Sáng nay (2/11/2012), Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương- mái ấm cho những trẻ thơ bất hạnh chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.
Sáng nay (2/11/2012), Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương- mái ấm cho những trẻ thơ bất hạnh chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.
Những trẻ em đầu tiên được tiếp nhận vào trung tâm.
|
Trước mặt chúng tôi là 3 mảnh đời vừa được trung tâm tiếp nhận: Cháu Phạm Hoàng Lâm, 8 tuổi (bé lớn nhất trong ảnh, ở xã Loan Mỹ- Tam Bình), cha mẹ rất nghèo không khả năng nuôi dưỡng; cháu Phạm Tấn Hưng, 4 tuổi, cha bỏ đi từ lúc cháu mới được sinh ra, mẹ đi làm ăn xa bé ở nhà với bà ngoại, nhưng nhà rất nghèo; cháu Hồ Gia Tuệ (sinh 2011) được người chú đưa từ Giang Thành (Kiên Giang) đến trung tâm, vì bé bị cha mẹ bỏ rơi lại bị mù hai mắt…
Sau những tháng ngày ngược xuôi cùng phật tử đến với nhiều địa phương làm công tác xã hội- từ thiện, nhìn thấy đâu đó vẫn còn những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn vì gia đình nghèo, vì bị cha hoặc mẹ bỏ rơi, hoặc mất sớm,… Đại đức Thích Phước Ngọc- trụ trì chùa Phước Quang (thị trấn Tam Bình) đau đáu trong lòng ý tưởng xây dựng cô nhi viện để nuôi dưỡng, chăm sóc cho những trẻ thơ bất hạnh; giúp tuổi thơ các cháu có nơi nương tựa, có điều kiện sống và được chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn; giúp các em trưởng thành trong một môi trường đầy tình thương và trách nhiệm để trở thành người có ích cho xã hội.
Ngày 19/8/2008, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định số 1780/QĐ-UBND cho phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội với tên gọi Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương tại Khóm II, thị trấn Tam Bình (khu vực chùa Phước Quang), với quy mô nuôi dưỡng 150 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do ông Phạm Văn Cung- Đại đức Thích Phước Ngọc làm giám đốc trung tâm. Đề án được chính thức triển khai, vận động thực hiện. Với tấm lòng cùng chung tay vì tương lai tốt đẹp cho trẻ thơ, đặc biệt đối với những trẻ thơ bất hạnh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, ủng hộ việc thực hiện đề án bằng cách đóng góp tấm lòng, tiền của xây dựng trung tâm.
Đến nay, sau 4 năm thực hiện, Đề án xây dựng Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương đã hoàn thành trên tổng diện tích 5.000m2, với tổng kinh phí 9,1 tỷ đồng do các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp. Trong đó, bao gồm nhiều hạng mục hoàn chỉnh: khu vực nuôi trẻ gồm 21 phòng (dự kiến cho 150 trẻ); khu vực niệm phật đường- học đường- chay đường; khu vực nấu ăn- dinh dưỡng; khu vực văn phòng quản lý, trong đó có phòng y tế sơ cứu ban đầu; hệ thống cây xanh; hệ thống điện, bảo an, hệ thống nước sinh hoạt, thoát nước, cột chống sét; khu vườn sinh thái… Trung tâm còn xây dựng tượng Phật Di Lạc cao 7m; khu Quan Âm Các với tượng Quan Âm Thị Kính bồng trẻ- cao 25m (tính cả phần bục đài sen), được kiến trúc và điêu khắc đảm bảo tính mỹ thuật và đầy tôn nghiêm. Bên trong thân tượng có cầu thang xoắn đưa khách đến vai tượng để tham quan toàn cảnh xung quanh miền quê sông nước,… Tất cả tạo nên không gian đạo- đời hòa quyện. Đến đây, lòng người có thể trải rộng với sự yên lành và tâm thanh tịnh.
Ngay từ khi chuẩn bị đi vào hoạt động, trung tâm đã nhận được danh sách hàng chục trẻ em cần vào nương tựa, mỗi em là một cảnh đời thiếu hẳn tình thương hoặc điều kiện nuôi dưỡng. Với cơ sở, vật chất đã được đầu tư hoàn chỉnh, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương sẽ là mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại đây, không chỉ được nuôi dưỡng, được chăm sóc, học hành, các em còn được định hướng nghề nghiệp theo kỹ năng, với mong muốn khi trưởng thành các em có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.
Xây dựng hoàn chỉnh và đưa trung tâm vào hoạt động là cả một sự đồng tâm của những người có trách nhiệm, là tình cảm của những tấm lòng nhân ái vì trẻ thơ, vì những mảnh đời bất hạnh. Để duy trì hoạt động nuôi dưỡng trẻ như mong muốn, còn là cả một quá trình. Trước mắt, trung tâm sẽ tiếp tục nâng chất cơ sở nước tinh khiết đóng chai “Suối nguồn tình thương”, đưa hoạt động trung tâm vào nề nếp, đúng tôn chỉ, mục đích và quy chế… nhưng chắc hẳn vẫn cần có sự tham gia đóng góp thêm của cộng đồng. “Mỗi một trẻ em được nuôi dưỡng trưởng thành và bước vào đời với tương lai tốt đẹp, là một phần công đức đóng góp cho đạo, cho đời”- một phật tử đã nói.
Bài và ảnh: HỒNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin