Bình Minh là huyện có phong trào làm công tác từ thiện mạnh. Ngoài những nguồn quỹ hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, tập hợp được nhiều tổ chức tự nguyện, nhiều Mạnh thường quân, cùng chung tay làm từ thiện. Có được kết quả này cũng chính là nhờ giữa chính quyền và nhân dân có một sự thống nhất, nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”
Bình Minh là huyện có phong trào làm công tác từ thiện mạnh. Ngoài những nguồn quỹ hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, tập hợp được nhiều tổ chức tự nguyện, nhiều Mạnh thường quân, cùng chung tay làm từ thiện. Có được kết quả này cũng chính là nhờ giữa chính quyền và nhân dân có một sự thống nhất, nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách” tại địa phương…
Nhiều kết quả thơm thảo
Trong năm qua, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với MTTQ tỉnh tổ chức thăm và tặng quà cho 376 hộ nghèo ở các xã- thị trấn nhân dịp Tết Nguyên đán 2012, với tổng trị giá 113 triệu đồng. Đồng thời xuất quỹ “Vì người nghèo” của huyện để thăm và tặng 10 phần quà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết (300.000 đ/phần). Phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cùng MTTQ các xã: Thuận An, Đông Bình và Mỹ Hòa tặng 455 phần quà cho hộ nghèo trị giá trên 2 tỷ đồng, do tổ chức GNI (Hàn Quốc) hỗ trợ.
Đóng góp của các nhà hảo tâm được Ban từ thiện chùa Đông Phước công khai trên bảng.
|
Bên cạnh đó, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” huyện đã tổ chức lễ phát động và tiếp nhận ủng hộ đến nay được trên 588 triệu đồng, đạt 108% kế hoạch. Xuất quỹ để xây 2 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Đông Thành và Đông Thạnh, tổng cộng 50 triệu đồng. Hỗ trợ cho một hộ nghèo bị cháy nhà ở Đông Thành với số tiền 3 triệu đồng, hỗ trợ mổ tim trị giá 41 triệu đồng. Riêng MTTQ các xã, thị trấn đã vận động quỹ “Vì người nghèo” được trên 245 triệu đồng… Thông qua các cuộc vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền mặt, vật chất cho các hoạt động an sinh xã hội với tổng trị giá đến nay được trên 8,2 tỷ đồng, vượt 116% so với với chỉ tiêu được giao.
Theo Ủy ban MTTQ huyện Bình Minh, nổi bật trong vận động là hỗ trợ các hộ nghèo, cất nhà, điều trị bệnh, hỗ trợ vốn, mua bảo hiểm y tế của Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ em mồ côi- bệnh nhân nghèo và Ban đại diện Phật giáo Việt Nam huyện; Hội Cựu chiến binh với mái ấm đồng đội; Hội Chữ thập đỏ với Địa chỉ nhân đạo; Liên đoàn Lao động với vận động quỹ “Tấm lòng vàng”, quỹ học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và công nhân viên chức lao động nghèo; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Nông dân với vận động vốn hỗ trợ hộ nghèo, giúp cây con giống, quỹ học bổng và hỗ trợ điều trị bệnh,…
Riêng công tác xây nhà theo Chương trình 167 và chính sách đền ơn đáp nghĩa, huyện cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến nay, huyện đã xây được tổng cộng 391 căn. Xây một căn nhà tình thương trị giá trên 51 triệu đồng do Tổ chức Trẻ em mồ côi Đông Nam Á tài trợ. Thực hiện vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2012 được gần 130 triệu đồng, nâng tổng quỹ lên trên 1,262 tỷ đồng. Trong năm, đã xây 5 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tổng số tiền là 165 triệu đồng, sửa chữa 54/62 căn, tổng trị giá 825 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Chín- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở Bình Minh đạt nhiều kết quả quan trọng. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm từ các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Qua đó, công tác vận động phải phối hợp, phân công rõ ràng, cụ thể và nhất quyết phải công khai, minh bạch,…
Những người “vác tù và hàng tổng”
Đến chùa cổ Đông Phước ở xã Đông Bình, chúng tôi được ông Phạm Văn Quang (55 tuổi) giới thiệu về hoạt động của Ban từ thiện của chùa do Đại đức Thích Phước Văn- Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Bình Minh, phụ trách. Dù mới thành lập mấy năm nay, nhưng hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều Mạnh thường quân ở địa phương.
Ông Quang cho biết, do kinh tế gia đình khá ổn định, việc nhà có bà xã quán xuyến, nên dành nhiều thời gian cho công tác xã hội. Về việc vận động đóng góp vào quỹ từ thiện của ban, phần lớn là những phật tử; nếu ai khá thì đóng góp 2 triệu đồng/năm, hoặc có thể tùy vào khả năng của mình mà 2- 3 người cùng góp 1 phần trong 2 triệu đồng. Đây là quỹ dành riêng để xây nhà cho bà con nghèo, mỗi căn từ 30 đến trên 40 triệu đồng. Nguyên do thành lập quỹ xây dựng nhà là trước đây các phật tử có đóng góp quỹ 10.000 đ/người, dành để hỗ trợ gạo hàng tháng hoặc thăm nom những gia đình nghèo bệnh tật, người già neo đơn… Năm 2010, quỹ tồn trên 20 triệu đồng nên đã kết hợp với xã Đông Bình, xây dựng được 2 căn nhà tình nghĩa. Từ đó, ông Quang mới đề nghị với thầy Thích Phước Văn nên lập riêng quỹ xây nhà và đã được mọi người đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Chín nhận định, cách làm của chùa Đông Phước có cái hay là khi xây nhà luôn có sự kết hợp với chính quyền địa phương, người thân của gia đình đóng góp thêm. Khi làm lễ bàn giao nhà, có thông báo rộng rãi cho mọi người cùng tham dự, nhiều Mạnh thường quân hỗ trợ thêm tiền mặt, các trang thiết bị, vật dụng thiết yếu trong nhà.
Từ hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, chị Sơn Thị Kim Hường (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình) đã vươn lên khá giả.
|
Một trong những điểm nổi bật của Bình Minh trong việc làm từ thiện, chính là ngành Đông y của huyện. Mỗi năm, người dân địa phương đã đóng góp hàng trăm tấn thuốc, qua những chuyến đi sưu tầm thuốc ở trong và ngoài tỉnh. Từ phong trào làm từ thiện, có rất nhiều những con người điển hình, nhiều cách làm sáng tạo, độc đáo, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nghèo, đồng thời làm đẹp cho đô thị lẫn nông thôn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y huyện Bình Minh cho biết, vừa qua được sự đồng ý, ủng hộ của Phòng Quản lý đô thị, hội đã trồng thử nghiệm một số loại cây thuốc Nam trên các công trình đô thị của thị trấn Cái Vồn, vừa tạo thêm nguồn thuốc, vừa tiết kiệm và tạo nên vẻ đẹp, cho những mảng xanh đô thị. Sáng kiến này, phát huy từ việc làm thầm lặng của ông Nguyễn Văn Hai (Hai Te) ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa. Mười mấy năm làm công tác từ thiện tham gia sưu tầm thuốc Nam, giờ đây chú Hai là nhân tố quan trọng giúp hội gầy dựng phong trào trồng cây thuốc ở địa phương.
Như phát biểu của Chủ tịch MTTQ huyện: “Công tác từ thiện của Bình Minh phát triển mạnh, bắt nguồn từ việc MTTQ huyện đã tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên. Nổi bật như Hội Bảo trợ Người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Trong quá trình vận động, có sự công khai, minh bạch nên đã tạo được niềm tin của quần chúng, các Mạnh thường quân. Từ đó góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin