Vĩnh Long và Trà Vinh là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chính nhờ đời sống phát triển mà khi tết đến xuân về, người Khmer cũng chung vui với người Kinh…
Vĩnh Long và Trà Vinh là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chính nhờ đời sống phát triển mà khi tết đến xuân về, người Khmer cũng chung vui với người Kinh…
Kinh tế ổn định góp phần phát triển đời sống tinh thần, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. |
Vốn là tỉnh Cửu Long tách ra từ 20 năm trước, Vĩnh Long và Trà Vinh được biết đến là một trong những tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Trong những năm gần đây, nhờ vào những chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là tự ý thức vươn lên trong cuộc sống mà đời sống kinh tế đồng bào dân tộc Khmer đang có nhiều thay đổi, ngày càng phát triển hơn.
Đổi thay từ những chính sách
Lặn lội gần 100km đến xã Kim Sơn (huyện Trà Cú- Trà Vinh), chúng tôi được ông Kim Ngọc Minh- Bí thư Đảng ủy xã tiếp chuyện. Là xã có hơn 93% đồng bào là dân tộc Khmer, nhiều năm có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể xã quyết tâm đưa kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer đi lên.
Ông Minh cho biết: Hiện mức thu nhập bình quân của xã vào khoảng 8,6 triệu đồng/người/năm. Tuy vẫn còn thấp nhưng đã cao hơn trước rất nhiều. Người dân ở xã, chủ yếu là người dân tộc, mấy năm gần đây ngoài làm ruộng đã chuyển sang trồng mía, nuôi cá. Rất nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên giàu có.
Đến với xã Hàm Tân- cũng là một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Trà Cú mới nghe nói đến sự đổi thay từng ngày của người dân ở đây.
Ông Thái Trung Thành- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã có khoảng trên 80% người dân tộc Khmer. Là xã mới tách, có mức xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Do đó, chính sách về nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer hết sức được quan tâm. Tính từ ngày tách ra từ xã Hàm Giang, xã Hàm Tân đã xây dựng gần 640 căn nhà thuộc diện 167.
Chỉ riêng năm 2012, xã cũng đã vận động xây dựng 57 nhà tình thương cho hộ nghèo. “Xã được hưởng nhiều chính sách, an cư thì mới lạc nghiệp, đồng bào dân tộc đã cho thấy sự vươn lên trong cuộc sống, cố gắng làm giàu trên chính mảnh đất mình đang có…”- ông Thành chia sẻ.
Niềm vui của anh Tăng Sang trong căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng. |
Đối với chương trình nhà 167, anh Tăng Sang- ấp Cà Săng (xã Hàm Tân) phấn khởi: Được chính quyền địa phương xây tặng căn nhà, đây là niềm mơ ước của hộ nghèo. Từ chính căn nhà này, gia đình có động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Căn nhà khang trang chưa sơn của ông Sa Rương đang chuẩn bị hoàn tất đón chào năm mới cùng anh em người Kinh. |
Đến với nhà ông Thạch Sa Rương (Tư Rương) ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ, Trà Ôn- Vĩnh Long) mới cảm nhận được niềm vui trong căn nhà mới khang trang. Ông Sa Rương cho biết, với 11 công đất trồng sen đã vực dậy kinh tế gia đình.
Căn nhà cất mới khang trang là thành quả các chính sách của chính quyền địa phương, nỗ lực vươn lên làm giàu của gia đình. “Giờ đợi sơn nhà, sắm sửa đồ đạc là ổn rồi. Ao sen cũng dăm ba ngày là thu hoạch một lần…”
Ngồi kế bên là ông Năm Rinh (ấp Sóc Ruộng) cũng bày tỏ niềm vui: Mấy năm gần đây kinh tế ổn định, người dân Khmer có nhiều điều kiện hơn. “Nhà tui gắn cái ăng ten chảo để cả nhà có thể thưởng thức các chương trình truyền hình. Đời sống văn hóa, tinh thần phát triển rõ rệt”.
Ông Đặng Văn Ba- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Là xã có hơn 39% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc được triển khai chặt chẽ, sâu rộng. Song song đó là kết hợp tuyên truyền vận động người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tiết kiệm tích lũy trong đời sống, thay đổi dần nhận thức của đồng bào dân tộc…
Chung vui Nguyên đán
Song song với việc thoát nghèo, kinh tế ổn định là đời sống tinh thần cũng có nhiều đổi thay. Ông Minh cho biết, người dân tộc ở đây ngoài tết cổ truyền Cholnam Thmay thì Tết Nguyên đán của người Kinh cũng được người dân “hưởng ứng”.
Người dân trong xã có người Kinh, Khmer, Hoa sinh sống nên ăn tết, vui chơi đều có nhau. “Tết của dân tộc nào cũng ăn chung, đời sống khá lên thì tinh thần cũng nâng lên nữa”.
Các món ăn của người dân Khmer đang có nhiều điểm tương đồng với người Kinh |
Chú Tăng Danh (ấp Bảy Xào Dơi B, xã Kim Sơn) cho biết: Nhờ đời sống kinh tế dần ổn định nên người Khmer cũng “chịu chơi” trong mấy ngày tết.
Ở đây người ta ăn tết truyền thống, ăn Tết Nguyên đán của người Kinh, thậm chí là “làm cái tiệc nho nhỏ” ngày mùng 5 tháng 5 (Tết Đoan ngọ).
Lý giải việc này, chú cho biết: Tết Nguyên đán được nghỉ nhiều, họp mặt đủ cả nhà, vui tết giống như anh em người Kinh.
Trong khi đó, anh Kim Chung (ấp Bảy Xào Dơi B) chia sẻ: Kinh tế ổn định cả, chính quyền lo cho dân dữ lắm. Có nhà “ăn Tết Nguyên đán lớn dữ lắm”, có khi “kéo luôn dàn nhạc sống” về chơi cho vui nhà vui cửa.
Còn anh em, hàng xóm người Kinh thì kéo đến chúc tết, chung ly rượu vui xuân… Ông Rương cũng vui vẻ: “Ở đây người dân Khmer ăn Tết Nguyên đán nhiều lắm, người Kinh cũng ăn tết Cholnam Thmay luôn. Anh em các đồng bào dân tộc rất tốt, xóm làng yên vui”…
Ông Đặng Văn Ba- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn- Vĩnh Long) chia sẻ: Mấy năm gần đây, đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc phát triển khá nhanh.
Nhờ các chính sách của Nhà nước, bà con dần thay đổi nhận thức, có ý thức vươn lên làm giàu, tích lũy tài sản. Việc ăn tết cổ truyền Khmer hay Tết Nguyên đán đều được người dân tham gia, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin