Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế

04:12, 14/12/2012

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã mở ra cơ hội học nghề cho lao động nông thôn. Không chỉ có thế, tại Vĩnh Long, nhiều lao động sau khi học nghề đã có nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân ở các vùng nông thôn.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã mở ra cơ hội học nghề cho lao động nông thôn. Không chỉ có thế, tại Vĩnh Long, nhiều lao động sau khi học nghề đã có nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân ở các vùng nông thôn.

Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 28.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó, lao động ở vùng nông thôn chiếm 70%. Nhằm tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn có thêm việc làm, ổn định cuộc sống, từ cuối năm 2010, Nhà nước đã triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Niềm vui nhận chứng chỉ nghề xây dựng của lao động nông thôn xã Mỹ Lộc (Tam Bình).

Hơn 2 năm thực hiện, Vĩnh Long đã đào tạo nghề cho hơn 19.600 người. Trong đó, lao động sau khi học nghề tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo chiếm trên 80%. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã mở được 421 lớp với số học viên nhận được sự hỗ trợ học nghề là 11.294 người. Hầu hết người học nghề đều tiếp cận và phát huy được kiến thức, biết cách làm ăn, tự tạo việc làm. Nhiều lao động được nhận vào làm việc ở các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, để có điều kiện nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Giày Trường An- Nguyễn Thanh Triều cho biết: “Công ty đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề số 9 để đào tạo nghề may công nghiệp theo địa chỉ cho trên 70 lao động theo Đề án 1956. Việc đào tạo nghề như thế này rất lợi cho doanh nghiệp, bởi lao động được đào tạo nghề đúng công việc của mình làm nên “chạy việc” rất nhanh. Sau khi học nghề xong, số lao động này được làm việc tại công ty với mức lương gần 2,5 triệu đồng/ tháng (bao cơm trưa)”. Giám đốc Nguyễn Thanh Triều cho biết thêm, công ty mở thêm cơ sở tại huyện Tam Bình, tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn. Hiện, công ty cần tuyển thêm 40 lao động may tại địa phương.

Em Khanh- công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại- dịch vụ Ngân Đình (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) cho biết: “Lúc mới làm, em được dạy cắt may, mỗi tháng em may được gần 2 triệu đồng. Công việc gần nhà, hổng tốn kém nhiều nên em để dành được chút ít tiền”.

Do đào tạo những ngành nghề phù hợp với người dân nông thôn, có thể ứng dụng để tìm việc làm ngay sau khi học, như các ngành tiểu thủ công nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật điện, sửa chữa xe máy, nữ công gia chánh, nên thu hút nhiều lao động tham gia, giúp cho việc chiêu sinh cũng thuận lợi. Anh Võ Minh Trung (Phường 9- TP Vĩnh Long) sau 6 tháng học nghề sửa xe gắn máy, anh thành thạo nghề nên sửa xe máy chạy “êm ru”, được nhiều khách hàng tìm tới. Hiện anh làm tại cơ sở bán phụ tùng xe gắn máy, với thu nhập từ 150.000- 200.000đ, ngoài ra trong những lúc rảnh rỗi cũng chạy kiếm mua xe máy cũ về sửa bán lại cũng thêm được chút ít.

Học nghề xong, nhiều lao động nữ nông thôn tự tin, khéo léo làm ra những sản phẩm thủ công bằng lục bình.


Ở các vùng nông thôn, những nghề đào tạo thu hút đông đảo phụ nữ tham gia nhất là nhóm nghề thủ công mỹ nghệ. Đây là những ngành đào tạo ngắn hạn, nhưng có đến 90% học viên có được việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học. Mặt khác, kiến thức và kỹ năng của nghề này khá đơn giản, không phân biệt tuổi tác, lại không đòi hỏi về mặt thời gian. Chính vì lý do đó mà những nghề này đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo đáng kể ở khu vực nông thôn. Tay thoăn thoắt đan từng sợi lục bình khô để làm thảm dĩa, chị Thanh Lan (xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đan thảm để có công ăn chuyện mần lúc huỡn. Đươn ngày kiếm bậy hai ba chục ngàn cho con đi học cũng đỡ lắm à”.

Nếu như các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, kỹ thuật nông nghiệp… thu hút phần lớn lao động ở độ tuổi trên 30 tham gia, thì các lớp cắt gọt kim loại, hàn, sửa chữa xe máy, điện thoại di động lại được lực lượng lao động trẻ yêu thích, do phù hợp với lứa tuổi và có thể mở tiệm làm ăn riêng. Em Trần Văn Sang (Trà Ôn,) không theo đuổi con đường học vấn, mà quyết định lựa chọn học nghề. Trước đây, em chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ chăm coi ruộng vườn. Được địa phương tuyên truyền phổ biến về lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn, em đã quyết định chọn lớp cắt gọt kim loại, với mong muốn có được một việc làm ổn định để tạo dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn. Em nói: “Rành nghề, em sẽ đăng ký học tiếng, để đi xuất khẩu lao động”.

Một trong số những nghề đào tạo cho lao động phổ thông được giới trẻ quan tâm là ngành thẩm mỹ. Do xã hội có nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, khiến cho những nghề này dễ tìm việc làm. Người học có nhiều sự lựa chọn tùy theo sở thích của mình với các lĩnh vực như: làm tóc, trang điểm, chăm sóc da, làm móng. Có điều đây cũng là ngành khó, đòi hỏi người học cần phải khéo tay và có năng khiếu về thẩm mỹ.

Em Nhi (Trung tâm Dạy nghề Tư thục Nguyên My- TP Vĩnh Long) cho biết: “Em thích học nghề trang điểm, làm tóc để làm đẹp cho mình và cho mọi người. Nghề này cũng cần có năng khiếu chút ít nhưng quan trọng là mình siêng thực hành là có thể làm đẹp, nghề cũng đang “hot” nên dễ tìm việc làm có thu nhập cao”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Một số ngành nghề chủ yếu để giải quyết việc làm trước mắt nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, và chưa gắn liền được với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Do đặc điểm nguồn lao động nông thôn đa số là lao động lớn tuổi, có trình độ học vấn tương đối thấp và khả năng tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn chậm nên chỉ phù hợp với các ngành nghề lao động giản đơn. Việc dạy những nghề có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có tính chuyên sâu và đào tạo các nghề có tính mũi nhọn đặc thù, để làm những việc có thu nhập cao, hoặc đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn còn chưa phổ biến.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, một bộ phận lao động nông thôn chưa có tay nghề không chịu học nghề mà thích đi làm ở các khu công nghiệp để có thu nhập ngay (dù lương thấp). một số ngành nghề đào tạo chủ yếu để giải quyết việc làm trước mắt chứ chưa thực sự mang lại hiệu quả cao và chưa gắn liền được với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trình độ lao động nông thôn còn thấp nên chỉ phù hợp với các ngành nghề đơn giản;…

Có thể nói, kết quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phần nào được khẳng định và phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao nhận thức, tay nghề cho nông dân, giúp bà con có đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp… là quan trọng. Một chuyện cũng quan trọng không kém theo phản ánh của người dân, trong việc mở lớp dạy nghề cần hướng tới sự đa dạng, cách hướng dẫn kỹ thuật nên theo cách “cầm tay chỉ việc” để giúp họ có thể vận dụng tốt những kiến thức được học sau này.

Dù còn tồn tại một số khó khăn, nhưng dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về mặt an sinh xã hội, mà còn có nhiều đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh