Duy trì thế mạnh, hướng mở mới nghề

05:12, 07/12/2012

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Long Hồ thời gian qua thường nghiêng về đan đát- nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN).


Thu nhập khá ổn định từ nghề đan các sản phẩm từ lục bình đã giúp bác Hai Son cải thiện cuộc sống.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Long Hồ thời gian qua thường nghiêng về đan đát- nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN).

Hướng tới, huyện vẫn duy trì thế mạnh này, song hành là mở rộng đào tạo nghề nông thôn “xoáy” vào nông nghiệp để đáp ứng đa dạng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

“Được cái nghề này cũng đỡ lắm!”

Ông Nguyễn Thành Tâm (Hai Son, ngụ ấp Thông Quan, xã Phú Đức- Long Hồ) tâm tình với tôi như vậy khi đang ngồi trên võng nhẩn nha bện từng cọng lục bình theo khuôn hình chữ nhật như chiếc hộp. Ông thấy vui và ý nghĩa từ “nghề đan thảm lục bình” của mình.

Bác Hai Son kể: “Tui “vào nghề” đã 8 năm rồi. Trong đó độ 3 năm nhà tui tự trồng lục bình, tự đan và tự bán sản phẩm làm ra cho thương lái. Còn 5 năm nay thì hợp đồng với cô Thảo, từ nguồn cung sợi lục bình khô, đến mẫu mã các mặt hàng, cách thức đan và khâu đầu ra sản phẩm.”

Cô Thảo mà bác Hai Son nói ở đây là chị Nguyễn Thị Kim Thảo- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Đức– “đầu mối” cho hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương.

Bác Hai Son năm nay 60 tuổi, bị liệt đôi chân từ nhỏ nên có được cái nghề nhẹ nhàng lại có tiền này là rất quý. “Có cái nghề này cũng đỡ đần cho nhà tui lắm đó chú. Tiền điện, nước, mắm muối, dầu lửa nước mắm...”- bác Hai Son nói với vẻ hài lòng. Ở ấp Thông Quan, nhiều nhà cũng “có nghề” đan đát này như nhà bà Ba Yên, bà Tư Sơn,... và từ đó có thêm một phần thu nhập gia đình, cải thiện cuộc sống.

Do tật nguyền nên bác Hai Son nằm võng đan chứ không ngồi đan được như người bình thường. Mỗi ngày bác và bác gái dụng công cật lực đan, thu nhập cũng tầm 40 ngàn đồng. “Làm có chậm hơn người trẻ, tui rỉ rịch từng chút, rồi cũng ra sản phẩm ngon lành. Đan ban ngày chưa nhiều, tối rãnh tôi đan tới 9-10 giờ đêm”.

Sản phẩm của nhà bác hầu hết từ lục bình và cói, khá đa dạng: thuyền, hộp, tủ, bình,... Nguyên vật liệu thì tận dụng lục bình nuôi vườn nhà và từ nguồn cung cấp của chị Thảo.

Nói về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chị Thảo cho biết: Trong năm 2012 này, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp vận động mở được 12 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp và 1 lớp nấu ăn với gần 500 học viên học. Đan lục bình, đan đĩa, đan hộp cói, may yếm dừa,... là các nghề “chủ đạo” mùa nông nhàn và cả khi vào mùa vụ trên địa bàn xã.

“Thuận tiện cái là học nghề này khá dễ, lại không mất công nhiều, nên người dân cũng hăng hái. Xã Phú Đức cũng có lợi thế là có nhiều đại lý nhận các loại sản phẩm đan đát nên đầu ra giải quyết tốt. Ngoài cung cấp cho công ty tại Khu công nghiệp Hòa Phú, chúng tôi còn liên kết cung cấp sản phẩn đan đát từ lục bình cho các nhà tiêu thụ ở Đồng Tháp, Long An”, chị Thảo giải thích đầu vào– đầu ra của nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn những năm qua.

Theo chị Thảo, bình quân mỗi người một ngày đan thành phẩm thu nhập cũng tầm 25 ngàn đồng, còn riêng với những người xem đan đát này như thu nhập chính thì ngày thu nhập 50- 60 ngàn đồng.

Hướng đến chuyên môn mới

Chị Thảo nói ở Phú Đức có đặc điểm là khi hết mặt hàng nghề đan đát nào thì hội phụ nữ xã sẽ phối hợp tìm mặt hàng khác để bà con “có nghề” quanh năm, giúp họ duy trì thu nhập ổn định. Định hướng năm 2013, chị Thảo cho hay sẽ mở khoảng 10 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp– nghề thế mạnh của địa phương – và 2 lớp dạy nghề xây dựng cho người dân có nhu cầu làm thợ hồ, cũng như mở 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân trên địa bàn xã.


Hội phụ nữ xã Phú Đức luôn là “cơ sở” để bà con trên địa bàn có nhu cầu sẽ được học nghề và có công việc lúc nông nhàn.

Theo anh Nguyễn Trọng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Long Hồ, định hướng năm 2013, trung tâm sẽ đào tạo chủ lực các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho bà con.

 “Tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng cây ăn trái, canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, chăn nuôi là nội dung đào tạo nghề trung tâm mở trong năm sau”, theo anh Quang.

Còn các lớp nghề tiểu thủ công nghiệp, khi mở thì nhất quyết phải hướng đến giải quyết được việc làm, để người dân yên tâm học, làm và tạo thu nhập – “Theo tinh thần của Huyện ủy, UBND huyện và ban chỉ đạo đề án này, chúng tôi luôn gắn chặt giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn”.

Trong năm 2012, Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm Long Hồ đã mở được 84 lớp dạy nghề nông thôn với tổng cộng 2.473 người theo học. Số này vượt so 1.700 chỉ tiêu của đề án giao cho trung tâm. Trong đó nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm đa số với 51 lớp (1.648 học viên).

Các địa bàn xã, thị trấn: Long Hồ, Phú Đức, Long An, Thạnh Quới, Tân Hạnh, Long Phước,... tập trung đông lao động theo học nghề tiểu thủ công nghiệp. Còn tổng số lao động đào tạo nói trên có việc làm là 1.947 học viên.

Cũng theo trung tâm, hàng năm tỷ lệ người lao động nông thôn tham gia học nghề và được giới thiệu có việc làm luôn cao hơn năm trước. Anh Quang cho biết: “Hướng sắp tới, chúng tôi đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh và các sở, ban ngành cần nghiên cứu, liên kết với nhau để cung cấp thêm nhân lực (cán bộ đào tạo nghề), đào tạo giáo viên cơ hữu, cũng như phân bổ nguồn kinh phí kịp thời cho địa phương để triển khai đào tạo nghề và giải quyết việc làm đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao”.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh