Sống theo... hội chợ

07:12, 21/12/2012

Họ là những người đến từ các vùng quê khác nhau, chọn bán buôn ở hội chợ làm kế mưu sinh, chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó, ăn ở tại gian hàng và xem nhau như người quen, láng giềng thân thiết. Đặc biệt, ở họ có niềm tin mãnh liệt vào thị trường nông thôn- nơi đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Họ là những người đến từ các vùng quê khác nhau, chọn bán buôn ở hội chợ làm kế mưu sinh, chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó, ăn ở tại gian hàng và xem nhau như người quen, láng giềng thân thiết. Đặc biệt, ở họ có niềm tin mãnh liệt vào thị trường nông thôn- nơi đang từng ngày “thay da đổi thịt”.


Anh Trần Ngọc Nguyễn giới thiệu sản phẩm cối xay đa năng với khách tham quan hội chợ.


Cuộc gặp gỡ giữa những người bán cạnh nhau diễn ra chóng vánh bởi địa điểm tổ chức hội chợ thay đổi liên tục. Vì thế, họ xem việc gặp nhau là cái “duyên” và nhanh chóng thân nhau như láng giềng để có thể giúp đỡ, bảo vệ nhau nơi “xứ lạ quê người”.

Chúng tôi gặp anh Trần Ngọc Nguyễn ở Hội chợ Thương mại nông nghiệp tổ chức tại thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn). Anh cười thật tươi: “Tôi ở tuốt dưới Cà Mau, sống hội chợ mười mấy năm rồi, bán từ quần áo, bánh hot dog, đến cối xay… Bán như vầy thì ăn ở tại gian. Mọi người bèo nước gặp nhau nhưng hễ gặp là thân như một gia đình. Vậy mới vui!”

Ở gian hàng bán quần áo cạnh đó, cô Nguyễn Thị Mỹ (cũng quê Cà Mau) đang hì hục nấu nướng cho mọi người ở các gian xung quanh cùng ăn. Cô vui vẻ: “Ăn ở tại gian mà, chật hẹp chớ đâu phải như ở nhà nên nấu chung cho tiện, mà vui nữa”. Mang mấy trái mãng cầu dai cho cô Mỹ, cô Út- gian hàng quần áo kế bên í ới: “Nè, thưởng cho người nấu bữa ăn hôm nay, xin mời ra nhận”. Chỉ tay qua các quầy xung quanh, cô Út nói: “Người ở Cà Mau, Kiên Giang, An Giang… đủ chỗ. Gặp gỡ, thân nhau chỉ được mấy ngày, xong đợt thì “mạnh ai nấy đi” nhưng vui ở chỗ, qua vài ba hội chợ lại có dịp gặp lại nhau, vui lắm!”

Cô Mỹ tâm sự: “Bán ở hội chợ đắt và có lời nhiều hơn bán cố định. Cả nhà tui sống nhờ hội chợ. Thiệt ra di chuyển liên tục rất vất vả vì phải mang theo lỉnh kỉnh dụng cụ nấu ăn, mùng mền, chiếu gối… Có đợt tổ chức ở nông thôn, điểm tổ chức không có nước sạch hoặc thiếu nhà vệ sinh, phải tìm nhà dân thuê chỗ tắm giặt, nấu ăn… rất bất tiện!”

Tuy nhiên, niềm an ủi của cô là “anh chị em thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau dù chỉ gặp trong thời gian ngắn”. Mặt khác, cô rất tin tưởng vào thị trường nông thôn: “Tui đi nhiều hội chợ nông thôn rồi, cũng có khi trúng khi thất (khi lời khi lỗ- PV) nhưng “bù qua sớt lại vẫn có ăn nên mới đeo hoài”. Có lần về một hội chợ ở Sóc Trăng, lời được hơn chục triệu. Ghé Vĩnh Long 5- 6 lần rồi, thấy thị trường nông thôn Vĩnh Long sức mua cũng khá!”

Cô Út thì xởi lởi: “Tui bán theo hội chợ 8 năm rồi, sắp tới còn bán dài dài nữa vì nông thôn ngày càng phát triển, người dân ngày càng biết cách mua sắm!”

Anh Trần Ngọc Nguyễn cũng cười thật tươi, nói: “Dạo trước, tui làm móc khóa bỏ mối, mỗi đêm kiếm mấy triệu đồng như chơi. Giờ móc khóa không còn thịnh nữa, 2 tháng nay chuyển qua bán cối xay, tiền lời cũng khá. Nói chung, theo hội chợ đưa hàng về nông thôn, vài bến thất thì cũng đôi ba bến trúng, biết linh hoạt nắm bắt thị trường thì dễ sống nên sẽ còn đi nữa”.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh