Nâng hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

04:12, 28/12/2012

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau gần 3 năm triển khai bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Song, để đề án thật sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương thì phải nhận định những vấn đề còn vướng và nâng cao nhận thức xã hội...


Đào tạo nghề nông thôn góp phần giải quyết lao động nông nhàn, nâng cao thu nhập (ảnh minh họa).

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau gần 3 năm triển khai bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Song, để đề án thật sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương thì phải nhận định những vấn đề còn vướng và nâng cao nhận thức xã hội...

Năm 2012 là năm mà nền kinh tế không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long mà cả nước nói chung còn nhiều khó khăn. Tình hình phân bổ nguồn vốn phục vụ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng vì đó còn chậm so tiến độ. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, Vĩnh Long tăng cường chỉ đạo hoàn thành kế hoạch năm 2012 với 3 mục tiêu: chỉ tiêu, chất lượng và hiệu quả.

Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 28.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó lao động ở vùng nông thôn chiếm 70%.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn có thêm việc làm, ổn định cuộc sống, từ cuối năm 2010, Nhà nước đã triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hơn 2 năm thực hiện, Vĩnh Long đã đào tạo nghề cho hơn 19.600 người.

Trong đó, lao động sau khi học nghề tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo chiếm trên 80%. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã mở được 421 lớp với số học viên nhận được sự hỗ trợ học nghề là 11.294 người.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, gần 80% lao động nông thôn sau đào tạo nghề tìm được việc làm, xuất khẩu lao động thì phù hợp với nghề được đào tạo. Trong đó, các nghề tiểu thủ công nghiệp đảm bảo giải quyết việc làm tại nhà cho khoảng 90% lao động qua đào tạo.

Các nghề như sinh vật cảnh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi,… giúp trang bị kiến thức, thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng. Qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Cá biệt, có một số địa phương sau khi triển khai đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, điển hình như xã Trà Côn (Trà Ôn).

Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện mở được 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: tiểu thủ công nghiệp, may công nghiệp, nghề chăn nuôi heo, đan dây nhựa, đan thảm lục bình…

Tổng số học viên được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là 267 người. Số lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề tìm được việc làm đạt trên 93%.

Ngoài việc đào tạo, xã còn liên hệ với các công ty, xí nghiệp giới thiệu việc làm cho 1.134 lao động, đạt 189% nghị quyết và xuất khẩu lao động được 18 lao động.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình- Ngô Thái Bình thì đến nay toàn huyện đã giới thiệu việc làm được khoảng 6.500 người, đạt gần 144% so nghị quyết, trong đó có việc làm tại huyện hơn 2.000 người.

Sau 2 năm triển khai đề án, kết quả bước đầu có nhiều thuận lợi, nhất là công tác phối hợp chặt giữa trung tâm và các ban ngành đoàn thể địa phương. Nhiều người dân (trong thời gian nhàn rỗi) có nhu cầu, tâm huyết học nghề được giải quyết.

Các ban ngành chuyên môn, đoàn thể địa phương vào cuộc mạnh mẽ để tuyên truyền mục đích ý nghĩa, vận động người dân tham gia học nghề để “có nghề”, tạo thêm thu nhập cho cuộc sống lúc nông nhàn…

Sau gần 3 năm triển khai, bên cạnh hiệu quả thì đề án cũng dần bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần phải nhìn nhận. Ban chỉ đạo Thực hiện Đề án tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.

Đó là công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa đồng bộ,... Mặt khác, người lao động trẻ vẫn có xu hướng học đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp; một số lao động có tay nghề vẫn có xu hướng đi làm lao động phổ thông ở các thành phố lớn để có thu nhập ngay, chấp nhận thu nhập thấp chứ không muốn tham gia học nghề. Việc đào tạo nghề ở nhiều địa phương còn ít gắn với nhu cầu phát triển;…

Do đó, khi mở lớp đào tạo thì thu hút học viên ít, gây cản trở quá trình thực hiện. Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, một bộ phận lao động nông thôn chưa có tay nghề không chịu học nghề mà thích đi làm ở các khu công nghiệp để có thu nhập ngay (dù lương thấp).

Một số ngành nghề đào tạo chủ yếu để giải quyết việc làm trước mắt chứ chưa thực sự mang lại hiệu quả cao và chưa gắn liền được với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trình độ lao động nông thôn còn thấp nên chỉ phù hợp với các ngành nghề đơn giản;…


Nhận thức của người lao động về lao động- việc làm được nâng lên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của đề án.

Ngoài ra, có thể nhìn nhận hiệu quả của công tác đào tạo nghề phải gắn liền với người đạo động. Theo anh Ngô Thái Bình, vẫn còn một bộ phận người chưa thật sự muốn học nghề mà chủ yếu là “đi học để được hưởng trợ cấp”. Trong đó, đặc biệt là các ngành học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.

Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đồng thời còn lãng phí thời gian, hiệu quả chung của đề án. Do đó, điều cần nhất là người lao động có nhận thức quyết tâm học nghề, trung tâm giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học…

Theo anh Nguyễn Ngọc Khương- Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Mang Thít, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa thì cần có những giải pháp thực tiễn.

Theo đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến từng địa phương để người dân thấy được tầm quan trọng của đề án, nâng cao nhận thức của người lao động khi tham gia học nghề. Hơn nữa, chính người lao động còn phải thấy rằng học nghề là học cho bản thân, phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết các ban ngành huyện có liên quan cho định hướng và mục tiêu đào tạo nghề; thống kê nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; thành lập hợp tác xã hoặc tổ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở mỗi xã, thị trấn;…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh