Nâng cao nhận thức, hiểu đúng về HIV và căn bệnh AIDS được xem là giải pháp cơ bản hướng tới mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV” đã và đang được những người làm công tác phòng chống AIDS ở Vĩnh Long chung vai thực hiện.
Nâng cao nhận thức, hiểu đúng về HIV và căn bệnh AIDS được xem là giải pháp cơ bản hướng tới mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV” đã và đang được những người làm công tác phòng chống AIDS ở Vĩnh Long chung vai thực hiện.
Hơn 13 năm làm chuyên trách phòng chống AIDS, chị Huỳnh Thị Mỹ Nguyệt (Phường 3- TP Vĩnh Long) nhớ “làu làu” từng trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn. Chị bảo: “Phải nắm rõ hoàn cảnh từng người để kịp thời giúp đỡ khi họ gặp khó khăn cũng như hỗ trợ các kiến thức cần thiết giúp họ biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng”.
Không chỉ thế, chị Nguyệt còn biết được các “điểm đen” về ma túy, mại dâm trên địa bàn, từ đó hướng cho các đồng đẳng viên (ĐĐV) tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tuyên truyền các kiến thức liên quan đến phòng chống AIDS, phát bao cao su (BCS) vận động thực hiện tình dục an toàn nhằm giảm sự lây nhiễm HIV từ nhóm người này ra cộng đồng. Nhờ đó, số ca nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn Phường 3 giảm đáng kể. “Có năm phường không phát hiện ca nhiễm HIV nào, có năm tăng 1- 2 ca nhưng đều là những trường hợp cũ vừa từ các trung tâm cai nghiện hoặc trại tạm giam về”- chị Nguyệt, cho biết.
Tương tự, nữ hộ sinh Hồ Thị Tuyết ở ấp Sơn Đông (xã Thanh Đức- Long Hồ) kể: Thời gian làm việc ở Trạm Y tế xã Thanh Đức, được tiếp cận tuyên truyền và chăm sóc những trường hợp nhiễm HIV hoặc bệnh nhân AIDS, thấy họ khổ đau, tuyệt vọng chị xót xa lắm nên muốn làm điều gì đó để không còn ai bị nhiễm HIV nữa. Vì thế, sau khi về hưu chị đã nhận lời làm cộng tác viên phòng chống AIDS và nhóm ĐĐV do chị phụ trách hiện đang hoạt động trên địa bàn 3 xã An Bình, Long Phước, Thanh Đức thuộc huyện Long Hồ. Nhóm có 7 ĐĐV là những người từng có liên quan đến mại dâm, ma túy nay đã hoàn lương và rất nhiệt tình trong các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS.
Ngoài những cộng tác viên, chuyên trách tâm huyết với công tác phòng chống AIDS như chị Nguyệt, chị Tuyết,… hiện Vĩnh Long còn có 69 ĐĐV đang tham gia trong các dự án phòng chống AIDS của Ngân hàng Thế giới, Life-Gap, Quỹ toàn cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi trở lại cuộc sống đời thường họ cùng có chung một mục tiêu là muốn làm điều gì đó có ích cho xã hội và hoạt động chính của họ là ngày ngày len lỏi vào các điểm nóng ma túy, mại dâm tiếp cận tuyên truyền phòng chống AIDS, cấp phát BCS, bơm kim tiêm sạch cho những người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới,… Những việc làm này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi trong nhóm nguy cơ cao, giảm thiểu sự lây lan của HIV trong cộng đồng mà còn là niềm vui để họ tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc. Với một số bạn trẻ, đây còn là mục tiêu để họ phấn đấu và sẵn lòng rời bỏ nghề nghiệp mà mình đã chọn trước đó để thực hiện công việc đầy ý nghĩa này.
Ngoài những lúc đi tiếp cận tuyên truyền, Minh còn nghiên cứu tài liệu tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống AIDS.
|
Trường hợp của Nhóm trưởng Nhóm phòng chống AIDS Mỹ Thuận (TP Vĩnh Long)- Phạm Bá Minh là một điển hình. Minh học Cao đẳng Xây dựng Miền Tây, ra trường không theo cha và anh làm nghề xây dựng mà tham gia vào nhóm ĐĐV phòng chống AIDS thuộc Ban quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS Vĩnh Long. Hàng tháng, tiền trợ cấp không đủ sống phải xin thêm gia đình nhưng Minh bảo: “Nhìn những đứa trẻ mồ côi do cha mẹ qua đời vì bệnh AIDS, em thương lắm nên không muốn bỏ công việc này và muốn đóng góp nhiều hơn nữa để không có thêm đứa trẻ nào bị nhiễm HIV hoặc chịu cảnh mồ côi vì AIDS như thế nữa”.
Chị Duyên tiếp cận phát BCS và tờ rơi tuyên truyền phòng chống AIDS cho chị em nhóm nguy cơ cao.
|
Còn ĐĐV Thái Thị Kim Duyên thì tâm sự: “Làm công việc này phải không ngại… bị chửi thì mới được”. Rồi chị kể: Lúc đầu, khi đến các nhà hàng, quán bia- karaoke, cơ sở massage,… tuyên truyền phòng chống AIDS và phát BCS, chị bị chủ quán chửi như tát nước vào mặt, còn tiếp viên thì không dám tiếp chuyện. Không ít người chán nản đã bỏ cuộc, riêng chị vẫn kiên trì tới lui to nhỏ tuyên truyền và khi đã hiểu ra công việc của một ĐĐV như chị là mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhất là những người đang làm việc ở các lĩnh vực nhạy cảm thì họ không còn… chửi nữa. Nhờ vậy, số gái mại dâm được chị tiếp cận tuyên truyền, vận động thực hiện tình dục an toàn cứ tăng dần lên. Trung bình mỗi tháng, chị Duyên phát khoảng 960 BCS cho 30 chị có hoạt động mại dâm và còn kiêm luôn việc tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm HIV khi có chị “đi khách” mà không “xài bao”. Chị Duyên bảo: “Từng chứng kiến không ít chị vì quan hệ tình dục không an toàn mà bị nhiễm HIV nên khi tiếp cận với các chị làm nghề này, tôi cứ nhắc tới, nhắc lui cho họ nhớ các đường lây truyền của HIV mà tránh. Qua tuyên truyền, hầu hết các chị đều sử dụng 100% BCS khi đi khách, chỉ có một vài trường hợp là “xé rào” vì chiều khách”.
Công tác phòng chống AIDS hiện nay đang rất cần những tấm lòng như thế và chị Nguyễn Thị Ngọc Dung- Phó Khoa Truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng- Trung tâm Phòng chống AIDS Vĩnh Long đã nhìn nhận những đóng góp của các ĐĐV, cộng tác viên, chuyên trách đối với hoạt động phòng chống AIDS địa phương, như sau: “Chúng tôi chỉ triển khai các hoạt động phòng chống AIDS đến chuyên trách, còn ĐĐV là những người trực tiếp chuyển tải ra cộng đồng, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao. Hiện dịch HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng đã được kiềm chế, thể hiện qua số người mới phát hiện nhiễm HIV liên tục giảm trong những năm gần đây. Kết quả này, có công đóng góp không nhỏ của các ĐĐV và cộng tác viên phòng chống AIDS ở cơ sở”.
Được biết, từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Vũng Liêm vào năm 1993, hiện số người nhiễm HIV được phát hiện ở Vĩnh Long đã lên 2.165 ca. Trong đó, có 81 ca mới được phát hiện năm nay, so cùng kỳ giảm 22 ca. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống AIDS Vĩnh Long: Số liệu trên chưa phản ánh hết tình hình nhiễm HIV trên địa bàn. Qua giám sát cho thấy, dịch HIV ở Vĩnh Long vẫn đang trong giai đoạn tập trung và nhóm có nguy cơ cao nhất là người nghiện chích ma túy; các nhóm nguy cơ khác như phụ nữ mại dâm, nam mắc bệnh hoa liễu,… cũng là nguyên nhân làm lây lan HIV ra cộng đồng. Do đó, cần huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của các ĐĐV, cộng tác viên trong tiếp cận truyền thông nâng cao ý thức phòng chống AIDS ở nhóm nguy cơ cao và các tầng lớp nhân dân nhằm kiểm soát sự lây nhiễm HIV, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV trong cộng đồng như chủ đề Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã chọn cho các chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011- 2015 là: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Bài, ảnh: TRINH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin