Dân giàu thì nước mạnh- như một lời khẳng định từ bao đời nay trong xây dựng và phát triển đất nước. Công tác xóa đói, giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội mà tỉnh Vĩnh Long thực hiện thời gian qua, đã giúp đỡ hàng ngàn hộ cuộc sống khó khăn vươn lên thoát nghèo là một minh chứng về việc làm tràn đầy lòng nhân ái.
Dân giàu thì nước mạnh- như một lời khẳng định từ bao đời nay trong xây dựng và phát triển đất nước. Công tác xóa đói, giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội mà tỉnh Vĩnh Long thực hiện thời gian qua, đã giúp đỡ hàng ngàn hộ cuộc sống khó khăn vươn lên thoát nghèo là một minh chứng về việc làm tràn đầy lòng nhân ái.
Thời gian qua, lao động nông thôn nghèo được hỗ trợ học nghề miễn phí, được giới thiệu việc làm cũng là cách giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Nhiều người nghèo được trao “cần câu”
Chuyến phà cuối năm đưa chúng tôi qua sông Cổ Chiên đến với xã Thanh Bình (Vũng Liêm) thăm lại những hộ nghèo nơi đây. Vợ chồng chú Trương Văn Trương (ấp Thái Bình) và cô Dương Thị Nga trước đây thuộc diện nghèo, không việc làm ổn định.
Con gái Lê Thị Cưng (25 tuổi) bị cơn sốt bại liệt khi vừa tròn thôi nôi, cô bán hết tài sản trong nhà, vay mượn khắp nơi để lên Sài Gòn trị bệnh cho con nhưng không khỏi. 25 tuổi, Cưng nhỏ bé như trẻ lên 3, ngày ngày chỉ quẩn quanh trên chiếc giường nhỏ. Song em rất lạc quan, yêu đời. Thời gian rảnh, đôi tay nhỏ xíu của Cưng tỉ mỉ may gấu bông, cứ mỗi cái em được 500 đồng.
Ngoài ra, Cưng rất thích vẽ và vẽ rất đẹp. Cưng nằm nghiêng người để “phóng cọ” vẽ những cô gái xinh đẹp xúng xính trong những bộ đầm thời trang, để thỏa niềm mơ ước “nếu lành lặn như các bạn em sẽ làm thiết kế thời trang”.
Em Cưng “phóng cọ” vẽ ước mơ, xoa dịu nỗi đau tật nguyền.
Sẻ chia khó khăn, Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ máy xe lõi lác và 200kg lác nguyên liệu cho cô và 9 hộ gia đình khuyết tật nghèo trong xã. Nhờ vậy, thời gian nông nhàn, cô Nga có thêm thu nhập từ công việc này.
Cô Nga tâm sự: “Nhà tui mang ơn chính quyền đã giúp đỡ từ nhà ở, tiền hỗ trợ cho bé Cưng hàng tháng, rồi được tặng máy xe lác nữa. Tui mừng lắm!”
Nhờ được hỗ trợ máy xe lõi lác, cô Nga mừng vui có thêm thu nhập
trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.
Trong căn nhà tường mới toanh còn thơm mùi vôi được Nhà nước hỗ trợ, chị Lê Thị Hảnh (xã Nhơn Phú- Mang Thít) xúc động, nói: “Ước mơ biết bao lâu rồi giờ mới thành hiện thực. Có nhà giờ chỉ lo kiếm tiền mua gạo sống hàng ngày và dành dụm để khá hơn.”
Không có ruộng vườn, gia đình lại có tới 4 miệng ăn nên cuộc sống khó khăn chồng khó khăn. Nguồn thu hàng ngày của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm thuê làm mướn của 2 vợ chồng chị. Thấu hiểu hoàn cảnh này, chính quyền địa phương xã đã xét, hỗ trợ cất nhà theo diện 167.
Giờ được an cư, vợ chồng chị đã bắt đầu nghĩ tới việc vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để mua bò, chăn nuôi heo gà thoát nghèo; để không phụ tấm lòng của những người đã nhiệt thành giúp đỡ.
Trưa nắng ấm, quán cà phê nhỏ nằm phía sau công trình nhà văn hóa- thể thao ấp Tường Thạnh (xã Hòa Bình- Trà Ôn) của gia đình anh Nguyễn Thanh Hiền có khách lai rai.
Trước đây, gia đình anh Hiền thuộc diện “nghèo rớt mồng tơi” nhưng phải chăm sóc cha mẹ già. Cách đây không lâu, mẹ anh- bà Nguyễn Thị Út vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật thận, phổi cấp tính nên sức khỏe rất yếu.
Còn cha anh- ông Nguyễn Văn Hậu bệnh lao phổi cũng ráng lướt đi mần hồ, thu nhập mỗi ngày áng chừng trăm ngàn đồng. Được chương trình “Chuyến xe nhân ái” của Đài THVL hỗ trợ 15 triệu đồng, anh Hiền đã cất được ngôi nhà khang trang, tươm tất bằng mái tôn, nền gạch, gia đình mừng không tưởng.
Tận dụng thời điểm công trình Nhà văn hóa- thể thao ấp Tường Thạnh đang xây dựng có đông công nhân, anh Hiền đã dành phần đất nhỏ cặp nhà mở quán cóc bán cà phê để có thêm thu nhập. “Tui dự định mai mốt sẽ tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng vài liếp rau, nuôi thêm gà vừa nhà có ăn, dư thì đem ra chợ bán kiếm chút đỉnh tiền, hy vọng sẽ khá hơn”- anh Hiền lạc quan.
Không chỉ có nhà 167, nhà tình thương giúp hộ nghèo mà mới đây có 4 căn nhà mới được cất lên từ tiền mua vật liệu xây dựng cho học viên các lớp học nghề xây dựng theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là cách làm linh hoạt của Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình phối hợp với các xã chọn 1 hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở và dùng tiền đó mua vật liệu cất nhà giúp họ.
Nhờ vậy, anh Nguyễn Ngọc Tài (xã Mỹ Lộc); anh Ngô Văn Thum (Ấp 2, xã Tân Lộc); anh Cao Thanh Xuân (ấp Phú Yên, xã Tân Phú) và anh Nguyễn Văn Diệu (ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh) đã có chung niềm vui được đón tết trong căn nhà mới.
Nhân lên lòng nhân ái
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách và lâu dài. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là việc làm thiết thực, từ chăm lo nhà cửa, bữa cơm từ thiện đến phẫu thuật tim miễn phí, cấp học bổng, vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tạo việc làm,…qua đó đã giúp biết bao hoàn cảnh, số phận vươn lên, có cuộc sống tốt hơn.
Theo BCĐ thực hiện giảm nghèo của tỉnh Vĩnh Long: Năm 2012, tỉnh đã tập trung dạy nghề, giải quyết việc làm cho trên 57.000 lượt lao động, xuất khẩu trên 450 lượt lao động, góp phần thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu trong lao động với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Dạy nghề cho gần 2.000 người nghèo, người cận nghèo, với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, BCĐ của tỉnh còn có nhiều giải pháp, kế hoạch lồng ghép phối kết hợp và thực hiện tốt các chính sách như cho học sinh, sinh viên, người lao động xuất khẩu vay vốn; hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn vay; mua bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện… với tổng số tiền trên 370 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,89%.
Chị Thái Diễm Thúy (41 tuổi, xã Hòa Bình- Trà Ôn) chia sẻ: “Mình phải siêng mần, lo cho con cái học hành, có nghề nghiệp ổn định mới thoát nghèo bền vững .
Trong thời gian tới, Vĩnh Long phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là giao thông, điện, đường, nước sinh hoạt… tạo điều kiện giúp cho người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ công một cách bình đẳng.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh- Ngô Ngọc Bỉnh cho rằng, hộ nghèo do tàn tật, do hậu quả chiến tranh để lại không thể sản xuất được, vì thế không thể thoát nghèo, cần giao cho ngành lao động- thương binh và xã hội chăm sóc.
Muốn thoát nghèo bền vững, Nhà nước ngoài “trao cần câu” cần phải chỉ chỗ có “cá”; phải kết hợp tốt giữa dạy nghề với giải quyết việc làm ổn định. Như vậy họ mới thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Đỗ Hoàng Huynh, Trưởng Ban vận động “Ngày vì người nghèo” chỉ đạo: Các cấp, ngành cần tập trung vận động giúp hộ nghèo về vốn, giống, phương án làm ăn. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hỗ trợ cất nhà cho hộ nghèo, mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo cùng các chương trình khác khi cần thiết.
Bài, ảnh: QUYÊN MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin