Me sên xong đem phơi khoảng 2 ngày nắng. Phơi me cũng cực lắm nghen, me vừa khô đường thì phải cho me ngậm đường để trái được mướt…”
Cô học nghề làm mứt từ bà ngoại. Cứ mỗi dịp tết về thì đám cháu như cô cứ tíu tít quanh ngoại bên những bếp lò, bên những thau mứt phơi dưới nắng, mà thèm. Rồi cô xin ngoại cho làm thử. Ngoại tận tình truyền cái sự khéo cho đám cháu gái. Có gia đình riêng, cô làm những món mứt me, mứt mãng cầu bán ở chợ quê.
Cô Thu Ba tâm sự: Giờ đây, hàng năm cơ sở mứt me Minh Đăng của cô cùng mứt me cô Tuyết, Liên Chinh, Tấn Phát,… và hàng chục cơ sở mứt ở thị trấn Cái Vồn, xã Thuận An đã đem hương tết ngọt ngào phục vụ thị trường ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh trên 10 tấn mứt.
Rộn ràng làng chiếu Thanh Bình
Đến cơ sở dệt chiếu Phước Tiến (ấp An Khê, xã Thanh Bình- Vũng Liêm), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cọng lác nhuộm đầy màu sắc đỏ, xanh, vàng, tím… phơi dọc khoảng sân rộng. Đi vào trong, chúng tôi nghe tiếng máy dệt chiếu lách cách và không khỏi trầm trồ những đôi tay thoăn thoắt dệt chiếu của chị em lành nghề.
Những cọng lác đầy màu sắc, qua bàn tay khéo léo của người lao động sẽ tạo nên manh chiếu đẹp. |
Cô Nguyễn Thị Dưỡng- chủ cơ sở dệt chiếu Phước Tiến cho biết, chiếu dệt có nhiều loại, đủ màu sắc. Hiện cơ sở có 17 nhân công, với 12 chiếc máy dệt, mỗi ngày dệt hơn 100 sản phẩm. Theo cô, những sợi lác mang về phơi vài ngày rồi chẻ nhỏ, nhuộm màu, rồi phơi lại lần nữa trước khi dệt.
Để có 1 chiếc chiếu đẹp cần phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ và lòng yêu nghề của người lao động. Tay đều đặn đưa những cọng lác vào máy, chị Nguyễn Thị Kiều Duyên (ấp Lăng) tâm sự: "Làm ăn sản phẩm, ai quen tay dệt mau, ngày dệt được chục chiếc, được 100 ngàn, cũng đủ phụ hợ với ổng lo cho con ăn học".
Theo ông Ngô Minh Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình: “Bà con ở xã sống đa số bằng nghề lác và chiếu chủ yếu dệt bằng tay nên hiệu quả không cao do 2 người một ngày chỉ dệt 1 cặp chiếu.
Hướng tới, xã sẽ chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập thể; triển khai thành lập các tổ hợp tác và HTX dệt chiếu để mặt hàng không những tiêu thụ trong nội địa mà còn xuất khẩu”.
Sự giản dị, chân phương của những làng nghề ở Vĩnh Long cứ lặng thầm đan vào cuộc sống, đem đến những sản vật tết thắm đượm tình thân đến cho mọi người, nối dài cho đến hôm nay và tương lai.
Vĩnh Long hiện có 23 làng nghề, với khoảng 50 loại hình. Ước khoảng 15% hộ nông thôn tham gia, giải quyết việc làm trên 20.000 lao động. Hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ làng nghề,… Theo định hướng 2011- 2015 và tầm nhìn đến 2020, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn có sự hỗ trợ của Nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với các cụm, các khu dân cư có ngành nghề sản xuất tập trung,… |
Bài, ảnh: QUYÊN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin