Trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất truyền thống nông nghiệp đạt đến sự ổn định, thu nhập từ nông nghiệp không đủ đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân thì chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là hướng đi đúng đắn và phát triển bền vững.
Cần có nhiều dịch vụ việc làm gắn với nông nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất truyền thống nông nghiệp đạt đến sự ổn định, thu nhập từ nông nghiệp không đủ đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân thì chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là hướng đi đúng đắn và phát triển bền vững.
Còn nhiều khó khăn
Lao động đang tham gia hoạt động kinh tế của Bình Tân là 58.420 người, trong tổng dân số của toàn huyện là 94.512 người.
Tuy nhiên, sức hút từ các khu công nghiệp, thương mại và đô thị đã thu hút nguồn lao động chất lượng của nông thôn. Những lao động ở lại nông thôn, phần lớn là người lớn tuổi, không được đào tạo nghề. Do đó, vấn đề đào tạo nghề ở nông thôn là vô cùng quan trọng và trở nên cấp thiết.
Nhìn lại Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục- đào tạo giai đoạn 2006- 2010, huyện Bình Tân chỉ tổ chức đào tạo nghề cho 387 lao động nông thôn, người nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí sử dụng là 170 triệu đồng. Cũng do khó khăn là những năm qua huyện chưa có trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, chỉ có 1 cơ sở dạy nghề tư thục.
Mặt khác, người lao động chưa nhận thức cao về việc học nghề và lập nghiệp, chủ yếu về vấn đề tâm lý học nghề và lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp với điều kiện bản thân và gia đình. Lao động nông thôn lại gặp khó khăn về thời gian học nghề, điều kiện đi lại và thời gian lao động sản xuất, do đó họ không muốn tham gia học nghề.
Ngoài ra, những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí, tổ chức thực hiện, là những yếu tố làm cho việc đào tạo nghề nông thôn chưa phát huy hết hiệu quả.
Định hướng bền vững
Dự báo, giai đoạn 2011- 2020 sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Theo đó, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội. Cụ thể: dạy nghề cho lao động nông thôn là 11.470 người.
Trong đó, dạy nghề nông nghiệp là 3.370 người; dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn chuyển sang làm việc ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động, dự kiến khoảng 8.100 người.
Bình Tân đã đề ra mục tiêu, đào tạo nghề hàng năm cho khoảng 1.400 lao động nông thôn. Nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật, đến năm 2015 lên 33% và đạt 70% vào năm 2020. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng 180 lượt cán bộ, công chức xã.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành kinh tế- xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, huyện đã rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Trong đó, chú trọng phát triển trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm công lập huyện làm nòng cốt.
Khuyến khích các cơ sở nghề công lập, cơ sở dạy nghề tư thục, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở giáo dục là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…
Đồng thời liên kết với các trường như: Trường Chính trị Phạm Hùng, Đại học Cần Thơ, Trường Trung cấp Nghề… mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo hướng xã hội hóa, có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bình Tân đã chọn xã Thành Đông làm xã điểm, tổ chức thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, rút kinh nghiệm tổ chức nhân rộng mô hình ra các xã trên địa bàn huyện. Chọn xã Tân Lược làm mô hình lao động trong các làng nghề truyền thống. Xã Thành Lợi làm thí điểm mô hình nông dân chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ.
Đưa nghề về nông thôn
Ông Nguyễn Văn Dư- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Bình Minh (trung tâm đã đảm trách công tác đào tạo nghề cho Bình Tân trong những năm qua), nhận định: “Lao động ở nông thôn không có việc làm ổn định, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, phát triển ngành nghề ở địa phương chưa xứng với tiềm năng.
Số lao động không có việc làm, thiếu việc làm, chưa chịu khó lao động, thiếu ý thức vươn lên còn phổ biến. Do đó công tác đào tạo nghề, nhất là khu vực nông thôn trở nên bức thiết và vô cùng quan trọng”.
Để chứng minh cho tính hiệu quả của công tác dạy nghề, chúng tôi về thăm một số lớp nghề ở nông thôn, trong đó lớp đan đát ở ấp Mỹ Tú, xã Mỹ Thuận, đã giúp bà con tăng thêm thu nhập ổn định ngoài công việc nông nghiệp thường nhật.
Chị Nguyễn Thị Mộng- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Thuận cho biết: “Từ lớp học nghề, qua 5 tháng, bà con ở đây đã có việc làm thường xuyên, tăng thêm thu nhập đáng kể. Hội sẽ đề xuất với xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Bình Minh nhân rộng mô hình này ra 8 ấp.
Đặc biệt là các lớp kỹ thuật trồng khoai, đang có nhu cầu rất cao, do diện tích trồng khoai đang mở rộng ra ở Bình Tân và cả Bình Minh. Sắp tới sẽ mở 2 lớp kỹ thuật trồng khoai ở ấp Kinh Mới”.
Chị Trần Thị Mưa là Tổ phó tổ đan đát phấn khởi cho biết, thu nhập của mình khá ổn, mỗi ngày chị đi làm cỏ, nhổ khoai, lựa khoai… Nếu làm buổi đứng đến 2 giờ chiều được khoảng 120.000 đồng.
Từ đó đến tối chịu khó tranh thủ đan thêm cũng được trên dưới 50.000 đồng. Nếu ai siêng hoặc nhà có đông người cùng xúm lại làm thì thu nhập sẽ cao hơn. Với mỗi bộ sản phẩm gồm 3 cái có kích cỡ khác nhau, sẽ được tiền công là 60.000 đồng.
Giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo là mục tiêu lâu dài nhằm thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm phát triển bền vững. Và giảm nghèo luôn gắn chặt với đào tạo, dạy nghề. Vì vậy, chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là hướng đi đúng đắn và phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin