Hết lòng vì học sinh nghèo

06:12, 23/12/2012

Ba năm liền, một quán ăn miễn phí cho học sinh nghèo kết hợp với tủ sách giáo khoa khuyến học ở TX Sa Đéc (Đồng Tháp) thật sự đã làm no lòng vững dạ hàng trăm học sinh nghèo ở các trường THPT nơi đây.


Một bữa ăn trưa ở bếp ăn khuyến học trên đường Nguyễn Sinh Sắc.

Ba năm liền, một quán ăn miễn phí cho học sinh nghèo kết hợp với tủ sách giáo khoa khuyến học ở TX Sa Đéc (Đồng Tháp) thật sự đã làm no lòng vững dạ hàng trăm học sinh nghèo ở các trường THPT nơi đây.

Từ quan niệm “Bất cứ tổ chức nào mà phục vụ cho dân thì có sức dân, kèm theo quản lý trong sáng thì sẽ tồn tại và phát triển”- thầy Nguyễn Văn Mốt đã đề xuất hình thức tiếp sức học sinh nghèo thật độc đáo này.

200 suất miễn phí/ngày

Ông Nguyễn Thiên Tân- Phó Phòng Giáo dục TX Sa Đéc (Đồng Tháp) giới thiệu cho chúng tôi biết về mô hình này. Từ năm 2010, bếp ăn này là ngôi nhà chung cho các em học sinh nghèo xa nhà no lòng bữa cơm trưa, là nơi tiếp sức cho các em học sinh đến trường bằng nhiều hình thức. Thầy Nguyễn Văn Mốt- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức là người đưa ra ý tưởng và thành lập.

Nằm lộ thiên trên đường Nguyễn Sinh Sắc (Phường 1), Quốc lộ 80, “bếp ăn khuyến học” là mối quen của những em học sinh nghèo các trường ở đây. Gần 11 giờ trưa, bên ngoài bếp ăn, xe đạp được dựng thành nhiều hàng. Bước vào, bếp ăn trông rất thoáng mát, sạch sẽ và đặc biệt có cảm giác rất thân thiện.

Em Thúy Hằng (học lớp 10- THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu) cùng 3 người bạn chung lớp đang dùng cơm rất vui vẻ. Em cho biết, nhà em ở xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành), cách trường 15 cây số, thầy cô chọn những bạn có hoàn cảnh ở xa, nhà khó khăn để giới thiệu ăn trưa miễn phí ở đây. Phải đăng ký trước, thường là đăng ký 1 tuần ăn mấy bữa để ở đây mấy cô nấu.

Nếu không ăn thì báo trước 7 giờ sáng. Thu Trang bạn cùng lớp với Hằng nói thêm: “Ăn ở đây rất ngon miệng như ở nhà. Mỗi ngày thay đổi món, nên tụi em ăn không ngán”. Ăn xong, các em tự rửa, úp chén lên kệ gọn gàng.

Trưởng bếp- cô Lâm Thị Đặng ở xã Tân Phú Đông (Châu Thành) cho biết: Số học sinh đăng ký là 241 em, nhưng phục vụ từ 180- 200 suất cơm trưa/ngày tùy theo số lượng đăng ký.

Đến đây là các em học sinh ở 3 trường trên địa bàn TX Sa Đéc (THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, THPT TX Sa Đéc và THPT Nguyễn Du) thuộc các xã như Bình Tiên, Nha Mân, Tân Phú Trung (Châu Thành); Hòa Long, Tân Bình (Lai Vung), Tân Dương, Hòa Thành (Lấp Vò), Đức Thành (Cao Lãnh),…

Cô Đặng hàng ngày cưỡi xe máy hai bận để đi chợ sớm từ 6 giờ 30 phút để chế biến món ăn. Với số tiền 600- 700 ngàn đồng/ngày, cô phải cân đong từ hôm trước để nghĩ ra món gì ngon, bổ, rẻ. Khoảng 7 giờ 30 phút, nhóm thiện nguyện đến phụ cô nấu ăn.

Có 6 nhóm (mỗi nhóm 5 người) luân phiên nhau làm trong tuần. Hôm nào thiếu người thì nhờ người khác làm dùm. “Dù mệt nhưng thấy mấy đứa học sinh đến ăn ngon là tôi cảm thấy vui rồi!”- cô Đặng tâm sự.


 Bếp ăn khuyến học còn là nơi mượn sách, tiếp sức học sinh nghèo...

Hết lòng vì người nghèo

Tại bếp ăn có rất nhiều tủ sách do cô Lê Thị Phi, một cựu giáo chức phụ trách. Cô cho biết, nguồn sách này là do vận động các em đến đây ăn. Sách cũ không dùng thì mang lại tặng, hoặc biết ai có dư vận động. Có nhiều phụ huynh, các nhà hảo tâm biết được cũng tự nguyện vận động đem về đây.

Học sinh nghèo được cấp sách miễn phí. Cụ thể như các em ăn cơm tại bếp này đã được trường giới thiệu, đương nhiên là học sinh nghèo. Nếu học sinh không phải đối tượng này mà các trường có giấy giới thiệu đến cũng được cấp miễn phí. Nếu em nào có sổ hộ nghèo đến chẳng những được tặng sách mà còn được tặng thêm 10 quyển tập.

Nói về cách làm độc đáo này, thầy Nguyễn Văn Mốt nói: “Do nâng cao chất lượng dạy và học nên tăng tiết, học thêm, học 2 buổi thường xuyên. Tôi đi một vòng quanh các trường thấy có nhiều em đem mì gói, khoai lang, bắp nấu,… mang theo ăn ở hành lang. Các em cho biết do ở xa nên đâu có chạy về nhà mà ăn cơm. Thấy thương quá, tôi mới nghĩ ra bếp ăn khuyến học”.

Đi trình bày ý tưởng của mình, thầy Mốt đến Phòng Giáo dục, UBND thị xã, Thị ủy. Dù được đồng ý nhưng ai cũng lo bày ra thì dễ, duy trì khó lắm!

Thầy Mốt tâm sự, lúc chưa nghỉ hưu thầy là người sáng lập tổ từ thiện cấp cơm cháo nước cho Bệnh viện Sa Đéc trong tình hình kinh tế khó khăn. Lúc đó (24/7/1992) ai cũng sợ “chết yểu thì sẽ mất uy tín”.

Nhưng quan điểm của thầy: “Bất cứ cái tổ chức nào mà phục vụ cho dân thì có sức dân, kèm theo quản lý trong sáng thì sẽ tồn tại và phát triển”, vậy nên tổ cấp cơm cháo nước đã được tiến hành làm và đến nay đã tồn tại 20 năm.

Rồi thầy Mốt chợt cười, chậm rãi kể: “Tôi tập dưỡng sinh nên sáng nào cũng thức sớm. Lần đó đi qua căn nhà 242A- Nguyễn Sinh Sắc đang treo bảng bán nhà. Hôm ấy gặp được một người cũng tập thể dục, tôi lân la trò chuyện.

Hóa ra là ông Chín Đinh chủ nhà, cũng là chủ nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng nổi tiếng ở thị xã. Ông bị tiểu đường, đang ăn chay trường, căn nhà đang rao bán 2,3 tỷ đồng”. Thầy Mốt nói: “Anh Chín! Tôi nghĩ cuộc sống của anh giờ không thiếu thứ gì. Tiền của là vật ngoài thân. Lúc “ra đi” cũng chẳng mang theo được.

Thôi thì tích đức cho con!” Rồi thầy Mốt kể ý tưởng của mình. Ông Chín Đinh đồng ý ngay. Nhưng vẫn là căn nhà nhỏ, còn cái sân trống hoác...

Thầy gặp ông chủ vật liệu xây dựng Thanh Long bên kia lộ cho biết ý tưởng của mình.“Anh ta chẳng nói, chẳng rằng, hôm sau cho hơn chục công nhân qua đo đo, vẽ vẽ, đổ vật tư làm cái mái che trên 90 triệu đồng”- thầy Mốt vui vẻ nói.

Chuyện đặt 200 cái khay đựng thức ăn cũng ly kỳ không kém. Thầy Mốt đặt 200 khay, người ta đòi giá 45.000 đ/khay. Chuyện đến tai Thích nữ Như Tịnh ở chùa Phước Huệ, sư cô đem tiền trả luôn,…


Thầy Nguyễn Văn Mốt còn là thầy dạy dưỡng sinh: “Mỗi ngày nhớ đọc 3 bài thơ, hát 3 bài hát, cười 3 lần, nghĩ 3 điều tốt, làm 3 điều lành…”

Để duy trì bếp ăn, thầy Mốt nói: “Kết thúc năm học trước, bếp còn dư gần 80 triệu đồng. Hàng tháng có 15 doanh nghiệp ủng hộ. Chỉ doanh nghiệp Cỏ May thôi, mỗi tháng cho 800kg gạo. Dầu ăn Meizan cho 1 năm ăn không hết. Rau củ thì tiểu thương ngoài chợ cho. Tiền mặt chủ yếu mua thịt, cá, trứng… Các thứ có trước hết! Cơm gởi lò hấp ngoài bệnh viện tới giờ mang vô”.

Chúng tôi lo lắng: “2 năm nữa, tới hạn trả mặt bằng thầy sẽ làm thế nào? Thầy Mốt chia sẻ: “Lúc đầu thuyết phục làm bếp ăn này trần thân lắm. Nhưng bây giờ ai cũng biết thì chắc khi tìm chỗ khác sẽ dễ hơn nhiều rồi!”

Chợt nhận ra, với những “tổ chức, bếp ăn” hết lòng vì người dân như vậy và “được lòng” người dân đến vậy thì thầy Mốt sao không duy trì được?

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh