Sống “tốt đạo, đẹp đời”

07:12, 25/12/2012

Với phương châm sống “tốt đạo, đẹp đời”, nhiều họ đạo, dòng tu thành lập các trung tâm, cơ sở xã hội như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, khám bệnh cho người nghèo, nơi nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi và người già neo đơn không nơi nương tựa,… Góp phần thiết thực cùng với địa phương chăm lo người nghèo.


Phòng khám bệnh miễn phí cho người già nghèo tại nhà thờ Chánh tòa.

Với phương châm sống “tốt đạo, đẹp đời”, nhiều họ đạo, dòng tu thành lập các trung tâm, cơ sở xã hội như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, khám bệnh cho người nghèo, nơi nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi và người già neo đơn không nơi nương tựa,… Góp phần thiết thực cùng với địa phương chăm lo người nghèo.

Phòng khám bệnh nhân nghèo

Trên 20 năm nay, phòng khám từ thiện nhà thờ Chánh tòa là địa chỉ được nhiều gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh neo đơn tìm đến khám chữa bệnh.

 Linh mục Phạm Minh Tâm- Phụ trách phòng khám từ thiện nhà thờ Chánh tòa cho biết: “Vào thứ bảy hàng tuần, phòng khám tổ chức khám từ thiện cho tất cả hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn TP Vĩnh Long và các khu vực lân cận. Người dân đến đây, nếu có xác nhận của chính quyền địa phương thuộc 2 đối tượng trên sẽ được khám, phát thuốc miễn phí”.

Nằm trong khuôn viên nhà thờ, mỗi lần mở cửa, phòng khám thu hút từ 80- 100 bệnh nhân. Chú Huỳnh Thanh Hồng (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước đây, tôi bị bệnh lao phổi, hiện tôi đã điều trị hết liệu trình nhưng bệnh lặt vặt thì triền miên. May nhờ có phòng khám từ thiện nên đỡ lắm, có bệnh tôi chạy qua đây không phải tốn tiền mà bác sĩ cũng nhiệt tình”.

Bà Lữ Thị Vui (70 tuổi, xã Phước Hậu- Long Hồ) cứ tới lui trông tới lượt mình khám. Bà phân trần: “Bà bị cao huyết áp, cái đầu cứ nhức lăn tăn hoài nên tranh thủ bán hết rau để đi khám đó”. Bà cũng khen: “Mấy bác sĩ khám ở đây nhiệt tình và ân cần lắm. Khám xong, bác sĩ còn hướng dẫn mấy bà già uống thuốc sao cho đúng nữa”.

Đội ngũ y- bác sĩ phục vụ tại phòng khám từ thiện của nhà thờ Chánh tòa phần lớn đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Trung học y tế và một số y sĩ về hưu. Phòng khám có 2- 3 bác sĩ trực khám và 3- 4 y sĩ phụ trách việc hướng dẫn, phát thuốc cho người bệnh. Bác sĩ Lê Chánh Trí- hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gắn bó với phòng khám này trên 10 năm nay.

 “Tuần nào, mắc trực thì thôi, hễ rãnh thì tôi chạy vô đây phụ khám bệnh. Hiện tôi đang học chuyên khoa I nhưng thứ bảy về nghỉ cũng tranh thủ vô khám chút”- bác sĩ Lê Chánh Trí cho biết- “làm ở phòng khám từ thiện, mình cũng khám từ thiện nốt, không cần suy nghĩ nhiều. Sở dĩ tôi gắn bó lâu năm vì là bác sĩ khám ở đâu cũng vậy, miễn giúp được cho người bệnh”.

Mỗi một người dân đến phòng khám, đối với các bệnh thông thường được cấp thuốc uống có khi 1 tuần, xa thì đến 2 tuần thuốc.

Theo Linh mục Phạm Minh Tâm, hiện do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên phòng khám chỉ dừng lại ở đối tượng người nghèo, cận nghèo và gia đình neo đơn. Tới đây, khi vận động được nhiều hơn chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng phục vụ cho cộng đồng khi có nhu cầu về khám chữa bệnh.

Mái ấm tình thương

Trong khuôn viên Trường Mầm non tư thục Mai Linh (Phường 4- TP Vĩnh Long), Cộng đoàn Vinh Hiệp thuộc Hội dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn còn dành nơi nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn và lớp học tình thương cho học sinh nghèo.

Bà Phan Thị Tám (71 tuổi) với mái tóc trắng được cắt ngắn gọn gàng, đeo kính mát vừa được tặng, tâm sự: “Tui không chồng con, ở với cháu gái bên cù lao đó. Thương cháu lắm, nhà nghèo làm nghề may đồ mướn ngày có vài chục ngàn mà phải nuôi chồng bị tai nạn giao thông, nuôi 2 con nữa. Tui già, chân yếu, bệnh hoài có phụ hợ gì đâu. Tui kêu nó đưa tui ở với mấy dì, nó khóc”.

Bà Tám ngồi ghế đá hóng mát với mấy bạn già, tiếp lời: “Vô đây, cháu tui nhẹ gánh lo. Mấy người già như tụi tui được mấy dì chăm sóc lo ăn, lo ở. Bà nào khỏe tự múc ăn. Có bà bị liệt, bà bị mù nằm một chỗ mấy dì làm hết, lo cho tụi tui như người thân của mình vậy đó. Tụi tui được chăm sóc chu đáo, được hủ hỉ trò chuyện nên thấy người khỏe hơn”.

Lớp học tình thương của các nữ tu Cộng đoàn Vinh Hiệp những năm qua đã giúp hàng trăm trẻ em gia đình lao động nghèo và trẻ mồ côi được biết chữ, làm toán và có cơ hội được học trường chính quy.

 “Cha mẹ các em phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nhiều nhà phải chạy ăn từng bữa. Em bán vé số, em mồ côi, có em cha mẹ bỏ nhau phải sống với bà, em sống lang thang... mà các dì tìm được để đưa về đây dạy chữ”- cô Huỳnh Xuân Lan (giáo viên dạy lớp tình thương) chia sẻ.

Có khách tới thăm, các em lễ phép đứng dậy đồng thanh kính chào. Em Phạm Thị Hà Tiên (10 tuổi) khoe những bài toán, bài tập viết được điểm 10: “Nhà con ở trọ, ba mẹ con bán bắp dạo. Con được các dì dạy biết chữ, biết viết vui lắm. Con cố gắng học giỏi”.

Có những em như Thành Lộc, Ngọc Bình khi chúng tôi hỏi em bao nhiêu tuổi thì các em trả lời 2 tuổi. Cô Xuân Lan xoa đầu các em giải thích: “Trí nhớ các em rất kém, 12 tuổi mà nói 2 tuổi vậy đó. Cô dạy mà quên liền, các em không tiếp thu được. Có em dạy chữ A, viết gần hết cuốn tập vẫn chưa thuộc. Dạy lớp học này mình phải thật kiên nhẫn để giúp các em biết được mặt chữ”.

Em Lê Thị Thắm (9 tuổi) được các dì cho học chữ, rồi lo luôn ăn ở cho em để em được đến trường bởi gia đình em sống lênh đênh dưới ghe, mai đây nay đó sống bằng nghề ăn xin. “Giữa buổi học, tụi con được mấy dì cho ăn yaourt, ăn bánh, hay uống sữa nữa. Con coi tivi thấy bác sĩ khám bệnh nên sau này con làm bác sĩ trị bệnh cho mọi người”.

Thực hiện tốt bổn phận người con của Thiên chúa, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện như đã nói trên cũng là góp phần nào trong công tác chăm lo cho người nghèo ở Vĩnh Long.

Bài, ảnh: QUYÊN THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh