Đừng để người già cô đơn giữa phố

10:12, 14/12/2012

Bên cạnh bức tranh sinh động về những người cao tuổi ở phố sống vui, sống khỏe… thì vẫn còn đó những người già neo đơn hay cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Cần lắm sự quan tâm, sẻ chia nhiều hơn từ phía gia đình và cộng đồng!

Bên cạnh bức tranh sinh động về những người cao tuổi ở phố sống vui, sống khỏe… thì vẫn còn đó những người già neo đơn hay cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Cần lắm sự quan tâm, sẻ chia nhiều hơn từ phía gia đình và cộng đồng!

Cụ Nguyễn Thị H. (90 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) suốt ngày chỉ ở quanh quẩn trong nhà. Cụ sống với hai con gái đều hơn 50 tuổi. Người con lớn thường ra ngoài mua bán, người còn lại thì bị chứng lảng tai như cụ. Ngại nói vì lảng tai nên mỗi ngày trôi qua với cụ thường là những ngày dài đung đưa trên võng trong yên lặng. Vận động duy nhất trong ngày là “lần tường” đi tắm và niềm vui là có ai đi ngang thì cho cụ hỏi “hôm nay là thứ mấy?”

Suốt ngày cụ Phạm Thị Hường thường quanh quẩn trên võng, chờ con cháu về.


Cụ bảo: “Ở trong nhà hoài buồn lắm, muốn ra ngoài dạo nhưng chân yếu quá phải có người đỡ mới đi được. Mà như vậy thì mất công lại làm phiền con cháu”. Tất nhiên, cụ rất vui mỗi khi có ai khơi chuyện và cùng ngồi nghe cụ huyên thuyên kể về những… chuyện ngày xưa. Cô Trang– người con lớn của cụ bộc bạch: “Biết má ngồi một mình tối ngày không nói năng gì với ai cũng buồn nhưng bận rộn quá, đâu có thời gian”.

Cụ Phạm Thị Hường (77 tuổi, Khóm 1, Phường 2) ở cùng vợ chồng người con gái trong căn nhà tình thương nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con rể phải đi làm hồ tận TP Hồ Chí Minh. Con gái thì giúp việc nhà, có 2 cháu thì đứa đi học, đứa cũng bỏ học giữa chừng theo cha đi giữ trẻ. Mỗi người mỗi việc nên suốt ngày cụ chỉ ở nhà một mình. Cụ than thở: “Mấy đứa nhỏ đi hết thì tối ngày tui chỉ nằm treo trên võng vầy thôi. Thỉnh thoảng có vài người bạn già ghé chơi nhưng được một lát rồi người ta cũng về. Ở đây, nhà ai việc nấy, đa số đóng kín cửa suốt ngày. Hễ tui buồn thì đi vòng vòng… từ trước ra đằng sau, rồi lại nằm. Ngóng con cháu về”.

Nhớ về quãng đời cơ cực đã qua, cụ bùi ngùi: “Lúc còn trẻ tui bán rau cải ở chợ nuôi 5 người con, nhiều người quen mặt gọi tui là bà Ba rau cải. Giờ lớn tuổi rồi mà chưa được yên tâm. Tôi bị bệnh tim, phổi, nhiều khi ở nhà một mình chợt nghĩ: Lỡ mình có mệt rồi chết cứng ở nhà cũng hổng ai hay!”

Trong căn nhà nhỏ vách gỗ đơn sơ, cụ Lý Thị Vinh (70 tuổi, cũng ở Khóm 1, Phường 2) chỉ sống một mình mấy chục năm nay. Khi còn khỏe mạnh, cụ vấn thuốc bán kiếm tiền nhưng từ ngày bị ngã, rồi bệnh đau tim cụ chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của phường (180.000 đ/tháng) và thỉnh thoảng là tiền các cháu đang sống ở TP Hồ Chí Minh gửi về. Cụ nói: “Tui sống một mình như vậy 25 năm rồi. Cứ quanh quẩn dọn dẹp, quét tước trong nhà. Thỉnh thoảng thì đi chùa”. Khi chúng tôi hỏi, cụ sống có một mình, lỡ đau yếu thì làm sao? Cụ nói: “Thấy mệt mệt thì tôi kêu hàng xóm. Nhưng cũng có lần đi bệnh viện có một mình, bác sĩ bảo phải nhập viện, cần có người nhà. Tôi định về kêu mấy cháu nuôi nhưng chưa kịp về thì bệnh trở nặng, phải vô cấp cứu một mình”.

Tuổi già dễ đau yếu và thường có những thay đổi lớn về tâm tư, tình cảm… rất cần được thấu hiểu, sẻ chia. Có ý kiến cho rằng, nếu nói cô đơn thì người già ở phố sẽ cô đơn hơn người già ở thôn quê. Bởi lẽ, không gian ở đô thị thường bó hẹp, cuộc sống thường tất bật hơn nên tình nghĩa xóm giềng cũng không thắm thiết kiểu “tối lửa tắt đèn có nhau” như ở thôn quê được. Vì vậy, con cháu cần tìm hiểu những thay đổi đó, cần thể hiện sự hiếu thảo nhiều hơn đối với ông bà, cha mẹ. Bên cạnh, xã hội cũng cần quan tâm hơn để người già không cô đơn giữa phố phường nhộn nhịp.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh