Ngay sau khi tỉnh triển khai, huyện đã xây dựng và phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện. Mục tiêu của đề án này xác định, đào tạo nghề theo nhu cầu, gắn với vùng nguyên liệu và giúp tăng thu nhập của người dân sau khi học nghề.
Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Vũng Liêm đều đạt chỉ tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ngay sau khi tỉnh triển khai, huyện đã xây dựng và phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện. Mục tiêu của đề án này xác định, đào tạo nghề theo nhu cầu, gắn với vùng nguyên liệu và giúp tăng thu nhập của người dân sau khi học nghề.
Dạy nghề gắn với vùng nguyên liệu
Vũng Liêm hiện có 4 làng nghề. Đó là làng nghề trồng lác và xe lõi lác ở các ấp: Phước Bình (Quới Thiện), Bình Thủy (Thanh Bình), Đại Hòa và Đại Nghĩa (Trung Thành Đông). Với nguồn nguyên liệu tại chỗ, chương trình đào tạo nghề nông thôn ở các làng nghề được tập trung vào các ngành nghề chế biến sản phẩm từ cây lác. Không chỉ góp phần nâng cao được giá trị cho cây lác, các ngành nghề này cũng góp phần giải quyết tốt công ăn việc làm cho những hộ ít đất hoặc không có đất canh tác và có “công lớn” trong việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trước kia ở xã Trung Thành Đông, không ít hộ nghèo không có đất canh tác phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Song, nhờ địa phương tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, các lớp học nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn mở ra nên nhiều người đã có việc làm ổn định bằng nghề xe lõi lác.
Chị Mai Thị Chi (ấp Đại Hòa) chia sẻ: “Nhà có công ruộng nên tui phải mần mướn. Tranh thủ khi nào huỡn, tui xe lõi kiếm tháng cũng hơn triệu. Ở quê, kiếm tiền vậy đỡ lắm à nghen!” Bình quân một máy xe lõi tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng/lao động. Nhờ phát triển làng nghề xe lõi lác mà xã Trung Thành Đông đã giải quyết được việc làm cho số lao động nông thôn nhàn rỗi và tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương, giúp nhiều gia đình vượt khó thoát nghèo.
Bên cạnh các ngành nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, việc Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Vĩnh Long mở các lớp kỹ thuật nông nghiệp được nhiều lao động nông thôn hưởng ứng bởi họ được cải tiến năng suất, hiệu quả kinh tế cao ngay chính “thửa vườn, mảnh ruộng của mình”. Ở các lớp học này, ngoài học lý thuyết, lao động nông thôn sẽ được trực tiếp tham gia gieo sạ, thăm đồng, chăm sóc lúa cho đến khi thu hoạch.
Chú Nguyễn Văn Mười (ấp Nhơn Nghĩa, xã Hiếu Phụng) phấn khởi: “Được thầy hướng dẫn tận tình cách chăm sóc lúa nào là sạ giống, xịt thuốc sâu, dùng phân phướn, rồi thăm đồng, tụi tui khoái lắm. Giờ được học, tụi tui trồng lúa có kỹ thuật lắm nhe. Lúa trúng, bông lúa chắc, nhìn là ghiền”. Nhờ vậy, qua thời gian học, các đồng ruộng được vệ sinh, làm đất kỹ hơn trước khi xuống giống vụ mùa mới. Nông dân đồng loạt tuân thủ xuống giống tập trung theo lịch thời vụ của địa phương. Lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu được điều chỉnh ở mức hợp lý, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo cho ruộng lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy- Trưởng Khoa Nông nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng cho biết: “Lúc đầu, khi triển khai các lớp học này cũng gặp không ít khó khăn, bởi bà con quen trồng lúa theo tập quán rồi. Họ sạ dày từ 25- 30kg giống một công. Tôi động viên, khuyên giảm 50% lượng giống và phải sử dụng giống nguyên chủng IE 5404. Họ làm theo kỹ thuật mình chỉ, khi kết quả bông dài, hạt to, năng suất cao hơn thì mới tin”.
Trong khuôn viên Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Vũng Liêm, Công ty TNHH May Phương Tùng đã giúp cho trên 70 lao động địa phương có việc làm. Cô Nguyễn Thị Trang (53 tuổi) cho biết: “Tui ở gần chợ Giồng Ké đó, trước tui may tại nhà bữa có bữa không giờ vô đây làm lương tháng hơn 2 triệu ổn định hơn. Lương của tui cộng với lương của ông xã đã nuôi được con gái học đại học trên TP Hồ Chí Minh đó”.
Đào tạo theo nhu cầu, giúp tăng thu nhập
Ông Nguyễn Đăng Khoa- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Vũng Liêm cho biết: “Thuận lợi của huyện là sau khi có đề án, UBND huyện ra quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã- thị trấn dựa trên cơ sở chỉ tiêu được giao của huyện. Song song đó, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục vận động người lao động chưa qua học nghề, chưa có việc làm đăng ký học nghề tại các lớp dạy nghề lưu động và tại các cơ sở dạy nghề phù hợp với nhu cầu”. Theo quyết định này, mỗi năm, một xã- thị trấn mở ít nhất 2 lớp với 60 học viên, các ngành nghề tùy theo nhu cầu của người dân tại địa phương.
Với nguồn lác nguyên liệu tại chỗ, hình thành nên làng nghề xe lõi lác, thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Khoa, đa số các lớp dạy nghề thường là gắn với nhu cầu của người dân, khi có đủ số lượng sẽ tiến hành mở lớp. Học các lớp học này- thường là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp- sẽ được giải quyết việc làm và có thu nhập ngay trong giai đoạn học nghề; hoặc các lớp kỹ thuật nông nghiệp giúp người dân thay đổi tập quán công tác để tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất trên cùng diện tích… Ngoài việc dạy nghề cho lao động nông thôn, từ khi triển khai đến nay trung tâm còn liên kết mở 3 lớp đại học từ xa với 163 học viên, trong đó học viên tham gia học phần lớn là cán bộ- công chức xã.
Định hướng đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện phải đạt 35%, theo đó hàng năm huyện phải đào tạo khoảng 1.490 lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, UBND huyện chỉ đạo ngoài việc đào tạo gắn với nhu cầu, gắn với vùng nguyên liệu… trong quá trình thực hiện cần có sự tham gia của các đoàn thể, các doanh nghiệp, nghệ nhân các làng nghề. Mục đích cuối cùng làm sao để người lao động chưa qua học nghề đến được với trường nghề, tìm được việc làm sau học nghề và tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH NGHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin