Sang “xứ kim chi” gặp khó

01:11, 13/11/2012

Việc Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động (LĐ) Việt Nam, Nhật Bản tuyển dụng đòi hỏi LĐ có tay nghề cao, LĐ không mặn mà với thị trường Malaysia,… đã làm tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) tỉnh Vĩnh Long gặp khó khăn.


Lao động học tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.

Việc Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động (LĐ) Việt Nam, Nhật Bản tuyển dụng đòi hỏi LĐ có tay nghề cao, LĐ không mặn mà với thị trường Malaysia,… đã làm tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) tỉnh Vĩnh Long gặp khó khăn.

Chờ cơ hội sang “xứ kim chi”

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động (LĐ-TB và XH) Nguyễn Thanh Hòa, do số LĐ bỏ trốn cao, các biện pháp chống trốn chưa hiệu quả nên Bộ LĐ và Việc làm Hàn Quốc có quyết định tạm dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có số LĐ bỏ hợp đồng làm việc bất hợp pháp đông nhất. Tính đến tháng 9/2012, trong số hơn 75.000 LĐ nước ngoài bỏ trốn ở Hàn Quốc, Việt Nam dẫn đầu với trên 11.000 người.

Năm 2012, phía Hàn Quốc đã giảm chỉ tiêu hồ sơ dự tuyển của LĐ Việt Nam   từ 15.000 hồ sơ xuống còn 6.000 hồ sơ. Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết đến nay, số LĐ Việt Nam được tuyển chọn đã đủ chỉ tiêu.

Do vậy, từ nay đến cuối năm, Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng LĐ trung thành (không đổi chủ sau khi sang Hàn Quốc) và LĐ hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn chứ không tuyển mới. Đến cuối tháng 9/2012, có trên 560 người thuộc 2 đối tượng trên được phía Hàn Quốc tái tuyển dụng.

Do ảnh hưởng của quyết định trên, hơn 12.000 người đã có hồ sơ dự tuyển từ cuối năm 2010 đến nay sẽ mất cơ hội dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2012. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm sẽ không có đợt kiểm tra tiếng Hàn nào được tổ chức.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long, hiện trung tâm có trên 1.150 LĐ mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc trước quyết định trên. Trong đó, có 950 LĐ đang chờ thi tiếng Hàn và trên 200 LĐ trúng tuyển đợt kiểm tra tiếng Hàn vào năm 2011 và đang chờ phía Hàn tuyển dụng.

Anh Tr. D. (quê Tam Bình) đã hoàn tất các điều kiện tay nghề, thi tiếng, đang đợi cơ hội đi làm việc ở Hàn Quốc bức xúc: “Tụi tui bỏ hơn chục triệu cho việc học, ăn ở, thi cử, nay tiền mất mà cơ hội coi như chấm hết”.

Em Bảo Trung (24 tuổi, quê Trà Ôn) cho biết: “Em đi làm ở Nhật rồi nên định sang Hàn làm tiếp. Học xong tiếng, thi đậu rồi, đang chờ phía bển tuyển đặng bay, ai dè ngừng tuyển LĐ Việt Nam . Buồn, em lên Bình Dương làm, đợi cơ hội”.

Còn em Nguyễn Thị Mến tâm sự: “Thiệt tình các LĐ bỏ trốn đó làm “sầu nồi canh” rồi, em mà được đi, em sẽ tuân thủ đúng hợp đồng. Giờ em làm công nhân điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận. Em dự định thời gian rảnh, xin việc làm thêm ở các nhà hàng Hàn Quốc để luyện nói. Em sợ bỏ lâu quên”.

Về nước đúng hạn sẽ được trở lại làm việc

Cơ hội cho LĐ mới không còn hoặc rất mong manh, nhưng với những LĐ đã và đang làm việc ở Hàn Quốc- nhất là những LĐ sắp hết hợp đồng- vẫn có cơ hội trở lại Hàn Quốc. Bởi trong văn bản gửi Bộ LĐ-TB và XH Việt Nam , phía Hàn Quốc cũng còn chừa cơ hội cho một bộ phận.

Theo đó, những LĐ làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn sẽ được phép quay trở lại Hàn Quốc sau 3 tháng về nước. Đây cũng chính là một biện pháp mà Hàn Quốc cố gắng cùng với Việt Nam làm giảm tỷ lệ LĐ bất hợp pháp.

Theo ông Huỳnh Kim Hoàng- Trưởng Phòng Thị trường việc làm thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, giải pháp trước mắt là trung tâm phối hợp với các ngành liên quan động viên gia đình có con em đang “trốn” tại Hàn về nước.

Đồng thời, để “giải tỏa” trên 1.150 LĐ mất cơ hội sang Hàn, trung tâm sẽ định hướng cho LĐ chuyển sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan , Malaysia . Song ông Huỳnh Kim Hoàng cũng trăn trở: “Đa phần LĐ phổ thông nghèo chọn đi Hàn bởi kinh phí thấp, lương cao, bình quân từ 1.300- 1.500 USD/tháng. Còn thị trường Nhật, Đài Loan đòi hỏi LĐ có trình độ cao, chi phí đi cao. Còn thị trường Malaysia thì thu nhập thấp nên LĐ không mặn mà”.

Theo các nhà tuyển dụng, LĐ Vĩnh Long tham gia xuất khẩu LĐ được đánh giá tốt, chấp hành tốt hợp đồng, chịu khó, thân thiện. Ông Huỳnh Kim Hoàng cho biết, thời gian tới trung tâm sẽ đào tạo định hướng cho LĐ đi xuất khẩu chuyên sâu hơn như học tiếng, học nghề, phong tục tập quán, tác phong LĐ, phòng ngừa tai nạn LĐ để tạo nguồn cung ứng xuất khẩu LĐ chất lượng cao, LĐ có thu nhập cao hơn.

Bài, ảnh: HẠ NGHI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh