Nâng cao ý thức để tránh hậu quả bom mìn

07:12, 11/12/2012

Sự cố nổ đạn cối ngày 2/12 tại ấp Hiếu Trung A, xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) là một cảnh báo cho sự thiếu trách nhiệm, bất cẩn và ý thức kém. Qua đó, cần phải có sự chuyển biến tích cực hơn nữa từ người dân, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom đạn thời chiến tranh.

Sự cố nổ đạn cối ngày 2/12 tại ấp Hiếu Trung A, xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) là một cảnh báo cho sự thiếu trách nhiệm, bất cẩn và ý thức kém. Qua đó, cần phải có sự chuyển biến tích cực hơn nữa từ người dân, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom đạn thời chiến tranh.


Người dân không được chủ quan với các loại bom đạn từ thời chiến tranh.
Ảnh: Trinh Tuyền

Sự bất cẩn tai hại

Theo một số thông tin, quả đạn cối 61mm được ông Lê Văn Lợt phát hiện khi đào kinh cách đây hơn 10 năm, khi đó đã rỉ sét. Ông không thông báo lên chính quyền địa phương mà đem bỏ vào bụi trúc trước cửa nhà. Qua năm tháng, nhiều cây trúc mọc lên ken dày, quả đạn nằm sâu bên trong, bị quên lãng… Cho đến một ngày, quả đạn cối bất ngờ phát nổ, gây nên những mất mát thương tâm.

Anh Lê Minh Hải- con ông Lợt và là cha của em Lê Minh Thành tới chiều ngày 4/12, tức là sau 2 ngày xảy ra sự cố vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh nói với vẻ mặt còn thất thần: “Quả đạn nằm trong bụi trúc, ngay cả muốn thấy nó cũng còn khó, chứ đừng nói chi là kéo ra ngoài. Ấy vậy mà tụi nhỏ nó…”

Anh kể tiếp: Cha anh đã phát hiện ra nó từ hơn 10 năm trước, cứ nghĩ nó không còn nguy hại nên cũng dần qua. Quả thật, chỉ vì chút bất cẩn mà xảy ra sự cố thật đau lòng. Còn các bậc cha mẹ, người thân khác của các nạn nhân cũng không khỏi bàng hoàng. Có người cha, người mẹ sẽ vĩnh viễn không còn được thấy mặt đứa con thân yêu duy nhất của mình.
 
“Hôm đó nếu dọn cỗ cúng khoảng 13 giờ thì hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều”- anh Nguyễn Văn Chuộng- cha của Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Thị Ngọc nói trong sự tức tưởi.

Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa- Huỳnh Thanh Nhân cho biết: Hàng năm Huyện Đội đều xuống rà soát bom mìn tại địa phương.

Qua đó, xã cũng phát hiện được một số bom, trái nổ và báo về cơ quan chức năng xử lý. Ngày 4/12/2012, sau xảy ra vụ nổ ở ấp Hiếu Trung A, người dân đến báo còn có 3 trái nổ khác và Xã Đội đã báo về cơ quan chức năng xử lý.

“UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền về mối nguy hại của bom, mìn để người dân ý thức và khi phát hiện phải đi báo chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, tránh hậu quả đáng tiếc”- Chủ tịch UBND xã- Huỳnh Thanh Nhân nói.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Hồng Hùng- Trợ lý Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), được biết: Ở các tỉnh miền Tây, theo số liệu thống kê, vẫn còn khoảng vài chục ngàn tấn bom đạn còn tồn đọng- gọi chung là ô nhiễm bom đạn.

Mặc dù bên ngoài rỉ sét, cũ kỹ nhưng bên trong chất nổ vẫn còn nên rất nguy hiểm. Đặc biệt là các loại bom mìn, đạn do Mỹ sản xuất. Nhiều quả đạn lâu 30- 40 năm vẫn phát nổ nếu có sự tác động.

Cần nâng cao ý thức về hậu quả bom mìn

Theo Trung tá Nguyễn Hồng Hùng, càng ngày càng phát hiện nhiều vụ tồn đọng bom mìn. Gần như mỗi tháng Ban Công binh đều phải đi rà soát, xử lý. Điều đáng cảnh báo là hiện nay các công trình lớn, đường giao thông, thay vì được rà soát để làm sạch hoàn toàn ô nhiễm môi trường bom đạn, đảm bảo an toàn lâu dài thì lại bỏ qua bước này. Nguyên nhân là do sự thiếu ý thức nghiêm trọng…

 Theo Trung tá Nguyễn Hồng Hùng, hiện trên cả nước số lượng bom mìn còn tồn đọng là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Do đó, đã có Chương trình 504 về “Làm sạch ô nhiễm bom đạn sau chiến tranh ở Việt Nam ”, nhằm hạn chế hậu quả bom mìn thời chiến tranh.

Riêng ở tỉnh Vĩnh Long, qua đánh giá và thống kê sơ bộ, đây là một tỉnh trọng điểm ở khu vực miền Tây về ô nhiễm bom đạn. Theo đó, Chương trình 504 sẽ chọn Vĩnh Long để thực hiện ngay trong giai đoạn 2013- 2015.

Từ đầu năm đến nay, đã rà soát, thu gom và xử lý 11 quả bom ở các địa phương, hơn 2 tấn đạn các loại. Loại đạn cối 61mm bị nổ ở Hiếu Nghĩa vừa qua là loại nhỏ mà hậu quả để lại đã rất lớn. “Có thể tưởng tượng nếu không kịp thời rà soát, xử lý khi người dân chưa có ý thức cao thì hậu quả còn ghê gớm đến mức nào”- Trung tá Nguyễn Hồng Hùng nói.


Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 2/12. Bụi trúc là nơi lưu trữ đầu đạn pháo.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Hồng Hùng, xác suất là khoảng 80% bom đạn tồn đọng có khả năng phát nổ. Tuy nhiên, hiện nay theo đánh giá thì nhận thức của người dân còn rất đơn thuần, chủ quan. “Có khi đào lên được, biết là bom đạn nhưng không báo với chính quyền địa phương. Tự ý quăng bỏ sẽ gây hậu quả rất lớn.
 
Ở một số địa phương còn có tình trạng dùng máy rà kim loại để thu phế liệu. Nếu gặp trúng bom mìn mà không báo thì đây là hành vi trái phép. Nếu xảy ra sự cố là hành vi thiếu ý thức nghiêm trọng, là tội ác.

Sự việc nổ trái đạn pháo gần đây tại xã Hiếu Nghĩa là một cảnh báo cho sự thiếu trách nhiệm, bất cẩn và ý thức kém. Qua đó, cần phải có sự chuyển biến tích cực hơn nữa từ người dân, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với sự nguy hiểm của “thần chết thời hậu chiến tranh”.

Theo Trung tá Nguyễn Hồng Hùng, ở một số địa phương, công tác tuyên truyền còn thật sự chưa sâu, rộng, ý thức của người dân qua đó cũng kém. “Bom đạn tồn đọng đều có khả năng phát nổ nhưng chỉ nổ khi có tác động trực tiếp vào nó. Do đó khi phát hiện cần phải báo lên chính quyền, quân sự, công an địa phương. Tuyệt đối không được tác động vào nó để tránh gây hậu quả đáng tiếc”- Trung tá Nguyễn Hồng Hùng cho biết.

Chiều ngày 4/12, đoàn Báo Vĩnh Long do ông Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân trong vụ nổ đạn cối tại xã Hiếu Nghĩa. Thân nhân 4 bé không may tử vong được trao tặng 2 triệu đồng/bé; 2 bé bị thương là 1 triệu đồng/bé. Tổng cộng là 10 triệu đồng, trong đó Khu khám Đa khoa kỹ thuật cao Loan Trâm (TP Vĩnh Long) ủng hộ 3 triệu đồng.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN- THÚY QUYÊN


Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh