Hiện nay tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm còn khá nhiều. Nhiều bạn do quá đặt nặng chuyện việc làm nên tỏ ra chán nản, suy sụp tinh thần. Thay vì buồn chán, bạn trẻ hãy xem đây là cơ hội để nhìn lại chính mình và làm điều mình thích nhé!
Hiện nay tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm còn khá nhiều. Nhiều bạn do quá đặt nặng chuyện việc làm nên tỏ ra chán nản, suy sụp tinh thần. Thay vì buồn chán, bạn trẻ hãy xem đây là cơ hội để nhìn lại chính mình và làm điều mình thích nhé!
Kinh doanh tiệm net giúp Trường lấy lại tự tin khi thất nghiệp.
|
Cơ hội để thử thách chính mình
Sinh viên mới ra trường với bao háo hức, mơ ước tìm được công việc đúng với chuyên ngành đã học, nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Do quá hy vọng nên sau thời gian không tìm được việc, bạn trẻ thường thất vọng, thậm chí có bạn mất đi niềm tin cuộc sống. Thế nhưng có không ít người sau khi thất nghiệp đã vượt qua thử thách và tìm được hướng đi cho riêng mình.
Tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, với bằng cử nhân loại giỏi nhưng Nguyễn Thị Kim Nguyên lại gặp khá nhiều trắc trở trên hành trình tìm việc. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ việc bán hoa tươi, làm việc bán thời gian ngoài giờ học nên sau gần 3 tháng thất nghiệp, Nguyên đã chọn con đường bán tiệm tạp hóa. Nhiều khách hàng cứ thích ghé ủng hộ bởi cô chủ nhỏ này ăn nói rất có duyên. Theo Nguyên, để tìm công việc yêu thích, phù hợp là không đơn giản. Thế nên Nguyên muốn thử sức với kế hoạch kinh doanh để vừa có thu nhập vừa bổ sung kiến thức cho chuyên ngành đã học.
Chuỗi ngày thất nghiệp của bạn Nguyễn Thị Kiều Hân- lớp Ngữ Văn K31, Đại học Cần Thơ- bắt đầu từ khi ra trường. “Hân không nhớ mình đã làm bao nhiêu hồ sơ để xin việc. Lúc đó tôi có cảm giác mình đã thất bại hoàn toàn”. Đối mặt với các khoản vay sinh viên, tiền thuê nhà, phí sinh hoạt, Hân đã làm rất nhiều việc, từ tiếp thị mỹ phẩm đến phụ bán hàng. Sau gần một năm Hân mới tìm được công việc thích hợp, ổn định. Nhắc lại thời gian buồn chán, Kiều Hân chia sẻ: “Bạn phải nhớ rằng, khi chưa có việc làm ổn định, đừng ngần ngại làm bất kỳ việc gì miễn là chính đáng. Đặc biệt, phải luôn giữ tinh thần lạc quan để tiếp tục “chiến đấu” cho đến khi tìm được việc yêu thích”.
Cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp hơn năm nay, bạn Trần Nhật Trường- cựu sinh viên Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ- quyết định chấm dứt những ngày tháng long đong về quê Vĩnh Long mở tiệm net. Trường cho biết chọn bạn công việc này vì vốn đầu tư không quá lớn nhưng lại có thu nhập đều đặn. Làm từ sáng, có khi đến gần 12 giờ khuya mới được nghỉ nhưng Trường thấy rất vui và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Trường thổ lộ: “Mặc dù kinh doanh nhỏ nhưng mình cũng học hỏi được nhiều điều thú vị, được va chạm thực tế và đặc biệt mình có thể sống tự lập, chủ động mọi việc”.
Và những trải nghiệm
Bạn Nguyễn Thị Kiều Oanh- sinh viên sư phạm Toán Trường Đại học Cần Thơ- đã có nhiều kỷ niệm vui buồn trong hành trình dạy kèm của mình. Hơn một năm tìm việc, Oanh đi dạy kèm để thêm kinh nghiệm cũng như không để kiến thức bị bỏ phí. Oanh cho rằng được bố mẹ nuôi cho ăn học 4 năm trời, giờ để cha mẹ lo nữa thì thật xấu hổ. Đi dạy có những học trò ngoan dễ thương, có em thì ngỗ nghịch nhưng “khi nghe các em gọi cô thân thương thì mình vui lắm”. Khoảng thời gian dạy thêm, không chỉ giúp Oanh thoát khỏi trạng thái căng thẳng mà còn tạo cơ hội để Oanh có dịp cọ xát thực tế, nắm bắt tâm lý học sinh, thêm kinh nghiệm khi vào dạy ở trường.
Còn Kim Nguyên thì cho rằng những khó khăn trong lúc đầu khởi nghiệp giống như hòn đá tảng vì “không biết ra sao, có thu hồi vốn nhanh không”. “Kinh doanh hàng tạp hóa tuy số lãi không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại”, lợi nhuận có thể giúp Nguyên trang trải các chi phí và chủ động được thời gian”- Nguyên nói. Chia sẻ về phương pháp “hút khách”, Nguyên cho biết: “Cách giao tiếp hết sức quan trọng vì tiệm tạp hóa nhỏ lẻ chỉ bán cho khách quanh vùng thôi. Vì thế, mình phải hết sức khéo léo, gần gũi để tạo mối liên hệ tốt”.
Mỗi người đều có những cơ hội và sự lựa chọn cho riêng mình. Dù vậy bạn trẻ cũng cần phải chuẩn bị thật tốt trước khi xin việc để không mất tự tin khi rơi vào tình trạng thất nghiệp. Chỉ cần tinh thần ổn định, bạn sẽ đủ sáng suốt để nhận ra con đường tới thành công nhanh nhất.
Bài, ảnh: PHƯƠNG VY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin