Những ngày đầu xuân, căn buồng hạnh phúc ấy dường như càng nồng ấm thêm nhờ món quà tết và câu chuyện năm mới của gia đình. Căn buồng dẫu rộng chỉ vài mét vuông nhưng đã chứng kiến biết bao câu chuyện yêu thương của những cặp vợ chồng vì lầm lỡ mà phải cách xa.
Những ngày đầu xuân, căn buồng hạnh phúc ấy dường như càng nồng ấm thêm nhờ món quà tết và câu chuyện năm mới của gia đình. Căn buồng dẫu rộng chỉ vài mét vuông nhưng đã chứng kiến biết bao câu chuyện yêu thương của những cặp vợ chồng vì lầm lỡ mà phải cách xa.
Hơn 2 năm nay, vợ chồng chị Trần Thị Mai Liên (xã An Bình- Long Hồ) sống trong xa cách. Chị Liên bảo: “Anh ấy đang chấp hành án trong trại. Tui ở nhà nuôi con, chăm sóc cha chồng đã ngoài 90 tuổi. Nhớ chồng lắm, nhưng hoàn cảnh vậy biết làm sao”.
Xa cách đã lâu nên khi chồng điện báo tin vừa được lãnh đạo trại duyệt cho “ngủ hạnh phúc”, chị Liên “cứ hồi hộp, lo lo như lần đầu hò hẹn” liền nhờ người trông nhà và “ngó chừng” cha rồi vội vàng mang theo lỉnh kỉnh các loại trái cây, thức ăn hồi ở nhà anh thích vào trại.
Gặp chúng tôi, chị mắc cỡ đòi về bảo “mai trở qua thăm” nhưng anh cứ nài nỉ “hổng sao đâu, ở lại đi”.
Chị đưa mắt lườm yêu anh, mủm mỉm cười. Có lẽ chị đã cảm nhận được nỗi nôn nao, chờ đợi của chồng sau bao năm xa cách nên không đòi về nữa mà bẽn lẽn theo anh bước về phía buồng “hạnh phúc”, còn anh ngoái nhìn chúng tôi với nụ cười tươi rói trên môi như thay lời tạm biệt.
Những phút giây ấm áp của vợ chồng chị Mai trong căn buồng “hạnh phúc. |
Với những đôi uyên ương đã trải qua nhiều đêm “ngủ hạnh phúc” như vợ chồng chị Lưu Thị Ngọc Mai (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) tuy không còn thẹn thùng, mắc cỡ như lần đầu gặp lại nhưng những cảm xúc dạt dào, hạnh phúc luôn thể hiện trong ánh mắt, nụ cười của cả hai.
Chị Mai tâm sự: “Tháng nào cũng vậy, hễ ảnh điện về cho hay ngày được “ngủ hạnh phúc” là em tranh thủ sắp xếp việc nhà, gửi con cho ông bà nội rồi lên với ảnh.
Cả tháng vợ chồng mới gặp một lần, không lên để ảnh chờ tội nghiệp”. Ngồi cạnh bên, anh Dương Minh Đức (chồng chị Mai) âu yếm nhìn vợ rồi tiếp lời: “Hơn 4 năm nay, tôi ở trong này cũng nhờ vợ tới lui động viên, an ủi và thay tôi nuôi con, chăm sóc cha mẹ già nên tôi mới yên tâm cải tạo”.
Thượng tá Phạm Văn Sum- Phó Giám thị Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: Phạm nhân đang chấp hành án ở các trại giam hoặc tạm giam, nếu cải tạo tốt sẽ được xét giảm án và “ngủ hạnh phúc” với chồng, vợ mỗi tháng một lần.
Riêng Trại Tạm giam Vĩnh Long, trung bình mỗi tuần có từ 4- 5 trường hợp “ngủ hạnh phúc”, chưa kể số đơn của các phạm nhân không đủ điều kiện nên chưa được giải quyết.
Có thể nói, việc xét giảm án và cho phạm nhân được “ngủ hạnh phúc” là một chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với những người trót sa chân vào con đường phạm tội.
Chính sách này không chỉ giúp người lầm lỡ có thêm nghị lực, niềm tin để sống và cải tạo thành người tốt mà còn là “chiếc cầu” kết nối yêu thương, giúp cho tình cảm của nhiều cặp vợ chồng không bị lạt phai trong suốt thời gian “một nửa” kia đang thi hành án phạt.
Chị Nguyễn Thị Cẩm (Phường 3- TP Vĩnh Long)- phạm nhân đang chấp hành án ở Trại Tạm giam Vĩnh Long, kể: “Lúc mới vào đây, tinh thần tôi rất suy sụp. Nhờ gia đình tới thăm động viên, an ủi và được chồng chia sẻ, yêu thương trong những lần “ngủ hạnh phúc”, tôi không còn thấy cô đơn, hụt hẫng nữa, đặc biệt là trong những ngày lễ, tết.
Ở trong này, gần tết ai cũng bồn chồn không biết ở nhà chuẩn bị ra sao. Tôi cũng vậy. Mặc dù, tết trong trại cũng có đủ bánh, mứt, dưa, thịt,… nhưng thiếu người thân và không khí đoàn tụ của gia đình nên rất buồn.
Năm rồi, tôi được “ngủ hạnh phúc” đêm 28 tết, có chồng bên cạnh, được nghe chuyện lo đón tết của gia đình, bà con chòm xóm, chuyện học hành, sinh hoạt của các con,… lòng tôi ấm áp như đang được vui tết ở nhà cùng chồng con”.
Ở các trại giam, tạm giam, mỗi tháng phạm nhân được gia đình thăm nuôi, gặp mặt một lần từ 30- 60 phút.
Ngần ấy thời gian nên không đủ cho họ tâm tình, thổ lộ hết những điều muốn nói. Do đó, “ngủ hạnh phúc” là những phút giây vô cùng quý báu, được các cặp vợ chồng tận hưởng để trút cạn nỗi niềm.
Anh Bình cười tươi rói khi được ở bên vợ. |
Không ít đôi đã thức trắng đêm, chia sẻ cho nhau những vui buồn của cuộc sống trong trại cũng như bên ngoài. Anh Nguyễn Công Bình ở thị trấn Long Hồ bộc bạch: “Thức vậy chứ sáng ra đi lao động cũng khỏe re. Có lẽ hơi ấm tình thương của vợ và sự trông chờ của các con ở nhà đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi”.
Suốt 5 năm ở trong trại, do cải tạo tốt nên anh Bình được giải quyết “ngủ hạnh phúc” đều đặn hàng tháng.
“Vậy mà lần nào được “ngủ hạnh phúc”, tôi cũng rạo rực thiếu điều muốn bỏ… ăn, cả buổi trưa không ngủ được cứ mong cho trời mau tối để ra gặp vợ như hồi mới yêu hẹn gặp “ghệ” vậy”- nói xong, anh Bình cười “khì, khì”, còn chị Trương Thị Hoàng Oanh (vợ anh) thì đỏ mặt, ngượng ngùng đấm vào vai anh thình thịch.
Anh Bình cho biết thêm, ở đây ai được “ngủ hạnh phúc” cũng đều mang tâm trạng háo hức, nôn nao như thế và qua mỗi một đêm “ngủ hạnh phúc”, những người lầm lỡ như anh Bình lại thấy quý vô cùng 2 chữ tự do.
Từ đó, họ càng phấn đấu cải tạo tốt để tháng sau được gặp một nửa yêu thương của mình trong căn buồng “hạnh phúc”.
Trung úy Nguyễn Minh Giang- quản giáo phân trại- Trại Tạm giam Vĩnh Long cho biết: “Những phạm nhân được giải quyết “ngủ hạnh phúc” tinh thần luôn lạc quan và chấp hành rất tốt nội quy của trại.
Đây cũng là cơ sở để chúng tôi xét giảm án cho họ vào các dịp lễ, tết và là tấm gương để những phạm nhân khác phấn đấu noi theo”.
Thế mới biết, tình cảm gia đình và những phút giây được ở cạnh người thân tưởng chừng như bình thường nhưng lại vô cùng thiêng liêng quý giá.
Với những người đang đánh mất sự tự do thì từng phút, từng giây được ở bên người mình thương yêu càng được họ trân trọng, nâng niu.
Từ đó, họ biết quý hơn giá trị của cuộc sống tự do, cố gắng cải tạo để được sớm về sum họp với gia đình và sống tốt, sống có ý nghĩa hơn khi trở về với cuộc sống đời thường.
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin