Theo chân những người “ăn cơm nhà...”

01:11, 09/11/2012

Không biết đã bao nhiêu lần chúng tôi được các chị trong hội phụ nữ dẫn đi công tác, thứ hai, thứ ba, thứ tư và cả thứ bảy, chủ nhật. Không nề hà những khó khăn, tận tình và làm hầu hết những công tác phối hợp là những gì chúng tôi thấy được khi tiếp xúc với các chị.

Không biết đã bao nhiêu lần chúng tôi được các chị trong hội phụ nữ dẫn đi công tác, thứ hai, thứ ba, thứ tư và cả thứ bảy, chủ nhật. Không nề hà những khó khăn, tận tình và làm hầu hết những công tác phối hợp là những gì chúng tôi thấy được khi tiếp xúc với các chị.


Ngoài công việc xã hội, các chị em phụ nữ còn làm thêm nhiều việc khác: cơm nước, dạy dỗ con cái,…


Còn việc là còn làm

Một chiều thứ bảy mưa, vì có hẹn với chị Lê Thị Cẩm Loan- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Loan Mỹ (Tam Bình) lúc 2 giờ nên chúng tôi cũng phải đội mưa từ Vĩnh Long bon bon chạy xe xuống. Lúc đó, trong lòng không khỏi lo bị “leo cây” vì trời mưa quá xá. Đến trước cửa UBND xã đã hơn 2 giờ, vì không phải ngày làm việc nên UBND xã im phăng phắc. Trong lòng lo lo, chúng tôi bấm điện thoại thì chị Loan xuất hiện với nụ cười tươi rói: “Chị đang trông tụi cưng nãy giờ nè!” Trong lòng bỗng dưng áy náy! Chị nói, nhà này gần lắm, gia đình nghèo khó mà rất cố gắng lo cho con ăn học, con gái họ mới ra trường,…

Ngôi nhà mà chị bảo là gần nằm trong ấp Giữa, chạy xe máy vào đường đan lớn một đoạn rồi lại chuyển sang đường nhỏ và cuối cùng là lội bộ trên đường đất bùn lầy. Chị nói: “Đi mấy đường này riết quen, chỉ thương chị em phụ nữ dưới quê mình còn khổ lắm! Như 20/10 nè, có ai biết là ngày gì đâu”. Với chị thì “chuyện đi làm thứ bảy hay chủ nhật là chuyện cơm bữa”. Bởi, “có việc là phải làm chứ nề hà gì chuyện thứ mấy hay mấy giờ?”

Một lần khác, chúng tôi đi về xã Long Mỹ (Mang Thít) tìm đến một gia đình hiếu học. Lại là một cán bộ phụ nữ dẫn đi công tác, chị Ngô Nguyễn Hiền Nhi- Chủ tịch Hội LHPN xã. Chị Hiền Nhi đang tất bật phát thuốc và tiền trợ cấp nhãn chổi rồng cho bà con rồi chuyển sang phát bột xử lý nước. Chị cười: “Đợi dùm chị chút nha cưng!” Việc xong đâu đấy, chị dẫn chúng tôi đi, đến khi xong việc thì cũng ngót nghét 12 giờ. Sợ chị đói, chúng tôi mời chị đi ăn, chị lại cười “chị còn chưa xong việc, làm để chiều còn giải ngân cho ấp khác, chị ăn cơm hộp được rồi”.

Trong thời gian qua, các chị cán bộ Hội phụ nữ đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác hội, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của các hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, nông dân. Nhiệt tình, tâm huyết với phong trào là những gì chúng tôi ghi nhận được từ các chị.

Khẳng định vai trò của một nửa thế giới

Trên chiếc xe đạp của mình, cô Dương Kim Hà- Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành (Bình Tân) đến cơ quan và đi đến từng nhà hội viên có khi hơn chục kilomet. Gần 50 tuổi, cô vẫn sôi nổi, nhiệt tình làm hết mình vì công việc mà nhiều người vẫn cho là “ăn cơm nhà lo chuyện người ta”. Công tác ở một xã vùng sâu, còn nhiều khó khăn, nhận thức của chị em còn hạn chế, nhất là trong công tác phổ biến vấn đề bình đẳng giới. Cho nên, không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng” và “chuyện ai nấy lo, nhà ai nấy sáng”. Có đi cùng các chị vận động tập mới hiểu được những khó khăn, sự cố,… như chuyện thường ngày ở huyện. Đi tuyên truyền công tác bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, có người lớn tiếng: “Chuyện gia đình tôi, ai cần mấy người quan tâm”, rồi cô Hà nhỏ nhẹ giải thích rõ cho họ nghe. Với cô “mưa dầm thấm lâu” thôi! Cô kể: “Có vậy mà nhằm nhò gì, có lần cô còn bị hăm dọa nữa kìa”. Số là khi biết chị H. nhiều lần bị anh trai hành hung, cô đã tìm đến tận nhà anh B. (anh trai chị H.) để khuyên răn nhưng anh B. lại đe dọa đánh cho bỏ cái tật “ăn cơm nhà nói chuyện người ta”. Nhưng, “nếu có lý, mình nhỏ nhẹ giải thích từ từ học cũng nghe thôi”- cô Hà cười.

Để tập hợp chị em phụ nữ tham gia các CLB được xem là khó khăn. Bởi đa phần các chị luôn bận rộn với việc làm, chăm sóc con cái,... Có những ngày chị Trịnh Thị Tuyết Lệ- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long Phước (Long Mỹ- Mang Thít) phải đi “mòn dép” để vận động chị em từ đầu làng cuối xóm, mà “Phải nói làm sao cho các chị hiểu mà thực hiện tốt chứ không thể dùng biện pháp ép buộc các chị”- chị Lệ chia sẻ.

Đồng suy nghĩ như vậy, nên chị Đặng Thị Mai Loan- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 5- Phường 5 (TP Vĩnh Long) nói thêm: “Khó nhất là công tác vận động hỗ trợ tiền khi có hoạt động”. Chị Loan phải đến từng nhà tỉ tê, to nhỏ để vận động người dân ủng hộ các chương trình từ thiện như: phòng chống lụt bão, quỹ Vì người nghèo… Mỗi lần đi vận động chị “luôn vui vẻ, bỏ hết những lời nặng nhẹ và luôn luôn cười rồi giải thích, thuyết phục thì hội viên, người dân mới đồng tình thực hiện theo”.

Hầu hết các chị đều thổ lộ: “Khi đã nhận nhiệm vụ rồi thì mình phải làm thế nào để cho tốt. Làm vì đam mê, yêu việc là chính”. Ít ai hiểu được rằng, những người cán bộ phụ nữ này chỉ được phụ cấp từ 200.000- 300.000 đ/tháng. Trong khi, công việc hội, của các đoàn thể liên quan,.. ngốn không ít thời gian của các chị. Hỏi các chị, việc chính của cán bộ hội phụ nữ cơ sở là gì, chị Lê Thị Cẩm Loan cười: “Công tác phối hợp với các đoàn thể chính trị thì nhiều, tập huấn vận động chị em thì thứ bảy, chủ nhật mới đi nên giờ chính làm việc phụ, giờ phụ làm việc chính và việc gì cũng làm”!

Bài, ảnh: HUYỀN LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh