Cùng người nghèo đón tết

03:02, 09/02/2013

Cuộc sống của họ chỉ ở mức đủ ăn, nhưng cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn lòng trích những đồng tiền lương ít ỏi hoặc tài sản của mình giúp đỡ bà con nghèo. Năm hết, tết đến, họ lại chia sẻ để cùng bà con nghèo đón một cái tết vui tươi và hạnh phúc.

Cuộc sống của họ chỉ ở mức đủ ăn, nhưng cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn lòng trích những đồng tiền lương ít ỏi hoặc tài sản của mình giúp đỡ bà con nghèo. Năm hết, tết đến, họ lại chia sẻ để cùng bà con nghèo đón một cái tết vui tươi và hạnh phúc.

Bà con đón tết vui, mình hạnh phúc

Bà Huỳnh Ngọc Mai (ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) năm nay gần 60 tuổi. Hôm chúng tôi đến, bà đang bận rộn chuẩn bị quà tặng. Bà Mai cười đôn hậu, bảo: “Có gì đâu, chỉ vài trăm phần quà tặng bà con nghèo ăn tết cho vui vậy mà.

Trước đây, gia đình tôi ở Quận 3- TP Hồ Chí Minh, lúc nghèo trôi dạt về ấp Phước Định 2 này sinh sống. Hồi ấy, cực khổ lắm, đôi lúc gia đình gạo không đủ nấu nên giờ tôi rất đồng cảm với bà con nghèo, thiếu may mắn. Cuộc sống tạm ổn, mình cũng muốn chia sẻ để họ có được cuộc sống tốt hơn”.

Bà Mai sẵn lòng chia sẻ khó khăn với bà con nghèo vượt qua khó khăn.

Năm 1997, bà Mai bắt đầu làm công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, mỗi năm bà Mai đều tổ chức vài chuyến đi cứu trợ ở địa phương, trong tỉnh và các tỉnh miền Trung bị thiên tai. Tuy món quà chỉ là:
gạo , mì gói, mùng mền,… nhưng toàn là những món thiết yếu, kịp thời đến với bà con nghèo, vượt qua khó khăn.

Bà Mai còn phối hợp các y- bác sĩ khám, cấp thuốc, cất nhà tình thương cho hàng chục hộ nghèo. Vào dịp tết hàng năm, bà đều chuẩn bị sẵn 300 phần quà (bánh mứt, gạo, đường…), bà tâm niệm: “Giúp bà con nghèo đón tết vui vẻ, mình cảm thấy hạnh phúc”. Những hộ khó khăn đột xuất, bà Mai biết được đến tận nhà giúp đỡ, động viên và an ủi.

Bà Mai còn là điểm tựa của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ sự giúp sức của bà, nhiều em học sinh nghèo ở địa phương có điều kiện được ăn học đến nơi đến chốn, ra trường có công việc làm giúp đỡ gia đình.

Em Trần Thiên Đỉnh được bà Mai giúp đỡ từ hồi còn học phổ thông đến đại học và hiện em đang công tác tại Bình Dương, mỗi lần về quê là tranh thủ ghé thăm.

Đỉnh tâm sự: “Mình có được như ngày hôm nay là nhờ bà Mai giúp đỡ. Bà Mai là ân nhân trong đời nên không bao giờ mình quên công lao của bà”.

Hiện tại, bà Mai hỗ trợ 12 sinh viên và 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Các em được bà đóng học phí, tiền trường và mỗi tháng bà còn hỗ trợ cho sinh viên, học sinh lớp 12 thêm 300 ngàn đồng đi học thêm. Cuối năm, em nào đạt loại giỏi được bà thưởng một suất học bổng 1 triệu đồng.

Sau hơn 12 năm làm công tác xã hội, bà Mai chia sẻ cùng với bà con nghèo hơn 5 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn mà bà Mai dành dụm từ làm vườn và người em dạy học ở nước ngoài gửi về.

Tấm lòng của bà Mai thật đáng trân trọng! Với những người nghèo ở xứ này, trong tâm khảm của họ hình ảnh bà Mai cùng mái tóc ngắn bạc trắng không khác gì bà tiên đem niềm vui đến.

Trích tiền lương chia sẻ người già đón tết

Đó là cô giáo Nguyễn Đoan Thục- Trường Mầm non Bông Sen (Tân Lộc- Tam Bình). Quê cô Thục ở xã Thạnh Quới (Long Hồ), làm nghề “ đầu trẻ” hơn 11 năm nay. Cô giáo Thục không những yêu trẻ, mà còn rất cảm thông với người nghèo khó.

Mỗi ngày trên đường đi dạy, cô Thục bắt gặp nhiều cụ già neo đơn, thiếu người thân chăm sóc và cô tìm cách giúp đỡ với hy vọng các cụ giảm bớt vất vả lúc cuối đời. Năm 2010, cô Thục quyết định hàng tháng trích ra 2 triệu đồng từ tiền lương ít ỏi của mình để giúp các cụ neo đơn và cô đề xuất với xã Tân Lộc chọn 5 cụ neo đơn để cô giúp đỡ hàng tháng.

Bà Nguyễn Thị Trừ (Ấp 8, xã Tân Lộc) mỗi lần nhận tiền giúp đỡ của cô Thục đều xúc động: “Tấm lòng của cô Thục rất quý. Tui lớn tuổi bệnh đau, không có tiền. Nhờ cô Thục giúp đỡ mà cuộc sống bớt khổ…”

Cô giáo Đoan Thục yêu trẻ, quý cụ già đã tự nguyện trích tiền lương của mình giúp đỡ người già cô đơn.

Gia đình cô Thục làm ruộng, buôn bán nhỏ, cuộc sống ở mức đủ ăn, nên tấm lòng của cô càng đáng quý trọng hơn.

Cô Thục tâm sự: “Hồi trước, gia đình cũng trải qua nghèo khổ nên rất thông cảm. Những tháng đầu trích tiền lương, chỉ còn lại vài trăm ngàn đổ xăng xe đi dạy, có người cười cho rằng mình lo chuyện bao đồng. Hiện lương lãnh khoảng 3 triệu đồng/tháng, trích giúp các cụ cũng còn dư gần 1 triệu đồng, ở nông thôn đủ chi tiêu.

Chuyện giúp đỡ các cụ được gia đình rất ủng hộ nên mình cũng an tâm. Sắp tới nếu có điều kiện sẽ nhận giúp thêm vài cụ nữa…”

Hình ảnh cô giáo trẻ Đoan Thục mang tiền đến thăm, chăm sóc các cụ neo đơn lúc đau bệnh không còn xa lạ với người dân xã Tân Lộc. Vào dịp tết, ngoài trao tiền giúp đỡ, cô Thục không quên kèm theo những phần bánh mứt để các cụ hưởng một cái tết ấm cúng như bao người khác.

Cô Đoan Thục không giấu được
niềm vui khi việc mình làm có ý nghĩa: “Số tiền, quà không lớn, nhưng đem lại niềm vui cho các cụ, giảm bớt cô đơn, khó khăn trong cuộc sống nên mình cũng cảm thấy hạnh phúc...”

Những tấm lòng đáng quý như bà Ngọc Mai hay cô Đoan Thục chắc chắn không chỉ giúp cho người nghèo, người già cô đơn vượt qua khó khăn, vững tin vào cuộc sống; mà còn tô thêm niềm tin và hy vọng trong cuộc sống bộn bề lo toan. Cái tết vui tươi, đầm ấm đang kề bên.

Bài, ảnh: VĂN MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh