Thời gian qua, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất…, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động cũng đã được tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện nhằm giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống.
Trang điểm, bới tóc cô dâu, chăm sóc da mặt đang là nghề “hot”, có thu nhập cao thu hút nhiều phụ nữ tham gia.
Thời gian qua, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất…, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động cũng đã được tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện nhằm giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống.
Nhận thấy mức sống trên địa bàn TP Vĩnh Long khá cao nên TP Vĩnh Long đã linh động mở thêm các lớp dạy nghề nữ công gia chánh, thẩm mỹ, tin học,… Nhiều lao động có thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và việc linh động thay đổi hình thức này đã đáp ứng được yêu cầu của lao động.
Bà Nguyễn Thị Yến Xuân- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3 cho biết: “Đây là các lớp học miễn phí cho hội viên có nhu cầu trên địa bàn. Giáo viên là những đầu bếp chuyên nghiệp đang làm việc tại các nhà hàng được Hội Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu giảng dạy. Đặc biệt, hội viên nghèo khi tham gia còn được hỗ trợ 15.000 đ/buổi”.
Bà La Thị Kim Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 5 cho biết: “Mở lớp nữ công gia chánh nhằm giúp phụ nữ có việc làm, giải quyết tình trạng lao động nhàn rỗi trong hộ gia đình. Đồng thời, cải thiện đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp chị em xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Một trong số những nghề đào tạo cho lao động phổ thông được giới trẻ quan tâm là ngành thẩm mỹ. Do xã hội có nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, khiến cho những nghề này dễ tìm việc làm. Người học có nhiều sự lựa chọn tùy theo sở thích của mình với các lĩnh vực như: làm tóc, trang điểm, chăm sóc da, làm móng.
Có điều đây cũng là ngành khó, đòi hỏi người học cần phải có năng khiếu về thẩm mỹ. Từ đầu năm đến nay, trên 210 phụ nữ ở TP Vĩnh Long đã đăng ký tham gia học 7 lớp nữ công gia chánh, kỹ thuật thẩm mỹ. Em Ngọc Lan cho biết: “Ai cũng cần làm đẹp và thích làm đẹp nên sau khi học làm tóc, trang điểm, vẽ móng,… em sẽ dễ tìm được việc làm có thu nhập cao”.
Các lớp dạy nghề sinh vật cảnh không chỉ thu hút lao động ở nông thôn mà lao động ở các vùng ven TP Vĩnh Long cũng rất hăm hở tham gia học bởi đây là một nghề có thu nhập cao. Hàng năm, Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp với các trung tâm dạy nghề huyện, thành phố mở trên 30 lớp dạy nghề sinh vật cảnh để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách trồng sao cho đạt hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động tăng thêm thu nhập.
Với phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, thời gian qua, Ban chỉ đạo thực hiện đề án đã triển khai thí điểm mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.
Cụ thể, là đã ký hợp đồng dạy nghề may công nghiệp, may giày da theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Một số đơn vị còn tổ chức dạy nghề theo địa chỉ, gắn kết đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động có hiệu quả.
Xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội, ngành chức năng TP Vĩnh Long dự báo giai đoạn 2011- 2020, mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 3.500 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt từ 90% trở lên.
Trong đó, dạy nghề nông nghiệp bao gồm các lĩnh vực: cải tạo và xử lý đất, nguồn nước, quản lý kinh doanh cho các tổ hợp tác xã, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật thu hoạch sơ chế và xử lý nông sản. Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở dạy nghề lao động nông thôn, tăng cường đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm TP Vĩnh Long.
Lao động nông thôn xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long học “uốn cây” trong lớp dạy nghề sinh vật cảnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề TP Vĩnh Long đã tổ chức khai giảng 28 lớp có 731 học viên. Đào tạo các ngành nghề chủ yếu như: tin học văn phòng, tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật thẩm mỹ, kỹ thuật trồng cây kiểng.
Theo ông Đỗ Hữu Trí- chuyên viên Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Vĩnh Long: “Trong các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn thì ngành trang điểm thu hút đông học viên nhất vì đây là ngành dễ học”. Cũng theo ông, nhu cầu học nghề của người dân ở TP Vĩnh Long chủ yếu nghiêng về các ngành phi nông nghiệp và tập trung mạnh ở các xã.
Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ diễn ra nhanh hơn, nhu cầu học các ngành nghề phi nông nghiệp của lao động nông thôn cũng sẽ tăng lên.
Với mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” có tổng kinh phí là trên 615 tỷ đồng. Trong đó Trung ương hỗ trợ trên 435 tỷ, ngân sách tỉnh chi 155 tỷ, nguồn huy động xã hội hóa dạy nghề dự kiến là trên 24 tỷ.
Trong điều kiện đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp truyền thống đã đạt đến sự ổn định, thu nhập từ nông nghiệp không đủ để đáp ứng cho các nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Vì vậy, việc phát triển dạy các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, là hướng đi đúng đắn. Vĩnh Long phấn đấu đưa tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 55% vào năm 2015 và đạt 75% vào năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX đã đề ra.
Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin